Code xong thì tất nhiên là phải test rồi debug đúng không? Thân làm HR của Got It, chúng mình cũng đã quyết định áp dụng quy trình này cho toà soạn lá cải. Vậy nên, sau bài hướng dẫn viết CV, chúng ta hãy cùng tìm xem, có những lỗi CV thường gặp phải nhé.
Mục lục
- 1. Cẩu thả
- 2. Đặt tiêu đề không hợp lý
- 3. Dùng font chữ và màu sắc loè loẹt
- 4. CV dài quá 1 trang
- 5. Dùng email không nghiêm túc/email học sinh
- 6. Chèn ảnh và các thông tin cá nhân vào CV
- 7. Cliché self-description/Career Objectives
- 8. Học vấn — Liệt kê “tiểu sử” từ cấp 1, cấp 2
- 9. Kinh nghiệm làm việc
- 10. Mô tả dự án sơ sài
- 11. Dùng biểu đồ để mô tả kỹ năng
- Tạm kết
1. Cẩu thả
Mức độ ảnh hưởng: Vừa => Cao
Có thể nói, đây là lỗi phổ biến nhất trong CV, cũng là lỗi dễ khiến HR… khó chịu nhất. Cảm giác đọc một chiếc CV lủng củng giống như chạy một đoạn code nhan nhản bug vậy. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể loại bạn ngay lập tức, nhất là với những vị trí đòi hỏi sự cẩn thận, chỉn chu như DevOps Engineer hay QA Engineer/Tester.
Những lỗi này bao gồm:
- Lỗi chính tả, ngữ pháp (thường gặp trong CV bằng tiếng Anh).
- Viết sai tên programming languages/frameworks/libraries.
- Sót hướng dẫn từ CV mẫu.
- Dùng lẫn lộn tiếng Anh — tiếng Việt.
- Trình bày cẩu thả, không thống nhất (lúc viết hoa lúc không, thiếu/thừa dấu cách, gạch đầu dòng không thống nhất, cỡ chữ không đồng đều, lỗi phông chữ…).
Fix bug:
👉Dùng những từ đơn nghĩa, ngữ pháp đơn giản để tránh lỗi ngữ pháp.
👉Đảm bảo rằng tên các programming languages, frameworks và libraries được viết đúng chính tả và cú pháp. Ví dụ, nếu bạn đang viết “javascript”, hãy sửa ngay thành “JavaScript” nhé.
👉Nên viết CV bằng tiếng Anh để không bị nửa Anh nửa Việt (rất khó để dịch hết các từ chuyên ngành IT sang tiếng Việt).
👉Sử dụng các công cụ kiểm tra chính tả như Word spell checker, Grammarly…
👉Đảm bảo các đường link trong CV (GitHub/Bitbucket repos, file project trên Google Drive…) đều public để nhà tuyển dụng có thể truy cập được.
👉Đọc CV thật-cẩn-thận ít nhất 5 lần trước khi nộp.
👉Gửi CV cho một vài người bạn, HR hoặc editor mà bạn quen để nhờ review CV.
2. Đặt tiêu đề không hợp lý
Mức độ ảnh hưởng: Vừa
Điều gì sẽ đập vào mắt bạn khi mở một tệp tin? Đó chính là tiêu đề của tệp tin ấy. Tuy nhiên, không ít CV mà chúng mình nhận được vẫn bị đặt tên một cách khá tuỳ tiện như:
- MyCV.doc
- CV_updated_11Nov2019.pdf
- CV_new.pdf
- NguyenNam-vn20895.pdf
Điều này không chỉ làm nhà tuyển dụng có ấn tượng không chuyên nghiệp về bạn, mà còn khiến CV dễ bị thất lạc, bị lỗi file trong quá trình lưu trữ.
