Với vị trí yêu cầu độ cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng quan sát cao như Software Tester, một chiếc CV gây thiện cảm với nhà tuyển dụng trở nên cực kỳ quan trọng. Bởi, CV, tuy đơn giản, sẽ phần nào nói lên cá tính con người bạn. Vậy làm thế nào để CV Tester của bạn thành công chinh phục nhà tuyển dụng? Bạn cần lưu ý những gì trước khi bấm nút “submit” CV Tester?
Hãy cùng Got It tìm hiểu 4 lưu ý trong bài viết ngày hôm nay để nhẹ nhàng qua vòng CV, bạn nhé!
Mục lục
- 1. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm điều gì ở CV Tester?
- 2. Bốn lưu ý giúp bạn “pass” vòng CV Tester
- 3. Lời kết
1. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm điều gì ở CV Tester?
1.1. Software Tester là gì?
Software Tester thường được biết đến với các tên gọi như Test Engineer hay Kỹ sư Kiểm thử. Đây là vị trí chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng phần mềm để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu đề ra.
Bởi tính chất “bới feature tìm bug” như vậy, nghề Tester yêu cầu ứng viên có tính cẩn thận cao. Đồng thời, bạn cũng cần có tư duy logic và khả năng giao tiếp tốt. Ngoài ra, nếu có kiến thức nền về ngành khoa học máy tính, đây sẽ là một điểm cộng lớn cho bạn. Công việc tester sẽ yêu cầu bạn làm việc cùng các Engineer và tương tác với các ứng dụng phục vụ người dùng, nên việc hiểu về các kiến thức trong mảng kiểm thử là một nhiệm vụ thiết yếu.
1.2. Nhà tuyển dụng tìm kiếm gì ở CV Tester?
Với yêu cầu và đặc điểm công việc như vậy, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến một số điểm sau trong CV Tester:
- Độ cẩn thận của ứng viên cách trình bày và câu chữ trong CV.
- Tính logic trong bố cục, cách sắp xếp nội dung CV.
- Độ nhạy bén và logic trong cách lựa chọn các kinh nghiệm được đưa vào CV.
- Ở các công ty quốc tế như Got It, CV sẽ được viết bằng tiếng Anh. Do đó, khả năng sử dụng ngôn ngữ của bạn cũng là một yếu tố quan trọng được đưa vào đánh giá.
- Điểm cộng dành cho các ứng viên: Có kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngành Công nghệ Thông tin, có kiến thức nền tảng về nghề Tester.
Từ việc hiểu được góc nhìn nhà tuyển dụng, Got It sẽ chia sẻ tới bạn các lưu ý không thể bỏ qua khi chuẩn bị CV Tester. Đây là chiếc chìa khoá giúp bạn nâng cao khả năng thành công vượt qua vòng CV đấy!
2. Bốn lưu ý giúp bạn “pass” vòng CV Tester
2.1. Không mắc lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi dấu câu
Thử nhìn vào phần CV dưới đây, bạn có nhận thấy lỗi gì không?
Tuy các lỗi đều rất nhỏ, nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ nhận ra khá nhiều điểm cần phải sửa trong bức ảnh trên. Một số lỗi nổi bật là:
- Lỗi dấu câu: Sau Process, có hai dấu “,” (
Process, ,
). Trong khi tất cả các nội dung đều không có dấu chấm cuối dòng, CV này lại có một dấu chấm sau dòngCommunication with Engineers about the product.
. - Lỗi chính tả:
Excute
đáng ra phải được viết đúng là Execute. - Lỗi đánh máy: Thừa một
dấu cách
sau chữ Engineers.
Một lỗi chính tả, hai ba lỗi dấu câu, một vài lỗi đánh máy có thể sẽ khiến người duyệt CV hoài nghi về độ cẩn thận và tỉ mỉ của bạn.
2.2. Trình bày CV/Application Form thật ngay ngắn, gọn gàng, đúng trọng tâm
Ngoài các lỗi trên, bạn cũng cần để ý vào phần trình bày. Trình bày ngay ngắn, gọn gàng, đúng trọng tâm sẽ giúp bạn thể hiện được độ tỉ mỉ và tư duy logic của mình.
Nếu có thể, hãy trình bày CV sao cho các phần của CV được đặt cân đối và ngay ngắn. Ví dụ, bạn hãy nhìn vào phần Work Experience trong CV ở trên. Ở công ty S nơi ứng viên đi làm, phần title công việc (Software Tester) bị đặt lùi vào trong. Trong khi ở công ty Z, tên vị trí lại được đặt thẳng với tên công ty. Sự thiếu nhất quán này là một lỗi bạn không nên mắc phải.
Ngoài ra, phần nội dung của Educational History có ít điểm cần trình bày hơn phần Work Experience. Do vậy, phần Educational History đang có khá nhiều khoảng trống. Trong tình huống này, bạn nên lựa chọn một bố cục khác, giúp CV trông cân đối hơn.
Cách bạn sắp đặt bố cục của CV cũng phần nào nói lên cá tính và con người bạn. Nên bạn đừng qua loa, xem nhẹ. Hãy tư duy và trình bày CV gây thiện cảm nhất có thể nhé!
