Bạn chuẩn bị gặp nhà đầu tư để gọi vốn nhưng lại không biết phương pháp thuyết trình để thu hút họ ư? Nếu đúng thì đã có Got It ở đây để giúp bạn với 6 phương pháp thuyết trình để “ghi điểm” với nhà đầu tư. Nếu không thì cũng không sao, bạn hãy xem thông tin của bài viết như những kiến thức mới nhé.
Mục lục
1. Mở đầu súc tích nhưng ấn tượng
Phần mở đầu luôn được xem là phần quan trọng nhất của một buổi thuyết trình. Nhà đầu tư sẽ cảm thấy hứng thú và tò mò với dự án của bạn hơn nếu bạn có một màn mở đầu đầy ấn tượng. Khi chuẩn bị bài thuyết trình gọi vốn, các bạn hãy nghĩ đến những gì mà nhà đầu tư muốn tìm hiểu về dự án của mình. Hãy cố gắng gây ấn tượng bằng một câu chuyện thú vị, gói gọn những thông tin về sản phẩm như tên sản phẩm, giá trị của sản phẩm,…
Ngoài ra, các bạn nên tránh dùng những lời hoa mỹ và vòng vo khi mở đầu. Các nhà đầu tư thường sẽ có nhiều kiến thức sâu rộng nên những câu từ như vậy có thể gây phản tác dụng. Chưa kể là họ thường có thời gian biểu rất bận rộn nên họ sẽ muốn nghe những lời mở đầu súc tích, đi thẳng vào vấn đề nhất có thể.
2. Hiểu rõ nhà đầu tư
Một trong những phương pháp thuyết trình hiệu quả và gây ấn tượng tốt nhất đến nhà đầu tư chính là hiểu rõ nhà đầu tư. Trước khi thiết kế bài thuyết trình, hãy bỏ ra một ít thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các nhà đầu tư của bạn. Những câu hỏi như “Họ là ai?”, “Họ làm trong ngành nào?”, “Chiến lược đầu tư của họ ra sao?”,… sẽ giúp ích rất nhiều trong vòng gọi vốn của bạn.
Ví dụ: với những nhà đầu tư chuyên về công nghệ, các bạn không cần phải giải thích những định nghĩa hay khái niệm cơ bản mà nên tập trung vào tính năng sản phẩm. Còn với những nhà đầu tư không chuyên, các bạn cần nêu rõ mục đích của sản phẩm là gì, có thể mang lại lợi ích gì,… Đồng thời, nếu không cần thiết, bạn nên tránh dùng những thuật ngữ quá chuyên sâu, phức tạp.
3. Phân tích kỹ mô hình kinh doanh
Một trong những yếu tố quyết định dự án của bạn có được đầu tư hay không chính là mô hình kinh doanh của sản phẩm. Ngoài thông tin sản phẩm, nhà đầu tư còn muốn biết tiềm năng của sản phẩm. Chẳng hạn như về phân khúc khách hàng, kênh phân phối, những đối tác chính và làm thế nào sản phẩm có thể tạo ra lợi nhuận.
Các bạn cũng cần lưu ý không nên sử dụng mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp tương tự để làm ví dụ cho dự án bản thân. Bởi những thông tin này hoàn toàn không liên quan đến sản phẩm của của bạn. Nếu muốn ghi điểm trước nhà đầu tư, bạn có thể nêu số lượng người dùng hoặc số lượng khách hàng sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm.
4. Tránh phóng đại quy mô thị trường
Không ít startup vì muốn chứng minh quy mô và tiềm năng của dự án mà sa đà vào việc phóng đại các con số. Với những thị trường tiềm năng như công nghệ, các nhà đầu tư đã dự đoán trước được xu hướng tương lai. Do đó, nếu bạn cố ý phóng đại quy mô, chắc chắn sẽ gây mất niềm tin và thiện cảm trước nhà đầu tư. Các bạn chỉ cần trình bày 2-3 lý do thuyết phục là được.
Về phần quy mô thị trường, các bạn không cần phải phân tích quá chi tiết và chỉ nên dùng những con số thực tế. Chẳng hạn như sản phẩm của bạn chủ yếu mang lại giải pháp cho dân văn phòng thì bạn chỉ cần tập trung vào số liệu như độ tuổi, kênh phân phối,…
5. Tập trung vào “bức tranh” tài chính
Điều mà hầu hết các nhà đầu tư quan tâm nhất khi nghe các dự án startup chính là kế hoạch tăng trưởng. Các bạn nên tránh dành quá nhiều thời gian nói về tính năng sản phẩm, khả năng ứng dụng hay cách vận hành,… Bởi nhà đầu tư thường chỉ quan tâm chủ yếu đến cách phát triển thị trường cho sản phẩm và làm sao để kiếm ra lợi nhuận. Do vậy, các bạn nên thiết kế cấu trúc bài thuyết trình với phần tài chính chiếm khoảng 70-80% thời gian buổi gọi vốn.
Ở phần thông tin tài chính này, các bạn cũng nên đề cập đến dự báo tài chính, mục tiêu huy động vốn và cổ phần của các bên liên quan. Ngoài ra, bạn cũng cần đưa ra một con số ước tính lợi nhuận trong khoảng từ 3-5 năm. Đồng thời hãy tập trung phân tích sâu vào khả năng tăng trưởng. Tuy nhiên, không nên vẽ ra một bức tranh quá lý tưởng bởi trên thực tế thị trường luôn biến động và không lường trước được.
6. Vận dụng ngôn ngữ cơ thể trong phương pháp thuyết trình
Điều cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng chính là ngôn ngữ cơ thể trong khi thuyết trình. Nhiều startup hay có tâm lý ấp úng, sợ sệt khi đứng trước nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân thường khiến phần trình bày của họ không hiệu quả và gây nhàm chán. Vì vậy, các bạn hãy xem nhà đầu tư cũng như những người lắng nghe bình thường và tận dụng ngôn ngữ cơ thể của bản thân để truyền tải nội dung hiệu quả hơn. Một buổi thuyết trình thu hút chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm “điểm cộng” trong mắt nhà đầu tư.
Ngoài những phương pháp trên, các bạn cũng cần thể hiện được đam mê và nhiệt huyết của mình đối với dự án. Đây cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn thuyết phục các nhà đầu tư. Hy vọng những phương pháp thuyết trình mà Got It vừa chia sẻ sẽ phần nào giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho buổi kêu gọi vốn. Chúc bạn thành công!