Fix bug: Đặt tên CV theo một trong các format:
👉CV_[Vị trí]_[Tên riêng + Tên đệm + Họ].pdf
👉CV_[Tên riêng + Tên đệm + Họ]_[Vị trí].pdf
👉[Tên riêng + Tên đệm + Họ]_CV_[Vị trí].pdf
Ví dụ: CV_SoftwareEngineer_NamNguyen.pdf
3. Dùng font chữ và màu sắc loè loẹt
Mức độ ảnh hưởng: Vừa
Việc tạo sự nổi bật không đúng cách sẽ dễ gây ra tác dụng ngược, nhất là với một loại văn bản đòi hỏi sự chỉn chu và chuyên nghiệp như CV. Việc phá cách về màu sắc hoặc font chữ rất dễ khiến CV bị lỗi, gây rối mắt cho người đọc, thậm chí khiến họ có ác cảm với CV.
Fix bug:
👉Không dùng quá 2 font chữ và 3 màu sắc trong CV.
👉Font chữ: nên dùng các font chữ sans serif đơn giản như Calibri, Arial, Helvetica
+ 1 font cho heading
+ 1 font cho body
👉Màu sắc:
+ 1 màu chủ đạo cho heading, trang trí đơn giản tạo điểm nhấn
+ 1 màu có độ tương phản tốt với background cho nội dung chính
+ 1 màu nhạt hơn cho nội dung phụ
4. CV dài quá 1 trang
Mức độ ảnh hưởng: Vừa => Cao
Như đã nói ở bài viết “Hướng dẫn viết CV từ A đến Z cho Software Engineer”, độ dài lý tưởng cho CV của một Software Engineer là 1 trang A4 ở định dạng PDF. Các nhà tuyển dụng thường phải xử lý rất nhiều CV cùng lúc, và họ rất nản khi phải đọc những hồ sơ dài tận 5–7 trang. Họ chỉ có thể tập trung tối đa ở trang đầu (thậm chí chỉ ½ trang đầu tiên), và sự chú ý sẽ sụt giảm đáng kể từ trang thứ 2 trở đi. Chưa kể khi được in ra, CV nhiều trang sẽ dễ bị thất lạc, hoặc nhà tuyển dụng đọc sót thông tin.
Fix bug:
– Loại bỏ ngay các template có nhiều khoảng trống, bảng biểu
– Rút ngắn phần mô tả của các kinh nghiệm, dự án thành các gạch đầu dòng
– Không viết đoạn văn, câu văn dài trong CV
– Lược bỏ các phần thừa thãi như ảnh, thông tin cá nhân, summary, career objective, reference…
Tham khảo bài viết này để biết cách viết CV tối ưu và download template phù hợp.
5. Dùng email không nghiêm túc/email học sinh
Mức độ ảnh hưởng: Vừa
Dù được nhắc đi nhắc lại trong tất cả các bài hướng dẫn viết CV, rất nhiều bạn vẫn dùng những địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp, email của trường như:
- girlxjnk9x@yahoo.com
- boydeptraithichgirlxinhgai@yahoo.com
- nam.nguyen@edu.uni.vn
Có lẽ không cần nói thêm về tác hại của tên email “nhảm nhí”, nhưng hãy cân nhắc việc dùng email mà nhà trường cấp cho bạn trong CV. Một tình huống khá thường gặp là khi bạn apply vào một vị trí trong công ty A, họ đã đủ người. Nhưng chỉ vài tháng sau, công ty đã mở lại vị trí này và muốn liên lạc lại với bạn. Tuy nhiên, họ không thể làm điều đó, địa chỉ email đã bị xoá vì bạn đã tốt nghiệp. Thật đáng tiếc phải không?
Fix bug:
– Đặt tên địa chỉ email dựa trên tên thật
– Dùng một email chỉ để phục vụ cho công việc
– Không dùng email của nhà trường cấp để đưa vào CV
6. Chèn ảnh và các thông tin cá nhân vào CV
Mức độ ảnh hưởng: Vừa
Việc đưa ảnh và các thông tin cá nhân (tuổi tác, ngày sinh, địa chỉ nhà riêng, giới tính, tình trạng hôn nhân…) không chỉ khiến CV dài dòng không cần thiết, mà còn dễ khiến bạn bị đánh giá một cách thiên lệch. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Ireland còn cấm nhà tuyển dụng hỏi các thông tin trên để đảm bảo không có bất kỳ sự phân biệt nào về giới tính, chủng tộc, độ tuổi… đối với ứng viên.
Thêm nữa, đừng liệt kê sở thích trong CV. Việc hay đi chơi cầu lông cuối tuần chẳng biến bạn trở thành một ứng viên tiềm năng, và HR cũng chẳng có quyền để đánh giá sở thích đó tốt hay xấu. Hãy nhớ nguyên tắc WIIFM (What’s In It For Me?) và chủ động loại bỏ các thông tin vô thưởng vô phạt như trên.
Fix bug:
👉Nếu nhất quyết phải đính kèm ảnh, hãy chọn một bức ảnh thoả mãn các tiêu chí:
+ Ảnh chỉ có một nhân vật chính là bạn, tuyệt đối không dùng ảnh nhóm
+ Quần áo, tóc tai gọn gàng, lịch sự
+ Màu ảnh sáng, chụp từ góc trực diện, chủ thể nhìn thẳng vào ống kính
+ Không phải ảnh selfie, nhưng cũng không bắt buộc phải là ảnh thẻ
+ Thần thái tự tin, ưu tiên một bức ảnh cho thấy năng lượng tích cực
Nếu không thoả mãn các tiêu chí trên, đừng đưa bức ảnh đó vào CV.
– Bạn có thể đưa ảnh vào LinkedIn thay vì CV, bởi nếu là ứng viên tiềm năng, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ xem cả LinkedIn của bạn.
– Loại bỏ các thông tin thừa thãi như: tuổi tác, ngày sinh, nơi sinh, địa chỉ nhà, giới tính, tình trạng hôn nhân, quốc tịch, sở thích… ra khỏi CV. Nếu bạn đang sinh sống một tỉnh/thành phố khác với nơi nộp hồ sơ, bạn có thể ghi tên tỉnh/thành phố đó nếu muốn, nhưng đừng ghi cả số nhà, tên đường, hay phường/xã nhé!
7. Cliché self-description/Career Objectives
Mức độ ảnh hưởng: Vừa
Cliché là một từ dùng để chỉ những thứ được lặp đi lặp lại quá nhiều, khiến chúng trở nên rập khuôn và sáo rỗng. Bạn có bao giờ miêu tả bản thân bằng các từ: good communicator, can-do attitude, team player, work under pressure, want to work in a professional environment, desire to contribute to the success of your company?
Tin mình đi, HR đã đọc những cụm từ này còn nhiều hơn cả số lần bạn đọc thơ trước mỗi đợt kiểm tra bài cũ. Nhiều đến mức, họ thường tự động bỏ qua phần Mô tả bản thân hoặc Mục tiêu nghề nghiệp trong CV của bạn. Và nếu họ có để ý, thì thường là do một lỗi sai gì đấy đã đập vào mắt họ, ví dụ như bạn nộp CV cho công ty A, nhưng lại ghi muốn cống hiến cho công ty B!
Fix bug: Đơn giản là đừng viết phần này. Nhất là khi apply cho một công ty của Mỹ, Anh hay Ireland (như Got It), hãy dành dung lượng 1 trang của CV để viết điều gì có ích hơn.
8. Học vấn — Liệt kê “tiểu sử” từ cấp 1, cấp 2
Mức độ ảnh hưởng: Thấp
Có nhiều bạn vì sợ CV quá ngắn, hoặc đơn giản chỉ làm theo template nên đã đưa cả “tiểu sử đi học” từ cấp 1 đến tận đại học vào CV. Bạn còn nhớ nguyên tắc WIIFM (What’s In It For Me) chứ? Thành thực mà nói, nhà tuyển dụng không thu được gì đáng giá từ tên trường cấp 1 hay cấp 2 của ứng viên.