2.3. Chuẩn chỉnh nội dung khi gửi CV bằng tiếng Anh
2.3.1. Một số lỗi tiếng Anh thường gặp
Khi chuẩn bị CV bằng tiếng Anh, bạn không thể không lưu ý về phần ngữ pháp, lỗi đánh máy và cách sử dụng từ vựng. CV không phải là một bài kiểm tra tiếng Anh như IETLS hay TOEIC. Tuy nhiên, việc chuẩn chỉnh về tiếng Anh sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Chưa cần phải dùng ngữ pháp hay từ vựng cao siêu, trước hết, bạn cần lưu ý viết đúng. Đừng để việc thiếu một chữ “s” khi đề cập đến số nhiều, hay thiếu một chữ “s” trong từ “pressure” như ở bức ảnh dưới đây, làm bạn bị mất đi cơ hội của mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên thống nhất cách dùng dạng từ trong tiếng Anh. Ví dụ, ở phần Skills Summary, ứng viên dưới đây đã dùng rất nhiều dạng từ khác nhau để liệt kê. Có thể kể đến như: Have (động từ nguyên thể), having (gerund), staff training (danh từ). Cách làm này sẽ khiến CV của bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp. Bạn nên thống nhất một cách trình bày các nội dung trong CV. Nếu dùng gerund thì hãy đồng bộ tất cả là gerund.
2.3.2. CV Tester Tiếng Anh – Những mẹo nhỏ cho bạn
Sau khi đã viết đúng, bạn có thể cân nhắc thể hiện thêm khả năng tiếng Anh của mình trong CV. Ví dụ: Sử dụng đúng cụm từ theo collocation hay sử dụng các cấu trúc khó. Đây sẽ là những dấu hiệu cho thấy khả năng writing của bạn “không phải dạng vừa”.
Tuy vậy, đừng làm dụng quá nhiều cấu trúc câu phức, khiến cho nội dung CV bị dài dòng, lan man. Hãy luôn nhớ đến tiêu chí đúng – súc tích – hiệu quả.
Một mẹo nhỏ khác để bạn đảm bảo tính chính xác của CV là sử dụng các phần mềm kiểm tra tiếng Anh. Các phần mềm này thường chỉ ra cho bạn một số lỗi ngữ pháp, dùng từ và hành văn cơ bản. Ngoài ra, các công cụ soạn thảo như Google Docs hay Words cũng có tính năng kiểm tra chính tả.
Ở các công ty phát triển phần mềm cho thị trường nước ngoài như Got It, việc Tester sử dụng thành thạo tiếng Anh là một điều kiện tiên quyết. Đặc biệt là phần viết và nghe.
Thực tế, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của người Việt. Do vậy, chúng ta không tránh được việc có lỗi khi sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng hết sức để trau chuốt phần nội dung tiếng Anh. Sự trau chuốt vào CV sẽ đưa bạn đến những cơ hội làm việc chất lượng, giúp bạn ngày càng phát triển trên con đường sự nghiệp của mình.
2.4. Đưa vào CV những nội dung liên quan và ghi điểm nhất
Ngoài những yếu tố về trình bày, ngôn ngữ, bạn cũng cần quan tâm đến nội dung bạn đưa vào CV. Trong suốt hành trình của mình, bạn có thể có rất nhiều trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm nào sẽ phù hợp với nội dung công việc bạn nhắm đến?
Hãy lựa chọn những trải nghiệm làm nổi bật lên độ phù hợp của bạn với công việc đó nhất! Với các Tester, nếu như bạn đã có kinh nghiệm Intern hay làm Full-time ở một công ty công nghệ trước đó ở vị trí tương tự, đây chắc chắn sẽ là một điểm cộng.
Tuy nhiên, bạn nên hạn chế đưa vào CV “hằng hà sa số” kinh nghiệm. Nội dung CV quá dài, không có điểm nhấn, không có kinh nghiệm phù hợp sẽ là một điểm trừ lớn. Chưa kể, nếu bạn nhảy việc quá nhiều và nội dung công việc không liên quan đến nhau, nhà tuyển dụng cũng sẽ thấy lo lắng về độ commitment (gắn bó) của bạn với các công việc.
Lưu ý cho các bạn chưa có kinh nghiệm Tester
Vậy với các bạn chưa có kinh nghiệm Tester, bạn phải đưa vào CV những gì? Nếu bạn là dân kinh tế muốn nhảy sang nghề Tester, bạn sẽ lựa chọn kinh nghiệm nào? Câu trả lời rất đơn giản: Chọn những kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp với nghề.
Ví dụ, bạn từng làm giao dịch viên ở Ngân hàng hay kế toán. Những việc này tưởng chừng như không liên quan gì đến lĩnh vực IT hay nghề Tester.
Nhưng bạn đừng lo lắng. Là giao dịch viên, bạn phải tiếp xúc và trả lời rất nhiều khách hàng. Là kế toán, bạn phải làm việc cực nhiều với các con số. Các kỹ năng giao tiếp và quan sát tỉ mỉ, chính xác, cũng chính là các kỹ năng Tester cần. Vì vậy, bạn hãy tự tin đề cập những nội dung công việc bạn tin là phù hợp.
3. Lời kết
Xây dựng nội dung CV có chỉn chu, có điểm nhấn và ấn tượng sẽ giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng tốt hơn. Từ đấy, bạn có thể thắp sáng những ngọn đèn dẫn đến với vị trí mình ao ước. Vì vậy, hãy lưu ý 4 điểm trên và chăm chút, chuẩn bị nội dung CV thật kỹ lưỡng để không bỏ lỡ cơ hội của mình, bạn nhé!
Nếu bạn thích các nội dung của Got It, hãy subscribe và theo dõi những bài viết mới của chúng mình! Ngoài ra, nếu bạn đang quan tâm đến các vị trí Tester/Test Engineer, hãy tìm hiểu ngay các cơ hội làm việc cực hấp dẫn cho nghề Tester tại Got It nhé!
Tìm hiểu thêm: