Vào một buổi sáng cuối thu, tôi có cơ hội gặp gỡ và trải lòng cùng Louis – Remote Engineer đầu tiên của Got It – chàng lập trình viên mang trong mình ‘một túi ba gang’ đựng đầy những trải nghiệm thú vị. Trước khi cập bến Got It tại Hà Nội, Louis từng sinh sống, học tập và làm việc ở nhiều tỉnh thành khác như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng.
“Chào mọi người, anh chị em Got It thường gọi mình là Lu-i (Louis). Mình mới tốt nghiệp 1 năm và đang làm việc tại vị trí Frontend Engineer ở Got It.”
Trong cuộc trò chuyện với Louis, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của chính mình và các bạn trẻ khác khi bước sang tuổi trưởng thành. Vào khoảng thời gian đó, chúng ta thường đặt ra nhiều câu hỏi dễ cảm thấy hoang mang về tương lai. Nếu bạn cũng đang phân vân giữa ngã ba đường thì hi vọng trải nghiệm thú vị và chia sẻ chân thành của Louis trong bài phỏng vấn với Got It E-Magazine có thể giúp bạn sớm tìm được lối đi phù hợp nhất.
Q: Chào Louis. Bạn có thể chia sẻ một chút về cơ duyên dẫn bạn đến với ngành IT được không?
Thực ra mình đến với ngành IT theo một cách khá tự nhiên, không có gì cao siêu cả đâu (cười). Cũng như bao bạn Engineer khác, hồi cấp 3 mình mê game lắm. Thật lòng, tại thời điểm đó, mình chưa có bất kỳ định hướng gì về ngành nghề muốn theo đuổi trong tương lai. Tình cờ, bạn mình rủ vào Đà Nẵng học IT, nghe cũng liên quan đến game, có thể được làm thứ mình thích, nên mình quyết định đi cùng.
Đối với mình, sở thích rất quan trọng. Chỉ khi bản thân thấy hứng thú, mình mới có động lực để tìm hiểu, theo đuổi và chinh phục nó. Nếu trong các bạn đọc có ai đang trăn trở về sự nghiệp hay tương lai như mình đã từng, thì đừng quá lo lắng. Bạn có thể thử bắt đầu từ điều bạn thích và có khả năng làm tốt.
Q: Trong thời gian học Đại học, Louis từng có trải nghiệm làm việc tại cả startup và big corp. Bạn nhận thấy hai môi trường này có điểm gì khác biệt?
Hai môi trường này có nhiều điểm khác biệt lắm, mà theo mình nghĩ, chúng đến từ sự tương phản trong quy mô nhân sự.
Các tập đoàn lớn thường đông nhân viên, có nơi khoảng 100 người một team. Làm việc trong một tập thể rộng lớn như vậy, bản thân mình khó lòng tiếp xúc hết với tất cả mọi người nên cảm giác lạc lõng là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, để quản lý được team có quy mô như thế, công ty cần xây dựng một quy trình cụ thể, chỉn chu, chi tiết từng bước. Quy trình rõ ràng nên mình dễ làm theo, nhưng trong tình huống khẩn cấp, nó có thể không linh hoạt cho lắm.
Ngược lại, các startup thường có ít nhân sự hơn, cả công ty có khoảng 50 người là nhiều lắm rồi. Vậy nên, chúng mình sẽ có nhiều cơ hội làm việc, cọ xát cùng nhau. “Tuổi đời” các công ty cũng còn “non trẻ” nên bạn hãy chuẩn bị tinh thần rằng một số startup không có quy trình cụ thể, hoặc có quy trình nhưng chưa được chuẩn chỉ. Đổi lại, mọi người có không gian để tự đề xuất, tự lựa chọn cách thức phù hợp để triển khai những ý tưởng hay ho.
Q: Có vẻ Got It đã thành công chinh phục Louis. Điều gì ở Got It đã thu hút bạn như vậy?
Mình đã “đổ” Got It bởi sự gần gũi, thân thiện trong các buổi phỏng vấn, đặc biệt là vòng Competency – được mệnh danh là vòng “hack não” nhất. Không giống các nơi khác, khi phỏng vấn họ chỉ đưa ra câu hỏi, thậm chí lắc đầu ngao ngán nếu mình không trả lời được, các anh interviewer trong team Frontend của Got It đưa ra vấn đề và diễn giải với thái độ rất thoải mái. Mình cảm thấy như bước vào bầu trời mới, nơi mình được lắng nghe, chia sẻ kiến thức. Buổi phỏng vấn ấy thực sự truyền cho mình rất nhiều cảm hứng và khiến mình nghĩ rằng: “Đây rồi, đây chính là nơi mình thuộc về!”. Cứ thế, mình quyết tâm phải vào Got It bằng được.
Q: Và Louis đã trở thành một thành viên của Got It từ tháng 09/2021, cũng là người đầu tiên làm remote tại Đà Nẵng. Bạn có thể chia sẻ thêm về khoảng thời gian ấy không?
Thời gian đầu làm việc từ xa, mình háo hức lắm vì chưa được trải nghiệm bao giờ.
Tuy mới mẻ nhưng mình không phải tự mò mẫm vì ở Got It, ai cũng có mentor. Đó là điều khá thú vị vì trước đây, khi làm ở big corp, mình chỉ có một người sếp để báo cáo công việc thôi chứ không thực sự có ai đó đóng vai trò dẫn dắt, chia sẻ hay đồng hành cùng. Mentor đầu tiên của mình là Eric – một người anh dễ gần trong cuộc sống nhưng chỉn chu, kỹ tính trong công việc. Trình độ chuyên môn tốt cùng sự thân thiện của anh Eric đã giúp mình thoải mái phát huy sức trẻ mà vẫn “gọt giũa” được nhiều về mặt kỹ năng.
Chỉ là, sau một vài tháng, mình bắt đầu gặp rắc rối với việc làm remote. Làm remote rất thoải mái vì mình không bị gò bó về thời gian, địa điểm. Nhưng cũng chính sự thoải mái, không ràng buộc đó lại khiến mình dễ mất đi tính kỷ luật. Sau khi nhận ra vấn đề, mình đã tự nhủ với bản thân “Không thể buông thả như vậy được”. Mình sắp xếp lại thời gian để đảm bảo luôn nắm rõ công việc cần làm trong ngày, trong tuần mà vẫn có thể tranh thủ học thêm kiến thức mới.
Q: Làm việc từ xa, bị hạn chế trong việc giao tiếp, lại chỉ có một mình, chắc hẳn sẽ có lúc Louis cảm thấy tâm trạng đi xuống. Khi cảm xúc tiêu cực ghé đến, bạn làm gì để giải quyết chúng?
Thú thật mà nói, mình là một người sống khá tích cực. Mình hiếm khi buồn lắm; nếu có thì sự rầu rĩ cũng thoáng qua rất nhanh thôi. Mỗi khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, mình thích làm những hoạt động một mình như vận động thể thao, đọc sách, nghe podcast để bản thân bình tĩnh hơn.
Trong khoảng thời gian remote, mình từng lên Đà Lạt để sống và làm việc 1 tháng rưỡi. Thời gian đầu trên đó, mình chọn ở homestay có phòng riêng biệt, khép kín. Sau đó, mình chuyển sang ở dorm (nằm giường tầng và dùng khu sinh hoạt chung) để có thể tiếp xúc với nhiều người hơn. Những chuyến đi dài giúp mình có thêm nhiều trải nghiệm quý giá, con người dần cởi mở, tích cực hơn. Đó cũng cách để mình cân bằng lại cảm xúc mỗi khi cảm thấy ngột ngạt, nhàm chán. Tinh thần phấn chấn, cảm xúc ổn định thì mới làm việc năng suất được, đúng không?
Mình nghĩ các bạn trẻ đang bị bế tắc trong sự đơn điệu khi phải làm việc từ xa có thể đến một nơi mới lạ để vừa sống, vừa làm, vừa tìm kiếm cảm hứng, động lực cho bản thân. Nhưng nhớ là phải giữ kỷ luật đấy nhé (cười)!
Q: Nếu đã vượt qua được những khó khăn khi làm remote, vì sao Louis lại quyết định ra Hà Nội để làm on-site?
Nghe thì có vẻ khó khăn, nhưng mình đã đưa ra quyết định khá nhanh, vì 2 lý do chính.
Lý do thứ nhất là mình muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. Mỗi khi lưỡng lự giữa nhiều lối đi, mình sẽ đưa các lựa chọn lên bàn cân, để nghĩ xem với mỗi lựa chọn đó, mình được và mất những gì. Mình nhận thấy việc ra Hà Nội sẽ giúp mình phát triển nhiều hơn là làm remote ở Đà Nẵng, vậy nên mình quyết định “gét gô”.
Lý do thứ hai liên quan đến sự yêu mến của mình dành cho Hà Nội. Hồi còn bé, mình từng vào Sài Gòn một lần nhưng ký ức rất mơ hồ. Trong khi đó, mình lại ra Hà Nội khá nhiều lần rồi, nên nếu phải lựa chọn giữa vào Nam hay ra Bắc, mình vẫn cảm thấy thân thuộc với miền Bắc hơn. Ra đây rồi mình mới hiểu được vì sao mọi người hay nói mùa thu Hà Nội đẹp lắm. Thời tiết, không khí, cảnh quan của Hà Nội mang vẻ đẹp đặc trưng, không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào khác.
Q: Những ngày đầu ra Hà Nội làm việc trực tiếp với anh chị em đồng nghiệp thay vì chỉ nhìn nhau qua màn hình, Louis cảm thấy thế nào?
Mình cảm thấy rất vui vì không còn bị hạn chế trong giao tiếp với mọi người nữa. Nếu cần gì, mình có thể chạy ngay ra bàn hỏi mọi người và được phản hồi lập tức. Đang gấp mà còn phải nhắn tin rồi chờ đợi mọi người trả lời nữa thì khó chịu lắm, bạn biết mà! Từ ngày ra Hà Nội, tinh thần làm việc của mình cũng phấn chấn hơn hẳn. Nhìn mọi người xung quanh đều hăng say, bản thân mình cũng hừng hực khí thế (cười)
Về mặt văn hoá thì mình không gặp trở ngại gì cả. Got It có một vòng phỏng vấn là Culture Fit để mọi người tìm hiểu thêm khía cạnh đời sống, tính cách của nhau nên khi bắt tay vào làm cùng sẽ không bị sốc, hoặc quá bất đồng quan điểm. Qua được vòng Culture Fit rồi nên mình tự tin là mình “hợp rơ” với team lắm!
Q: Tính đến thời điểm hiện tại, Louis đã gắn bó với Got It được hơn 1 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, bạn thấy bản thân mình có những thay đổi gì?
Mình đã thay đổi cực nhiều so với những ngày đầu, dĩ nhiên là theo chiều hướng tích cực hơn. Đầu tiên chắc chắn phải kể đến chuyên môn. Mình được làm việc với nhiều người, nhiều team và tất cả đều chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin với nhau thường xuyên trong suốt quá trình làm việc. Chính vì vậy, mình đã học hỏi được rất nhiều điều hữu ích, chuyên môn cũng trở nên vững vàng hơn.
Ngoài ra, Got It thường xuyên có các hoạt động chung để mọi người sinh hoạt với nhau bên cạnh giờ làm việc đầy năng suất. Ví dụ, trong giải đấu Got It Billiards mình luôn cố gắng chơi hết sức và tận hưởng hết mình để thể hiện thương hiệu của câu nói: “Điều bi như Lu-i”.
Sau mỗi hoạt động tham gia cùng mọi người, mình nhận về niềm vui và sự tiến bộ rõ rệt trong nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, thậm chí là … nhảy nhót. Tất cả sự chuyển biến đó đều đậm nét, dễ thấy chứ không chỉ là từng bước nhỏ.
Q: Got It E-Magazine cũng rất vui vì Louis đã có nhiều thay đổi tích cực như thế. Không biết đâu là yếu tố dẫn đến sự chuyển biến đó nhỉ?
Mình nghĩ 50% đến từ bản thân mình, 50% đến từ anh chị em ở Got It. Thực ra, mình vốn là một người thích tự mày mò tìm hiểu, nhưng tự dò dẫm có thể mất nhiều thời gian, chưa kể trường hợp đi sai hướng gây ảnh hưởng đến tiến độ chung nữa. Vậy nên, những khi gặp vấn đề không thể tự giải quyết, mình sẽ tìm đến team, nhờ mọi người góp ý. Thật may mắn là cả team đều hết lòng giúp đỡ nhau.