Fix bug: Lý tưởng nhất, hãy chỉ đưa thông tin từ bậc đại học trở lên. Nếu có nhiều thành tích nổi bật trong những năm cấp 3, bạn có thể xem xét đưa vào CV. Tuyệt đối đừng ghi những giải như vở sạch chữ đẹp từ hồi lớp 5 nhé.
9. Kinh nghiệm làm việc
9.1. Không có thành tựu/ảnh hưởng
Mức độ ảnh hưởng: Vừa => Cao
Như đã nói ở bài viết trước, hãy đề cập đến những thành tựu và con số cụ thể khi nói về kinh nghiệm của bạn. Nhà tuyển dụng không muốn đọc một bản sao chép từ Job Descriptions — họ chỉ muốn biết với vị trí đó, trong thời gian đó, bạn đã tạo được thành quả gì mà thôi.
Fix bug: Dùng cấu trúc “Accomplished X measured by Y using Z” (tạm dịch: đạt được thành tựu X với chỉ số Y bằng công cụ Z).
Ví dụ, thay vì ghi:
“Developed a mobile app to help students solve their STEM questions”
hãy thử đưa thêm những số liệu mà bạn đã đạt được, cũng như công nghệ bạn đã sử dụng:
– Developed a mobile app to help 20.000+ students solve their STEM questions using PHP and Angular 2+
Ấn tượng hơn hẳn đúng không? Áp dụng công thức này, bạn có thể viết về kinh nghiệm ở mỗi công ty chỉ trong 5 dòng – vừa ngắn gọn, vừa gây được ấn tượng đáng kể đấy!
9.2. Ghi lý do nghỉ việc cho tất cả các vị trí
Mức độ ảnh hưởng: Cao
Đây là một thông tin nhạy cảm, và rất dễ bị hiểu sai nếu không được diễn giải đúng cách. Với dung lượng 1 trang CV, chúng mình không nghĩ bạn có thể giải thích một cách đầy đủ về lý do mình rời việc. Chưa kể, nhà tuyển dụng thường ít quan tâm đến lý do nghỉ việc ở những công việc cách xa mốc thời gian hiện tại (nếu không có gì đáng nghi vấn). Bởi vậy, việc này khá thừa thãi, lại rất dễ gây bất lợi nếu bạn không đủ khéo léo trong việc đưa thông tin.
Fix bug: Không ghi lý do nghỉ việc vào CV. Nếu cần, hãy trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng trong phỏng vấn.
9.3. Khoảng trắng trong CV
Mức độ ảnh hưởng: Cao
Hãy nhớ rằng: mọi điều bất thường trong CV đều có thể khiến bạn ra về tay trắng. Và khoảng trống trong quá trình làm việc chính là một điều bất thường như thế. Đừng hiểu nhầm, việc bạn có gap year, hay nghỉ làm vì những dự định cá nhân không hẳn là xấu. Và nếu bạn không đi làm vài tuần, không sao, bạn có thể bỏ qua chuyện đó trong CV. Nhưng nếu không đi làm từ vài tháng đến vài năm, bạn nên cho nhà tuyển dụng một vài thông tin nhất định, để họ không nghĩ rằng bạn đã lãng phí thời gian và chỉ… ở nhà ăn ngủ qua ngày.
Fix bug:
– Nếu bạn đã dùng thời gian đó để làm tình nguyện, đi du lịch, tham gia một khoá huấn luyện nào đó, hay đơn giản là do điều kiện sức khoẻ, đừng ngại ghi vào CV. Những nhà những nhà tuyển dụng tôn trọng bạn sẽ tôn trọng cả những lựa chọn đó.
– Nếu bạn dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức, hãy đưa những chứng chỉ, khoá học vào phần Education. Nhớ ghi cả mốc thời gian nhé.
