Một lập trình viên giỏi không chỉ vững về chuyên môn, mà còn phải giao tiếp tốt. Vậy lập trình viên cần phải có những kỹ năng giao tiếp cơ bản gì? Các bạn có thể tham khảo một số kỹ năng được liệt kê trong bài viết.
Mục lục
1. Xác định đối tượng giao tiếp
Dù là giao tiếp với đồng nghiệp, với cấp trên hay khách hàng, đối tượng nào cũng quan trọng. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu điều bạn đang nói. Thế nên, hãy tự đặt mình ở vị trí người nghe trước khi bắt đầu giao tiếp. Từ đó, bạn có thể xác định được đối tượng giao tiếp của mình là ai. Trách nhiệm của bạn là điều chỉnh lời nói của mình sao cho phù hợp với từng đối tượng.
Một điều quan trọng nữa là sử dụng những từ mà người nghe hiểu được. Nếu bạn là dân kỹ thuật, đừng dùng thuật ngữ chuyên môn để nói chuyện với người quản lý. Ngược lại nếu bạn là người quản lý, đừng hy vọng rằng dân kỹ thuật sẽ nắm chắc những khái niệm kinh doanh. Bạn cũng đừng nên sử dụng nhiều từ viết tắt, trừ khi bạn chắc chắn rằng người nghe hiểu.
2. Lắng nghe – kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất
Mỗi người ở một vị trí khác nhau sẽ có những quan điểm và trách nhiệm khác nhau. Do đó, nhu cầu được lắng nghe luôn được đặt lên hàng đầu. Bạn cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi học cách trình bày ý kiến, bạn nên học cách lắng nghe. Đây là kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện tốt.
Lắng nghe người khác có thể giúp bạn mở mang đầu óc bằng những điều mới mẻ. Đồng thời, bạn cũng sẽ thấu hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh và đưa ra những lời nói phù hợp hơn. Việc lắng nghe một cách cẩn thận đòi hỏi nhiều năng lượng và sự tập trung. Đó là điều mà chúng ta nên làm một cách có ý thức trong khi giao tiếp.
3. Kỹ năng trả lời ý kiến phản hồi
Sau khi nói hoặc viết xong suy nghĩ của mình, bạn chắc chắn sẽ nhận được ý kiến phản hồi. Vậy nên, việc thấu hiểu nội dung và trả lời ý kiến phản hồi cũng là một kỹ năng quan trọng. Dựa trên ý kiến phản hồi, bạn có thể đoán xem họ có hiểu chính xác ý của bạn hay không.
Nếu bạn không chắc chắn về ý kiến phản hồi, đừng xấu hổ khi đặt câu hỏi ngược lại. Bởi hiểu lầm sẽ khiến cho cuộc hội thoại có thể đi sai hướng. Trả lời ý kiến phản hồi là một kỹ năng cần phải thực hành nhiều lần mới có thể thuần thục tốt được. Đây là một công việc đòi hỏi một chút nhạy cảm và tinh tế.
4. Thảo luận vấn đề
Thảo luận là điều không thể tránh khi cần làm việc nhóm. Đây cũng có thể là kỹ năng phức tạp nhất trong giao tiếp đối với lập trình viên. Bởi thật khó để đạt được một tiếng nói chung trong quá trình phát triển phần mềm. Tranh cãi sẽ dễ dàng nổ ra bất cứ lúc nào, dù chỉ là vì sự khác biệt nho nhỏ trong công việc, hay một ý tưởng nào đó.
Vì vậy, bạn đừng cố gắng gạt bỏ quan điểm của người khác. Trước khi đưa ra ý kiến cá nhân, cần tập lắng nghe nhiều hơn. Khi thảo luận, bạn nên đưa ra những chi tiết cụ thể, những thông tin xác thực, thay vì ý kiến suông. Nên nhớ rằng cả nhóm dù khác biệt, thì cũng đang làm vì một mục đích chung. Cũng đừng ngạc nhiên nếu sau khi thảo luận, bạn kết thúc bằng một giải pháp hoàn toàn khác ban đầu. Bởi điều này cho thấy đó là một cuộc thảo luận thành công.
Tóm lại, lập trình viên cần phải tự rèn luyện cho mình những kỹ năng giao tiếp cơ bản nêu trên. Điều quan trọng nhất là hãy tạo điều kiện để người đối diện được nói lên suy nghĩ của mình, và lắng nghe thật kỹ suy nghĩ của họ.
Got It Vietnam – Tham khảo: Medium.com