Làm thế nào để nhà tuyển dụng tin rằng bạn chính là mảnh ghép hoàn hảo nhất cho vị trí còn trống? Tham khảo danh sách những điều cần biết khi đi phỏng vấn để chuẩn bị tốt nhất cho bài phỏng vấn của mình, nhanh chóng nhận được cái gật đầu của mọi nhà tuyển dụng.
1. Trước buổi phỏng vấn
1.1. Chuẩn bị kỹ những thông tin cần thiết
Để tăng thêm tỷ lệ thành công cho bài phỏng vấn, trước tiên bạn cần có sự hiểu biết kỹ lưỡng về đặc thù vị trí công việc mà mình ứng tuyển, yêu cầu đối với vị trí đó và những quyền lợi mà bạn sẽ được nhận. Bên cạnh đó, bạn cần tìm hiểu sẵn các thông tin liên quan đến lĩnh vực của công ty mà bạn đang hướng đến.
1.2. Ăn mặc lịch sự và đúng giờ
Có thể bạn không tin, nhưng ấn tượng về một bộ trang phục chỉnh tề, lịch thiệp và phong thái tự tin có thể khiến nhà tuyển dụng ngay lập tức có cảm tình và muốn phỏng vấn nhiều hơn với bạn. Bởi với họ, việc ứng viên ăn mặc nghiêm túc và phù hợp với hoàn cảnh sẽ thể hiện thái độ tôn trọng, chân thành và sẵn sàng hợp tác với cả người tuyển dụng và công ty.
Đồng thời, không trễ hẹn cũng là một trong những lưu ý đặc biệt quan trọng khi tham gia mọi cuộc phỏng vấn. Bởi nếu bạn trễ hẹn ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, nhà tuyển dụng hoàn toàn có lý do để nghĩ rằng bạn không phải một người tôn trọng giờ giấc, quy củ trong công việc.
2. Khi tham gia phỏng vấn
2.1. Hãy biểu lộ những cảm xúc tích cực
Ngay cả khi bạn không trực tiếp thể hiện bằng lời nói, nhưng tâm trạng và thái độ của bạn trong quá trình phỏng vấn có thể dễ dàng bị nhà tuyển dụng “bắt thóp” thông qua các hình thái ngôn ngữ cơ thể. Nếu bạn có thói quen nhíu mày, khoanh tay trước ngực, gõ tay xuống bàn hay liên tục liếc nhìn đồng hồ hoặc điện thoại thì nên cố gắng bỏ chúng đi.
Thay vào đó, hãy bày tỏ sự tập trung, quan tâm và hào hứng với cuộc phỏng vấn bằng cách ngồi thẳng lưng, tay để lên bàn, mắt nhìn thẳng và hơi nghiêng người về phía trước để nắm bắt toàn bộ nội dung do nhà tuyển dụng truyền đạt. Một nụ cười nhẹ có thể giúp bạn xua tan cảm giác căng thẳng, lo lắng và tạo sự thân thiện, gần gũi với người đối diện.
2.2. Trả lời câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm và chính xác
Nhà tuyển dụng không bao giờ muốn phí thời gian vào một ứng viên không biết cách diễn đạt quan điểm của mình, hay tỏ ra lúng túng và không biết cách đưa ra câu trả lời mà mình muốn truyền đạt. Chính vì thế, hãy tập thói quen tư duy nhanh nhạy, đưa ra các thông tin chính xác, ngắn gọn và tập trung giải quyết vấn đề mà nhà tuyển dụng đang quan tâm.
3. Sau khi kết thúc phỏng vấn
3.1. Chào hỏi nhà tuyển dụng trước khi về
Khi người tuyển dụng thông báo bạn đã hoàn thành vòng phỏng vấn, đừng vội ra về mà không nói lời cảm ơn họ vì đã sắp xếp thời gian cho buổi gặp mặt ngày hôm nay. Bạn có thể chủ động bắt tay và nở nụ cười thân thiện để duy trì hình ảnh chuyên nghiệp của mình cho đến phút cuối. Đây là điều mà rất ít ứng viên chú ý khi các cuộc phỏng vấn kết thúc.
3.2. Đánh giá chất lượng phỏng vấn của bản thân
Hãy cố gắng “tua lại” toàn bộ quá trình phỏng vấn trong trí nhớ của mình và liệt kê những điểm mà bạn chưa hài lòng về bản thân. Đó có thể là tác phong chưa nghiêm túc khi mới bước vào phòng, một câu trả lời chưa thực sự thuyết phục, hoặc thậm chí là một cái nhíu mày của nhà tuyển dụng khi hỏi về kỹ năng hoạt động nhóm của bạn. Dù bạn có thất bại trong lần phỏng vấn này thì tất cả những gạch đầu dòng trên sẽ trở thành kinh nghiệm “xương máu” cực kỳ có ích cho bạn trong những cơ hội kế tiếp.
Bạn cũng không nên tự trách mình vì đã không chuẩn bị kỹ lưỡng hay thể hiện bản thân còn nhiều thiếu sót. Hãy duy trì tinh thần lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cho mình những công việc khác phù hợp với mình và coi như buổi phỏng vấn đó giống như một buổi đào tạo để bạn có thể làm tốt hơn vào lần sau.
Cơ hội việc làm đang mở ra trước mắt bạn, đừng để nó dễ dàng vuột mất vì sự thiếu hiểu biết và bất cẩn của mình nhé. Hy vọng với thông tin về những điều cần biết khi đi phỏng vấn trong bài viết trên, bạn sẽ có được cho mình những trang bị thật tốt để sẵn sàng cho những thách thức mới nhé.