– Nếu bạn dành gap time để trải nghiệm nhiều công việc khác nhau hoặc làm tự do, hãy cố gắng gộp các đầu việc đó thành những nhóm cụ thể. Ví dụ: Web Development Freelancer, Freelancing Designer…
9.4. Salary requirements/details
Mức độ ảnh hưởng: Cao
Lương hiển nhiên là một chủ đề nhạy cảm. Đứng ở góc độ của HR, CV có ghi lương thì càng tốt, bởi họ sẽ biết được nhiều điều từ bạn. Nhưng từ góc độ của ứng viên, việc đề cập về lương dẫn đến hai tác hại chính. Thứ nhất, giảm lợi thế trong việc thương lượng lương. Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng trả $1000, nhưng nếu bạn ghi trong CV mức lương mong muốn là $750, bạn sẽ chỉ được trả $750. Thứ hai, đề cập quá nhiều về phúc lợi sẽ khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn quá để tâm đến tiền bạc, không có suy nghĩ sẽ đóng góp cho công việc mà chỉ lo đến lợi ích của bản thân.
Fix bug:
– Không ghi bất cứ thông tin gì về lương trong CV
– Chỉ thảo luận về lương khi trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng
10. Mô tả dự án sơ sài
Mức độ ảnh hưởng: Cao
Một lỗi CV nữa mà rất nhiều Software Engineer gặp phải, đó là thiếu thông tin dự án, bao gồm: description (mô tả), tech stack (công nghệ) và code (GitHub/GitLab…). Nhiều bạn chỉ liệt kê timeline đơn thuần, ví dụ thời gian X làm dự án Y, chứ không hề mô tả dự án. Nhà tuyển dụng sẽ chẳng thể biết được bạn đã thực hiện dự án đó thế nào, kết quả của nó ra sao, hay bạn đã áp dụng công nghệ gì. Việc này sẽ khiến hồ sơ của bạn trở thành một “ CV rỗng”, chỉ có liệt kê, không có mô tả, và dễ dàng chìm nghỉm giữa đám đông.
Fix bug:
– Áp dụng nguyên tắc WIIFM – luôn nghĩ xem nhà tuyển dụng muốn những thông tin gì.
– Miêu tả mỗi dự án với 5 mục chính: Tên dự án – Vai trò của bạn – Mô tả – Tech stack – Code.
– Nhớ dẫn link cho dự án của bạn (GitHub/GitLab…), và đảm bảo rằng chúng đều là hyperlink.
– Đọc bài viết này để tự viết một phần Personal project hoàn hảo.
11. Dùng biểu đồ để mô tả kỹ năng
Mức độ ảnh hưởng: Cao
Việc dùng các biểu đồ như hình trên rất dễ gây bối rối cho nhà tuyển dụng, bởi họ sẽ không thể đánh giá được kỹ năng của bạn đang ở mức nào. Ví dụ nếu bạn kéo thanh kỹ năng Python như ở hình 1, HR sẽ không biết bạn đang ở tầm Advanced hay Proficient. Chưa kể việc cho quá nhiều thanh cột, bảng biểu sẽ gây mất tập trung, khiến các thông tin quan trọng khác dễ bị bỏ quên.
Fix bug: Cách an toàn nhất là liệt kê kỹ năng, cái nào thành thạo nhất cho lên trước. Với Software Engineer, những thứ cơ bản nhất cần liệt kê bao gồm: programming languages, frameworks/libraries và các management tools (nếu có). Thay vì tốn công làm bảng biểu, bạn chỉ cần 2-5 dòng để liệt kê kỹ năng một cách rõ ràng.
Tạm kết
Bạn đã mắc bao nhiêu trong số trên? Đây chính là những lỗi sai thường gặp nhất trong CV Software Engineer theo kinh nghiệm của Got It. Chúng mình rất mong rằng sau khi đọc xong bài này, bạn có thể tút tát lại cho CV của mình để không bị từ chối một cách đáng tiếc trước công việc mà mình mơ ước.
Xem HR của Got It debug lỗi CV của các bạn Software Engineer tại:
- Sửa CV cho Software Engineer — Demo
- Sửa CV cho Software Engineer — Session 1
- Sửa CV cho Software Engineer — Session 2
Tìm hiểu thêm: