Khi nhu cầu được truyền đạt thông tin và bày tỏ ý kiến của con người ngày càng tăng, vai trò của kỹ năng thuyết trình cũng vì thế mà được nâng cao hơn rất nhiều. Đây được coi là một trong những kỹ năng mềm cơ bản mà bất cứ ai đang công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều phải rèn luyện tốt.
Mục lục
1. Vai trò của kỹ năng thuyết trình đối với dân IT
Quan niệm cho rằng dân IT chỉ cần giỏi chuyên môn là hoàn toàn không chính xác, bởi bạn không chỉ làm việc với máy tính mà còn phải thường xuyên trao đổi, hợp tác với đồng nghiệp, với sếp, với khách hàng và các đối tác của công ty.
Bạn sẽ cần đến khả năng phát biểu trước đám đông để báo cáo tiến độ công việc, trình bày về các dự án hoặc đưa ra giải pháp cho một vấn đề. Nếu không biết cách diễn đạt vấn đề và nêu ra những thông tin cần thiết để người nghe hiểu thì thật sự là không ổn chút nào.
Nhiều doanh nghiệp sẽ thông qua buổi phỏng vấn để kiểm tra kỹ năng diễn thuyết trước đám đông của ứng viên. Nếu như có khả năng thuyết trình tốt, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình là người phù hợp với vị trí ứng tuyển, đồng thời “ngầm” cam kết với họ về việc bạn sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này khi vào làm việc.
Kỹ năng này cũng hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc tạo dựng niềm tin với mọi người, thể hiện năng lực làm việc và mang lại cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
2. Làm thế nào để tự luyện kỹ năng thuyết trình?
Chất lượng của một bài thuyết trình phụ thuộc rất nhiều vào khả năng diễn đạt của bạn. Bởi thế, việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình là cực kỳ cần thiết. Bạn có thể áp dụng một vài cách dưới đây để trang bị kỹ năng này cho mình.
2.1. Chuẩn bị kỹ nội dung cần thuyết trình
Để có đủ cơ sở kiến thức và thông tin cho bài thuyết trình, bạn cần dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề mà bạn sẽ diễn giải, thu thập đầy đủ và sắp xếp nội dung theo trình tự khoa học, hợp lý. Khi tiến hành trình bày vấn đề, bạn chỉ việc theo sát dàn ý đã chuẩn bị, nhấn mạnh và phân tích sâu vào các ý chính để làm nổi bật nội dung chủ yếu của bài thuyết trình.
Có như vậy, bạn mới dễ dàng kiểm soát những thông tin mà mình nói và đảm bảo không bị thiếu sót bất kỳ nội dung nào. Người nghe cũng không cảm thấy mệt mỏi và chán nản với một bài thuyết trình sơ sài và thiếu logic
2.2. Ứng dụng công nghệ cho phần thuyết trình
Hãy tận dụng thế mạnh về công nghệ thông tin để khiến bài thuyết trình trở nên chuyên nghiệp và thu hút hơn. Bạn có thể chuẩn bị một bản trình chiếu với đầy đủ các nội dung cần thiết, thêm vào đó các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh để tạo sự thú vị và giúp người nghe dễ tiếp cận với thông tin hơn.
2.3. Luyện tập nhiều lần
Để điều chỉnh tốc độ giọng nói, biểu cảm khuôn mặt và các cử chỉ hình thể phù hợp với bài thuyết trình, hãy tự mình luyện tập liên tục cho đến khi bạn thật sự hài lòng. Bạn có thể quan sát chính mình trong gương và sử dụng chức năng ghi âm trên điện thoại để kiểm soát tốt các yếu tố trên.
Thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mọi IT-er. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm rõ vai trò của kỹ năng thuyết trình và bí quyết rèn luyện kỹ năng này một cách hiệu quả sẽ có ích rất nhiều cho bạn trong việc phát triển sự nghiệp sau này.