Mới thành lập được một thời gian khá ngắn, nhưng VinUniversity (gọi tắt là VinUni) đã và đang chứng tỏ bản thân là một đối thủ đáng gờm với các trường đại học có tiếng khác trong và ngoài nước qua những nỗ lực cải tiến chương trình giáo dục, tạo điều kiện hết sức trong việc hỗ trợ các bạn sinh viên tiếp cận với thị trường lao động. Nhờ đó, nguồn nhân lực tương lai bước ra từ ngôi trường này hứa hẹn sẽ có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà tuyển dụng. Sự thu hút ấy cũng không ngoại lệ với Got It. Đặc biệt là khi làm việc với ba bạn sinh viên chuyên ngành Computer Science thuộc đại học VinUni, những suy nghĩ đó của chúng mình một lần nữa được củng cố.
Các bạn ấy là Nghĩa, Khoa và Phúc, ba thành viên của team Backend nhà Got It. Tuy đều là những thành viên thuộc top “trẻ nhất công ty”, nhưng rào cản tuổi tác chưa bao giờ ngăn các bạn trẻ này phát triển, thể hiện bản thân và chứng minh năng lực. Chỉ là, với một startup luôn đối mặt với những thử thách đặt ra từ phía thị trường và người dùng, ngay cả các Got It-ians cứng cáp cũng thường xuyên phải đau đầu tìm cách giải quyết những bài toán “khó” trong quá trình làm việc. Vậy nên, Nghĩa, Khoa và Phúc chắc chắn sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, choáng ngợp thuở ban đầu.
Liệu các bạn ấy đã vượt qua những thời gian đó như thế nào? Qua ba tháng thử thách ở Got It, ba bạn trẻ đã học hỏi và đúc kết được gì? Cùng Got It E-Magazine tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Ít ai biết rằng, ngay từ khi nghe tin Nghĩa, cậu bạn sinh viên năm hai ngành Computer Science – VinUni, sẽ onboard vào một ngày cuối tháng sáu, Got It-ians chúng mình đã cực kỳ tò mò, mong chờ, háo hức. Mong chờ, một phần bởi, Nghĩa là Got It-ian đầu tiên đến từ VinUni. Phần khác, có lẽ là do chúng mình đã tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên trường tại Career Day (diễn ra ngày 23/4/2022) và ai cũng dành lời khen “có cánh” cho sinh viên trường nhờ sự chỉn chu, cầu tiến, ham học hỏi của các bạn.
Có điều, mong chờ càng lớn, áp lực đặt lên vai Nghĩa càng nhiều. Ngay ngày đầu tiên, cậu bạn đã bị các anh chị trong team “doạ”: “Nghĩa là intern đầu tiên của Got It đến từ VinUni, nên phải thể hiện thật tốt để các em cùng trường thơm lây nhé (cười)!”. Dù thực tế, lời dọa kia chỉ là một câu đùa. Chúng mình tin mỗi bạn đều là một màu sắc khác nhau, nên performance (sự thể hiện) của bạn này sẽ chẳng thể ảnh hưởng đến cơ hội dành cho một bạn khác. Nhưng có lẽ, lời đùa của các anh chị thực sự đã có tác động đôi chút đến Nghĩa. Cậu bạn đã cực kỳ, cực kỳ nỗ lực, “bứt tốc” trở thành một trong số ít các intern hoàn thành xong hai chương trình Technical Training và Product Training chỉ trong chưa đầy một tháng sau khi onboard.
“Chương trình intern ở team mình nói nặng thì em nghĩ không phải là nặng. Chủ yếu là xem các bạn ‘push’ bản thân đến đâu. Em muốn kết thúc chương trình training trong thời gian ngắn để sớm vào làm sản phẩm cùng các anh chị trong team, để được code, được sửa bug, nên hơi dồn bản thân xíu. Dồn xong thì cũng stress chị ạ. Cơ mà vào làm sản phẩm rồi, dù khó nhằn nhưng mà học được bao nhiêu thứ, làm vui, nên em vẫn thấy xứng đáng công sức dồn ép bản thân.” – Nghĩa vừa cười vừa tâm sự khi nhìn lại mùa hè đáng nhớ.
Thực tế, làm ở một startup “lớn lên” tại Silicon Valley, chúng mình vẫn tự nhận với nhau: Got It không phải một môi trường nhàn nhã. Lúc ngơi nghỉ, Got It-ians có thể “chơi hết mình”, nhưng đến thời điểm cần “chiến” để hoàn thiện sản phẩm, để không vuột mất cơ hội hợp tác với các khách hàng lớn, chúng mình cũng sẽ “làm hết sức”, không nề hà bất cứ khó khăn nào. Dù mới đang là intern, Nghĩa và các bạn cũng có suy nghĩ tương tự.
“Từ góc nhìn của em, không có cách nào để nâng cao kỹ năng cứng ngoài việc phải làm thật, học từ kinh nghiệm thực tế. Và đó cũng là điều em thấy thích nhất khi đi intern ở team mình. Tại vì, ở Got It, em không chỉ được làm thật mà còn làm trên cả thật.”
Cách dùng từ “trên cả thật” của Nghĩa quả thực đã làm mình nghĩ “khoan… dừng khoảng chừng là hai giây”, vội hỏi cậu bạn: “Ơ, trên cả thật là như thế nào Nghĩa nhỉ?”, để rồi nhận lại một câu trả lời cực kỳ logic, rất ra dáng Software Engineer:
“Làm thật đối với em là được code, được áp dụng những gì mình học vào làm một vài task nhỏ. Còn nói trên cả thật là vì ở team mình, em được tham gia trong tất cả các giai đoạn của Product Development Cycle, từ kick-off meeting, design, design review, code, code review, rồi test, và deploy luôn ý chị.”
Thông thường, quỹ thời gian làm việc của các bạn intern thường ít hơn các anh chị làm full-time. Điều này là dễ hiểu, bởi yêu cầu tối thượng của các bạn là hoàn thành chương trình học và không ngừng trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bạn intern không thể tham gia nhận các task lớn hay bắt buộc phải đứng ngoài Product Development Cycle (quy trình phát triển sản phẩm) của cả team. Đặc biệt là trong thời gian hè, khi Nghĩa và các bạn có khoảng ba tháng thực tập full-time, thì các anh chị mentor lại càng không ngần ngại “nhét” vào tay các bạn những nhiệm vụ khó nhằn.
“Mới mấy ngày trước thôi, các anh trong team Backend có giao cho em xử lý một task khá lớn. Họp phân task xong thì em vừa vui vừa sợ. Vui vì mình được động vào những phần việc có impact (sức ảnh hưởng) lớn hơn đến sản phẩm. Nhưng vẫn sợ vì em lo, không biết mình có làm được tốt không. Kể cả khi ba tháng đã qua, em vẫn cảm giác như mình đang ‘học việc’ thôi vì
còn quá nhiều điều em chưa biết. Chỉ là, có anh Cường (mentor của Nghĩa) hỗ trợ, có các anh chị chịu khó trả lời ‘một vạn câu hỏi vì sao’ của em là em hết lo luôn. Giờ thấy code chạy ra 500 internal server error cũng không hoảng nữa rồi.” – Nghĩa hài hước tâm sự.
Tâm thế máu chiến, tinh thần lạc quan, yêu đời, cùng với năng lực “hỏi một vạn câu hỏi vì sao” cũng là một trong những điều giúp Nghĩa “ghi điểm” cực mạnh trong lòng các Got It-ians. Cậu bạn sẵn sàng hỏi khi chưa hiểu rõ requirement, sẵn sàng lên tiếng khi có điểm khúc mắc. Chỉ khi đảm bảo mình đã nắm chắc mình cần làm gì, Nghĩa mới bắt tay vào xử lý task.
“Một trong những điều em học được nhiều nhất khi làm ở team mình là tinh thần IASK. Bốn yếu tố định hình một Got It-ian là Intelligence, Attitude, Skills và Knowledge ghép lại thành IASK (tôi hỏi) giúp em có thêm động lực để ‘hỏi’ các anh chị nhiều hơn. Thay vì lười hỏi rồi đổ lỗi ‘Em tưởng là…’ khi làm sai điều gì đó, em học cách chăm hỏi để xác nhận thông tin và nhận trách nhiệm cho những gì mình làm. Hỏi riết rồi em không biết chị Hương (Technical Product Manager sản phẩm Got It AI) có sợ em không nữa. Tại em hỏi nhiều quá mà.” – Cậu sinh viên năm ba VinUni vừa cười vừa kể.
Một năm học mới của VinUni sắp bắt đầu, Nghĩa có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bên cạnh các thử thách đến từ công việc. Bởi hiện tại, trong vai trò là part-time intern, có ngày Nghĩa sẽ phải đi đi về về 20km từ trường đến công ty và ngược lại. Nhưng chúng mình tin rằng, với sự quyết đoán, quyết tâm và ham học mà Nghĩa gây ấn tượng từ ngày đầu đến nay, chuyện cân bằng giữa đi học – đi làm sẽ không thể đánh bại được tinh thần của cậu bạn.
“Em nghĩ việc cân bằng sẽ không khó nếu mình nhận định được rõ việc nào ra việc đó. Em cũng đã cân đối số tín chỉ học trong kỳ này để có thời gian đi làm, hoàn thiện các task ở team. Team mình cũng tạo điều kiện để em ngồi tại trường, làm từ xa vào thứ hai, thứ tư – những ngày có lớp kín và chỉ lên office làm vào thứ ba, thứ năm, thứ sáu, nên em nghĩ em có thể giữ được tâm thế tốt nhất để vừa học vừa làm. Mà thực ra hôm trước xem syllabus môn Software Construction, thấy có kha khá nội dung mình đã được va đập trong lúc làm ở team rồi, nên em nghĩ việc đi làm sẽ có tác động tích cực đến khả năng tiếp thu kiến thức của em khi học ở trường chị ạ.” – Nghĩa chia sẻ.
Sinh năm 2003, Khoa ít tuổi hơn người senior nhất trong Got It team chúng mình 29 tuổi. Ngày Khoa đặt chân đến công ty, chúng mình gật gù bảo nhau: “Đúng là tuổi trẻ tài cao!”, bởi cậu bạn này đã onboard khi chỉ vừa mới trải qua năm nhất tại VinUni và nghiễm nhiên trở thành thành viên trẻ tuổi nhất tại Got It.
Nhưng chẳng mấy ai ngờ, hành trình để cậu bạn nhỏ tuổi này đến với Got It không phải một hành trình dễ dàng. Thậm chí, chúng mình có thể đã lạc mất nhau, nếu Khoa không kiên trì và nỗ lực vì mục tiêu của mình đến thế.
Lần đầu tiên nghe đến cái tên Got It qua lời kể của một người bạn, Khoa đã nhớ ngay để tìm hiểu thêm về team thông qua website và các bài blog. Để rồi, cậu bạn đã cực kỳ ấn tượng với môi trường làm việc năng động, trẻ trung và rất “Mỹ” của Got It. Các bài blog được team đầu tư kỹ lưỡng và chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung, khắc họa những trải nghiệm chân thực của các anh chị đi trước đã để lại những “vấn vương” sâu đậm trong Khoa và truyền cho cậu một động lực mãnh liệt để theo đuổi startup mang tên “Got It”.
Vậy là chiếc CV apply đã được Khoa gửi đến Got It lần đầu tiên thông qua chương trình tuyển dụng lớn nhất năm của chúng mình – New Grads 2022. Với số lượng đơn ứng tuyển lớn, chúng mình không thể xử lý tức thì và phản hồi kết quả trong một đến hai ngày làm việc. Điều này thực sự đã khiến Khoa khá lo lắng về cơ hội “mong manh” của mình. Nhưng chỉ lo lắng sẽ không giúp kết quả khác đi. Khoa quyết định tìm hiểu và lắng nghe thêm về team tại Career Day do VinUni tổ chức. Thông qua Speed Dating (hoạt động trong khuôn khổ Career Day) và tham gia giao lưu cùng với các anh chị ở booth Got It, Khoa như được tiếp thêm động lực để tiếp tục “theo đuổi” chúng mình.
“Hôm đấy Speed Dating cùng với recruiter đại diện cho team mình – chị Huyền, em đã rất ấn tượng bởi cách chị chia sẻ. Thay vì những lời giới thiệu cơ bản về các cơ hội, phúc lợi hay vị trí mở tuyển ở team, chị Huyền đã tâm sự những cảm nhận chị có khi may mắn trở thành một Got It-ian. Sự chân thành và thẳng thắn của chị đã làm em rất bất ngờ và ấn tượng.”
Hứng thú, ngay ngày hôm ấy, Khoa một lần nữa gửi CV đến các chị Recruiter nhà Got It và bày tỏ mong muốn ứng tuyển. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bản CV của Khoa vẫn chưa chỉn chu, tròn trịa. Là sinh viên năm nhất, cậu bạn cũng không có trong tay quá nhiều kinh nghiệm để có thể “đấu lại” với các anh chị năm hai, năm ba. Nhưng, Khoa chẳng hề bỏ cuộc. Tháng 5 năm 2022, cậu intern nhỏ tuổi nhất Got It đăng ký tham gia Project X, một dự án phi lợi nhuận hỗ trợ các bạn trẻ cải thiện CV và kết nối với các nhà tuyển dụng, trong đó có Got It, để học hỏi thêm kỹ năng hoàn thiện hồ sơ apply. Sau những buổi training với Project X, Khoa một lần nữa lại lựa chọn Got It làm một trong ba công ty để ứng tuyển trong khuôn khổ dự án.
“Hồi gửi CV tháng 4, em gửi một bản khá là sơ sài và thiếu sót. Nên lúc biết được cách viết hồ sơ để ghi điểm với nhà tuyển dụng, em quyết tâm ‘tút tát’ lại CV và apply Got It một lần nữa. May là lần này đã được các chị Recruiter liên lạc rồi.” – Khoa tâm sự.
Quả thật, chị Thảo – Recruiter của team chắc sẽ không thể quên được ngày gọi điện cho Khoa để liên lạc về quy trình tuyển dụng. Cậu bạn mừng quýnh khi nghe thấy Recruiter Got It gọi điện đến cho mình, nhưng vẫn không quên hỏi: “Chị đang cầm bản CV nào của em vậy ạ?”. Mỗi lần apply Got It, Khoa lại gửi một bản CV đã được “chỉnh trang”, nên cậu bạn đã cẩn thận dặn dò, nhờ chị Thảo lấy bản CV mới nhất của mình để gửi đến các anh Engineer review, đánh giá.
Mọi nỗ lực đã đến ngày hái quả, tuy còn “trẻ” trong tuổi đời và mới hoàn thành chương trình năm nhất tại VinUni, Khoa đã chứng minh được khả năng nắm vững kiến thức, vận dụng tư duy tốt, tinh thần ham học hỏi của mình sau ba vòng phỏng vấn, để rồi trở thành Got It-ian sau một hành trình đầy quyết tâm, nỗ lực.
Vào ngày làm việc đầu tiên, Khoa chia sẻ với mình, cậu bạn apply vào Got It vì muốn được trải nghiệm một công việc thật “challenging” (nhiều thử thách). Ngày hôm nay, sau gần ba tháng intern, ngồi đối diện với mình, Khoa vừa cười vừa thú nhận: “Vào xong em thấy, làm ở team mình khó thật chị ạ. Khó vượt qua cả expectation (mong đợi) rồi.”
Chương trình training ở Got It dành cho các bạn intern gồm hai phần chính là Technical Training và Product Training. Tuy nhiên, riêng bản thân Technical Training đã là cả một thử thách “siêu to khổng lồ”. Bởi, không chỉ cần hoàn thành hai khoá học bổ sung kiến thức, tìm hiểu thêm về framework team sử dụng, các bạn intern còn phải hoàn thành Final Project. Ở giai đoạn này, sau khi nhận được từ mentor một list requirement tương đối chung chung, mỗi bạn intern sẽ cần tự làm rõ chúng, design và rồi code ra một chiếc app nhỏ, chạy được trơn tru.
Nghe thì đơn giản, nhưng Final Project thực tế lại là “ác mộng” của nhiều bạn intern nếu không quyết tâm học hỏi và thực chiến.
“Khóa học về Python thì em xử lý khá tự tin. Nhưng do chưa bao giờ làm việc với Flask – framework Backend team mình sử dụng, nên em học khoá thứ hai khá vất vả. Sau đó, đến với Final Project, do chưa từng code hoàn chỉnh một dự án nào, nên code style (phong cách code) của em không được chuẩn, nhiều đoạn logic còn loằng ngoằng và chưa theo được các best practice trong ngành. Lúc ấy, anh Jon (mentor của Khoa) và anh Minh (Senior Backend Engineer) đã chỉ ra cho em khá nhiều lỗi sai, nhiều đoạn phải sửa. Code review xong, em bước ra khỏi phòng, hơi buồn và thất vọng vì bản thân chưa làm tốt. Nhưng sửa xong phần các anh nhắc nhở, thì em đã tự tin hơn nhiều và may là cũng hoàn thành xong Final Project thuận lợi (cười).” – Khoa tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, sau hai tháng thử việc, Khoa chính thức trở thành một Backend Engineering Intern ở Got It. Cậu bạn cũng đã tham gia vào team làm sản phẩm được gần một tháng. Sau những nỗ lực ứng tuyển, những bỡ ngỡ thuở ban đầu, chúng mình rất vui khi cậu em út của team đã ngày càng rắn rỏi và trưởng thành hơn, sẵn sàng thử sức với các thử thách mới trong công việc.
“Giờ tham gia code product thì thỉnh thoảng em giận bản thân vì code hơi ngốc xíu thôi, chứ em rất vui vì học được rất nhiều điều khi làm cùng mọi người: từ Product Development Cycle, đến các best practice, rồi clean code là như thế nào. Các task được giao thì độ khó/dễ sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của release đó. Tuy nhiên, team mình chia task khá đều, nên lúc nào em cũng có đủ động lực để tiếp tục làm và thử thách bản thân. Như bây giờ, em được giao một task dễ, một task khó. Task khó mới đầu làm thì khá hack não, nhưng làm được thì sẽ rất vui ạ.” – Khoa hào hứng kể.
Bên cạnh những thay đổi rõ nét về mặt kỹ năng, Khoa cũng khiến chúng mình bất ngờ, khi từ một cậu em ít nói, thích ngắm nhìn mọi người, Khoa giờ đây đã cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong team nhiều hơn trước:
“Em thấy mình khá may mắn khi được anh Jon mentor rất tận tình, tâm huyết. Có lúc tám, chín giờ tối em nhắn tin hỏi han, anh Jon cũng online để trả lời em ngay. Một niềm vui khác vượt quá mong đợi là team mình vẫn tặng quà sinh nhật cho em dù em onboard muộn hơn ngày sinh nhật mấy ngày. Chưa kể, mọi người trong team cũng rất thoải mái, dễ nói chuyện, nên em cũng sẵn sàng mở lòng hơn. Tổng hợp tất cả, em nghĩ con người em đã thay đổi rất nhiều sau khi vào team. Em đã ‘chịu nói’ hơn rồi ạ.”
Cùng ngày Khoa onboard tại Got It, chúng mình còn chào đón một thành viên khác, đó là Phúc. Phúc lớn hơn Khoa hai tuổi, nhưng vẫn thuộc top những thành viên trẻ tuổi nhất trong team. Chúng mình hay trêu nhau, khi các bạn trẻ này lớn hơn, cứng cáp hơn, và có nhiều trải nghiệm hơn, Got It tương lai không sợ thiếu nhân tài.
Quay trở về ba năm trước, hồi mới “chân ướt chân ráo” bước vào cổng trường VinUni, Phúc đã được nghe phong thanh về anh Hùng cùng câu chuyện “Startup Việt hiếm hoi thành công tại Silicon Valley”.
Nhưng cậu bạn không quá để tâm đến công ty ngay, vì còn ưu tiên việc học. Mãi sau này, sự xuất hiện của Got It trong chiếc email của trường mới nhắc Phúc nhớ lại về một startup Việt với sản phẩm toàn cầu đình đám dành cho học sinh, sinh viên – PhotoStudy. Cụ thể, chiếc email đề cập đến chuyến Office Tour tại Got It dành riêng cho các bạn sinh viên VinUni. Và đương nhiên, số lượng có hạn!
Dù rất nhanh chóng submit đơn để dành lấy cho mình một cơ hội tham gia, nhưng Phúc vẫn là một chú “Late Bird”, phải ngậm ngùi chứng kiến bạn bè có mail xác nhận ngày giờ đến Office Tour của Got It. Sẽ chẳng có câu chuyện để nói, nếu như Phúc chỉ đơn giản ở nhà, vì không nhận được thư mời. Nhưng cậu bạn không bị động như vậy. Dù không nhận được slot tham gia sự kiện, cậu bạn vẫn xuất hiện tại buổi Office Tour mà chúng mình tổ chức. Trải nghiệm không khí làm việc của các Engineers nhà Got It, và trực tiếp chiêm ngưỡng chiếc view Hồ Tây mà chúng mình không tiếc lời quảng cáo trên fanpage công ty, Phúc đổ Got It “cái rụp”. Chúng mình cũng “đổ” cậu bạn, sau khi chứng kiến phần thể hiện xuất sắc của Phúc trong các vòng phỏng vấn. Thế là, Phúc trở thành một Software Engineering Intern tại Got It team.
Hồi đầu đến team, Phúc, như nhiều bạn intern khác, cũng bỡ ngỡ và lo lắng vì không biết bản thân sẽ phát triển như thế nào, có làm quen được với công việc hay không. Thấu hiểu những tâm lý đó của các bạn intern, Got It đã cố gắng thiết kế một chương trình training bài bản với lộ trình rõ ràng. Từ Tech Stack của sản phẩm, ngôn ngữ team đang sử dụng, đến các process làm việc, hay các công cụ task management (quản lý công việc) đều được giới thiệu để giúp các bạn hiểu và dễ dàng áp dụng trước khi chính thức tham gia vào phát triển sản phẩm cùng cả team. Khi được hỏi tìm ra một và chỉ một “new knowledge” (kiến thức mới) mà Phúc tâm đắc nhất đã học được khi training, cậu bạn hào hứng chia sẻ: “Hàm decorator trong Python, em thấy rất rất là đỉnh cao, đỉnh của chóp luôn. Trước đây em không hề biết đến function đó, rất hay.”
Miêu tả về quãng thời gian training bằng một từ, Phúc suy nghĩ và quyết định lựa chọn… ba từ “cân”. Chữ “cân” đầu tiên là biểu thị cho chữ “cân bằng”.
“Bình thường mọi người sẽ nghĩ đi làm thì mình sẽ học được ít hơn, nhưng workload lại nhiều, làm việc cho tư bản… Nhưng em thấy ở Got It mọi thứ rất cân bằng, vừa có thể làm việc để cống hiến cho công ty, nhưng cũng vừa học được nhiều những kiến thức mới.”
Chữ “cân” thứ hai là “cân nặng”.
“Ở Got It ăn rất nhiều, em chưa thấy công ty nào mà cấp cho nhân viên ngày hai bữa, xong lại còn ăn xế, còn có cả đồ ăn trong pantry luôn ngập tủ…” – Phúc giải thích cho từ “cân nặng” mà mình dùng khi nói về trải nghiệm ở Got It.
Và từ “cân” cuối cùng mà Phúc tâm niệm, chính là “cân băng”. Phúc chia sẻ: “Từ ngày vào Got It, trình độ bi-da của em tăng lên rất nhiều. Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, hay những giờ ăn uống cũng “căng thẳng” không kém ra, thì em còn được giải trí bằng việc chơi bi-a với mọi người.”
Dù trải nghiệm “cân” như thế, cũng được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng bước vào làm product cùng cả team, nhưng Phúc vẫn không tránh khỏi việc bắt gặp những khó khăn và thử thách.
“Những ngày đầu, code của em có những con bug ‘không hiểu ở đâu ra’ khiến em không thể tự mình giải quyết. Cũng may mắn là các anh trong team Backend đã hỗ trợ và giải thích cho em cực kì chi tiết, nên em đã xử lý được những con bug khó nhằn ấy một cách suôn sẻ.” – Phúc bộc bạch.
Đặc biệt, so với quá trình training chỉ làm việc với mentor là chủ yếu, thì khi làm sản phẩm thực sự, Phúc có cơ hội phối hợp với nhiều thành viên hơn, cả trong nội bộ team Backend và các team khác trong Got It, điều này đã khiến cậu bạn có đôi phần choáng ngợp.
“Lúc làm sản phẩm, mình cần phải follow (tuân thủ) theo những protocol của công ty, phải làm theo trình tự các bước một cách bài bản, quy trình làm việc có chút phức tạp hơn, nên khá bỡ ngỡ ạ.”
Khó khăn những ngày đầu chưa dừng lại ở đó, cậu bạn tâm sự rằng bản thân đã từng cảm thấy khá sợ mỗi khi đến buổi Code Review hay Design Review. Lý do là vì các anh chị trong team Backend ở Got It nhận xét cả đến những chi tiết nhỏ nhất trong code – những điểm mà cậu bạn không hề để ý đến mỗi khi làm bài tập trên lớp hoặc code một mình. Nhưng chính những điều nhỏ nhặt ấy lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi mà codebase của Got It rất nặng và phức tạp, việc tránh để những lỗi nhỏ nhặt ảnh hưởng đến tổng thể sẽ giúp tối ưu hoá hiệu quả công việc, không ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả team.
Không chỉ học hỏi thêm về kiến thức chuyên môn, khả năng trình bày vấn đề của Phúc cũng đã cải thiện đáng kể từ khi tham gia Got It team. “Trước đây, em gặp khá nhiều khó khăn trong việc giải thích với mọi người một concept (khái niệm) gì đó. Nếu đó là concept gần gũi với đời thường, em có thể sử dụng body language (ngôn ngữ hình thể), cảm xúc hoặc biểu cảm khuôn mặt… để minh hoạ, miêu tả cho nó. Nhưng khi nói về những technical concept (khái niệm chuyên ngành), mình không thể dùng cảm xúc hay ngôn ngữ hình thể được, mà chỉ có thể sử dụng ngôn từ, cố gắng giải thích một cách rõ ràng và logic nhất. Ở Got It team, mỗi khi chia sẻ suy nghĩ của mình về một vấn đề chuyên môn nào đó, em lại có cơ hội được luyện tập kĩ năng mà em còn nhiều thiếu sót, dần dần thì tự tin hơn và cảm thấy thoải mái hơn, nên chia sẻ cũng rõ nghĩa hơn nhiều ạ.” – Phúc tâm sự.
Cho đến thời điểm hiện tại, tuy mới chỉ “hạ cánh nơi Got It” được ba tháng, nhưng những trải nghiệm cậu bạn có tại đây hoàn toàn vượt qua những gì mong đợi. Từ văn hoá, môi trường làm việc, đến mentor, đồng nghiệp và đương nhiên là cả công việc nữa đều khiến Phúc muốn tiếp tục gắn bó lâu dài hơn với Got It team. “Em chưa hôm nào cảm giác thấy là mình không muốn đến công ty cả” là lời chia sẻ mộc mạc, chân thành từ phía Phúc khi được hỏi về cảm nhận của em sau thời gian gắn bó với team. Mặc cho khoảng cách địa lý gần 20km mỗi ngày, hay lịch học dày đặc tại trường, Phúc đã, đang, và sẽ luôn điền cái tên “Got It” vào tất cả những khoảng thời gian mà mình còn trống trong tuần.
==========================
Năm học mới lại đến, các bạn sinh viên VinUni quay trở lại với giảng đường. Nghĩa, Khoa và Phúc phải sắp xếp lại thời gian làm việc, dành phần lớn cho việc học và không thể đến office làm việc chung với mọi người nhiều như trước. Việc cân bằng giữa học và làm chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với các bạn sinh viên. Mong rằng cả Nghĩa, Khoa và Phúc sẽ đạt kết quả tốt trên trường, và đừng quên rằng, Got It sẽ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện hết sức có thể để giúp các em hoàn thành tốt nhất chặng hành trình bốn năm đại học của mình nhé! Nếu như các bạn sinh viên hứng thú với các cơ hội của Got It, bất kể bạn học ở đâu, chuyên ngành gì, hay sinh viên năm mấy, hãy tự tin ứng tuyển vào các vị trí của chúng mình tại đây nhé: https://jobs.lever.co/gotit!