Khi đối diện với câu hỏi mức lương mong muốn trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ có nhiều hơn một câu trả lời cho tình huống này. Tùy theo tình hình thực tế mà bạn có thể lựa chọn một trong số những gợi ý dưới đây để vượt qua thử thách này một cách dễ dàng và không để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng.
Mục lục
1. Gợi ý cách trả lời cho câu hỏi mức lương mong muốn
Mặc dù là một chủ đề khá “nhạy cảm”, nhưng những câu hỏi về lương luôn xuất hiện trong hầu hết các buổi phỏng vấn hiện nay. Mục đích của nhà tuyển dụng chỉ đơn giản là đánh giá thái độ với công việc và cân nhắc về ngân sách dự kiến để chi trả cho ứng viên trúng tuyển. Vì thế, khi nhà tuyển dụng hỏi mức lương mong muốn, bạn có thể áp dụng một vài cách xử lý như sau:
1.1. Kế “hoãn binh”
“Trước khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi vừa rồi, tôi mong muốn chúng ta có thể trao đổi thêm về vị trí ứng tuyển. Tôi muốn được biết về trách nhiệm với công việc, cơ hội thăng tiến, những người sẽ cộng tác cùng với mình trong quá trình làm việc. Ngoài ra, phúc lợi của quý công ty với công việc cũng là điều tôi rất quan tâm”.
1.2. Đề nghị được thỏa thuận
“Tôi rất vui khi được cùng quý công ty thảo luận về vấn đề này. Tôi mong muốn chúng ta sẽ thống nhất một mức lương phù hợp với cả đôi bên.”
1.3. Thăm dò phạm vi mức lương của công ty
“Những gì tôi kỳ vọng ở vị trí công việc này là mức thu nhập trong khoảng 12 – 15 triệu/tháng. Tôi hy vọng rằng đây là con số hợp lý mà quý công ty có thể chi trả cho những đóng góp của tôi.”
1.4. Chứng minh giá trị bản thân
“Với những kinh nghiệm và kỹ năng mà mình có, tôi hy vọng sẽ nhận được một số tiền phù hợp với tiêu chuẩn chung của ngành dành cho những người đảm nhận vị trí công việc này. “
1.5. Đưa ra tiêu chuẩn cho mức lương
“Tôi từng đảm nhận vị trí lập trình viên ở công ty XX và nhận được mức lương là 15 triệu/tháng. Theo những gì tôi tìm hiểu, mức lương trung bình của vị trí này hiện nay thường rơi vào khoảng 12 – 15 triệu. Đây cũng là mức lương tương xứng với 2 năm kinh nghiệm trong nghề của tôi.”
1.6. Nhường câu trả lời cho nhà tuyển dụng
“Mục đích ứng tuyển vào vị trí lập trình viên tại quý công ty của tôi là để thử sức mình với một môi trường mới và học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu cho mình. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để mang lại giá trị lợi ích cho quý công ty và xứng đáng với mức lương được nhận.”
2. Những điều cần tránh khi trả lời câu hỏi mức lương mong muốn
2.1. Bộc lộ điểm yếu tâm lý
Đánh giá quá cao hay quá thấp về bản thân cũng đều có thể dẫn đến những trạng thái tâm lý cực đoan trong buổi phỏng vấn. Thông qua cách trả lời mức lương mong muốn, nhà tuyển dụng sẽ ngấm ngầm quan sát thái độ của bạn. Việc tự tin thái quá hay lúng túng, run sợ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của nhà tuyển dụng với bạn.
Vì thế, bạn hãy thẳng thắn nhìn nhận năng lực bản thân và giữ cho mình biểu hiện điềm tĩnh, thoải mái và tự tin vừa phải.
Đừng tốn quá nhiều thời gian cho việc suy nghĩ, bạn sẽ không muốn sự chậm trễ của mình gây khó chịu cho người phỏng vấn đâu. Thay vào đó, hãy lựa chọn một trong số những câu trả lời gợi ý ở trên nhé.
2.2. Từ chối việc trả lời câu hỏi mức lương mong muốn
Việc không trả lời câu hỏi mức lương mong muốn có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực của bạn, hoặc cảm thấy bạn không đáng tin. Bạn sẽ khiến cuộc phỏng vấn rơi vào ngõ cụt nếu cố tình tìm cách tránh né thẳng thừng các câu hỏi của nhà tuyển dụng đấy.
Thay vì nói rằng “tôi xin phép không trả lời câu hỏi này”, bạn có thể đề nghị được suy nghĩ trong vài phút hoặc sẽ phản hồi cho câu hỏi ở cuối buổi phỏng vấn.
Trên đây là một vài câu trả lời mẫu khi được hỏi về thu nhập kỳ vọng cho bạn. Tốt hơn hết là bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước mọi buổi phỏng vấn để có thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho câu hỏi mức lương mong muốn của nhà tuyển dụng nhé.