Mình rất thích điều này ở Got It. Khi mình đưa ra ý kiến, mọi người sẽ để mình trình bày hết, sau đó phản biện lại bằng những câu hỏi mang tính xây dựng như “Điểm mạnh và điểm yếu của giải pháp này là gì? Tại sao lại thấy nó tối ưu hơn? Những hạn chế đó có thể khắc phục được không?” thay vì chỉ trích hoặc phủ nhận hoàn toàn là “Em sai rồi”. Cách mọi người phản biện làm mình cảm thấy tích cực vì mình được chỉ ra tận gốc vấn đề, xem đang vướng mắc ở đâu. Không chỉ mình mà anh chị em đều cảm nhận được điều đó nên những buổi đề xuất, thảo luận diễn ra hàng ngày.
Ở Got It, mình từng đề xuất một vài ý tưởng mới mẻ để mọi người cùng nhau bàn luận và triển khai, Type Script Converting là một trong số đó. Ngoài công việc ra, mọi người thường xuyên rủ nhau tìm tòi để làm thêm những thứ khác, nên mình có nhiều không gian để tự đề xuất và triển khai những ý tưởng hay ho. Đó là một cách tuyệt vời để cùng nhau trải nghiệm và bứt phá.
Q: Trong thời gian sắp tới, Louis có thay đổi thú vị gì trong công việc không? Hãy bật mí với độc giả của Got It E-magazine nhé!
Trong thời gian sắp tới, chắc chắn là mình vẫn sẽ kề vai sát cánh với anh chị em ở Got It rồi (cười).
Về thay đổi thì có một điều thú vị mà mình cũng mới đề xuất và được đồng ý gần đây. Đó là mình sẽ tham gia vào quá trình phỏng vấn và trở thành một mentor.
Mình luôn hạnh phúc vì có anh chị em đồng nghiệp ở bên cạnh dìu dắt và cho mình lời khuyên khi cần. Cách mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau đã truyền cho mình nhiều cảm hứng và mình cũng muốn trở thành những người như thế. Mình rất háo hức được gặp gỡ và được chia sẻ với các mentee của Got It trong tương lai không xa.
Q: Nhắc đến IT, mọi người thường hay nghĩ đến sự cứng nhắc, khô khan vì thường xuyên phải tiếp xúc với những con số, dữ liệu. Là một Software Engineer, bạn thấy có đúng không?
Đúng như lời đồn, ngành IT khá khô khan. Nhiều bạn sống lý trí quá hay áp dụng logic vào tất cả vấn đề trong cuộc sống nên đôi lúc sẽ gây ra rào cản trong việc giao tiếp với mọi người. Minh chứng dễ thấy nhất đó là các bạn IT thường không có người yêu, hoặc tán gái rất …. “củ chuối”.
Thật lòng mà nói, mình thấy đó không hẳn là tốt hay không tốt. Nếu các bạn cảm thấy tính cách đó phù hợp với tính chất công việc, mọi người xung quanh vẫn thoải mái thì điều đó rất tốt mà. Hãy cứ sống là chính mình! Ngược lại, nếu công việc của bạn yêu cầu phải giao tiếp nhiều thì nên tìm cách cải thiện để dễ dàng truyền đạt thông tin và gần gũi với mọi người hơn. Ví dụ, thay vì tiếp xúc với máy tính cả ngày thì mình có thể mở lòng với mọi người bên ngoài, tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm để chia sẻ câu chuyện thường nhật cùng anh chị em đồng nghiệp.
Chẳng mấy chốc, một tiếng đã trôi qua. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua rất nhiều câu chuyện thú vị: từ chuyện trong ngành đến chuyện đời thường. Louis có một nụ cười hiền đặc trưng, một nguồn năng lượng tích cực khiến mọi người cảm thấy thoải mái, gần gũi như anh chị em trong nhà.
Mong rằng những bạn trẻ ngoài kia, nếu có đang phân vân giữa quá nhiều hướng đi, hãy bình tĩnh lắng nghe bản thân mình, dùng lý trí để “cân đo đong đếm” thiệt hơn. Trải qua nhiều sóng gió, bạn cũng sẽ tìm được “một nơi khiến mình cảm thấy như gia đình” giống Louis. Chúc Louis có nhiều dấu ấn trong chặng đường sắp tới, chu du đến nhiều vùng đất mới để làm giàu thêm tâm hồn và tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ Got It-ians tiếp theo!