“Ở Got It, hội nontech cũng phải code Python!” – Đây chính là “đề bài” mà founder Hùng Trần đặt ra cho tất cả chúng tôi, những kẻ mít đặc về công nghệ ở Got It. Tất cả các team HR, Admin, Operations, Kế toán, Customer Support, Design sẽ phải hoàn thành và lấy được chứng chỉ của một series 5 khoá học về Python trên Coursera.
“Nhưng vì sao nontech lại phải học Python? Học để làm gì anh ơi? Học xong bọn em cũng có code được đâu?”, chúng tôi gào thét trong lòng khi nhận nan đề từ sếp. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không có gì xảy đến mà không có lý do cả. Anh Hùng Trần giải thích rõ với chúng tôi trong mỗi lần họp, rằng công ty muốn các bạn học lập trình không phải để “code như điên” hay so hơn thua với các Software Engineer (nói như thế hội Engineer mất bao năm học hành nó “oánh” cho đấy)!
Ở đây, học là để các bạn biết được cách tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề theo computational thinking để làm việc hiệu quả hơn. Mà khi các team nontech hoạt động hiệu quả, thì công ty cũng sẽ được nâng tầm. Đây cũng chính là một bí quyết giúp Got It luôn vượt lên để làm ra các sản phẩm và dịch vụ “xịn” cho cả triệu người dùng.
Lý thuyết là vậy, nhưng hẳn bạn cũng hiểu dân nontech “sợ” mấy cái logic ra sao. Cũng phải mất đến gần 4 tháng động viên lẫn nhau, cùng với sự dẫn dắt rất nhiệt tình từ các mentor của team Engineer, “thần dân nontech” chúng tôi mới được cầm những tấm bằng Python trên tay. Lộ trình ấy ra sao, liệu chúng tôi đã học được gì, xin được tâm sự qua ba mảnh chuyện tiêu biểu sau đây.
Không ai khác, HR được chỉ định đầu tiên, bởi đây chính là team phải thường xuyên tiếp xúc với các bạn bên khối công nghệ. Với mục tiêu biết code để hiểu cách tư duy và một phần công việc của bên IT, từ đó dễ đồng cảm hơn với các bạn ứng viên cũng như các nhân viên nhà mình, team HR đi đầu trong công cuộc “phổ cập Python” ở Got It.
Chắc hẳn bạn cũng đoán được, bắt HR học Python quả thực chẳng dễ dàng gì. Chúng tôi học Python cũng giống như các bạn khối A học thơ Xuân Diệu vậy. Ba khoá đầu với những kiến thức căn bản trôi qua khá nhẹ nhàng, cảm giác như vừa hé cánh cửa của một thế giới đầy mới lạ, một hành tinh mình chưa từng đặt chân đến vậy. Cũng có nhiều khoảnh khắc Newton kiểu, “wow, bảo sao mấy anh dev giỏi lại kỹ tính thế”, “hoá ra coding nó là như thế này”!
Thế nhưng từ tuần thứ tư, cảm giác ấy dần biến thành nỗi ám ảnh! Tôi xin tạm ví nó giống như bạn bắt đầu phải nộp bài tập Tết vậy. Bài thực hành dài hơn, khó hơn, và nhiều hơn. Bài giảng vẫn bật đó, nhưng chúng tôi như đi trong sương mù, đầu lùng bùng như khi nghe giảng về thơ tượng trưng hay ngồi bình về mấy câu “li la” hồi còn đi học. Từ dạo đó, ở Got It mọi người sẽ thường thấy cảnh HR ngồi vò đầu bứt tai nhìn màn hình, lâu lâu có cậu Engineer đi qua giảng bài cho. Với dân IT, có lẽ đó chỉ là một khoá học nhập môn đơn giản, nhưng với những người không sinh ra để làm tech như chúng tôi, những ngày tháng ấy gian khổ ra phết! Không phải vì khó, mà vì không thể nhét vào đầu những thứ không thuộc về mình.
Khi được hỏi về khoảnh khắc thấy “mặt trời chân lý chói qua tim là gì”, một người chị team HR chia sẻ, “Điều mà khoá Python này dạy chị là hiểu rõ chân lý không phải ai cũng có thể trở thành Software Engineer. Mỗi người đều có một sở trường, một tính cách riêng, và học xong thì chị hiểu ra rằng mình rất phù hợp với nghề HR!”.
Và sau khoá Python, tuy chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở vài dòng code cơ bản, thì team HR cũng đã có những technical project đầu tiên với team Engineer, cụ thể là dùng code để tự động hoá một số bước trong quy trình tuyển dụng. Nhờ đó, team không chỉ được trải nghiệm làm việc với Engineer, mà còn tiết kiệm được không ít thời gian cho HR. Và nếu có một bài học rút ra thì đó chính là: Đừng ngại thử, thử để tìm ra thứ thực sự thuộc về mình.
Khác với HR, team Design lại đến với Python một phần vì… ham vui! Thấy sếp vận động học, cả team nontech đều nháo nhào hỏi han khắp nơi, nhìn một màn hình toàn code kể cũng ngầu, thôi thì mình cứ thử, cũng đâu mất gì. Vậy là các chiến sĩ team Design cũng nhập cuộc với niềm hy vọng phơi phới rằng học xong có thể hiểu rõ hơn về concept của sản phẩm, từ đó design chuẩn chỉ, có logic hơn.
Nói chuyện với tôi, team Design kể rằng cũng có nhiều lúc khó khăn, vì công việc bận nên phải tranh thủ học, không những thế còn phải “tốc chiến tốc thắng”. Học chậm thì sợ đến bài sau quên bài trước, mà học càng lâu thì cũng thương công ty phải đóng nhiều tiền cho mình. Thế nhưng lần đầu học một ngôn ngữ lập trình nên có ai biết gì đâu, lại chưa thấm được cái tư duy lập trình, nên nhiều lúc nhìn code không hiểu tại sao nó lại như thế, hoặc nhìn code viết sẵn thì hiểu, còn cho tự code từ đầu thì chịu!
Nhưng có câu, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, cả team vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để vừa học, vừa đảm bảo hoàn thành công việc, mà học không bị quá tải gây nhàm chám, bỏ dở. Team cũng chăm đi tìm các mentor từ team engineer để giúp, hỏi han các vấn đề trong bài học nên cũng đỡ thấy mông lung. Khoảnh khắc kì diệu có lẽ là khi hiểu ra tại sao n = n + 1, cứ như cả chân trời mới vậy!
Kết quả là học xong, team Design đã cho ra một mini-project rất thiết thực. Đó là khi team admin trang trí văn phòng mới, cần đặt các tấm mica in chữ cái để gắn vào letter board trên tường. Tuy nhiên, admin lại muốn xếp được nhiều câu quote khác nhau với số lượng chữ cái tối ưu nhất. Team Design khi ấy đã nhanh trí cùng mentor viết ra một đoạn code để đếm số chữ giúp team admin, đảm bảo không thừa không thiếu, mà vẫn tha hồ sắp xếp thành nhiều câu như ý muốn. Nhìn lại, dù 5 khoá học Python không đủ để khiến các nontech-ers biết code như bay, nhưng để tư duy mạch lạc hơn, “high-tech” hơn thì đã có thành quả rồi đó!
Nếu Designer học vì thấy vui thì team Customer Support lại đến với Python bằng một niềm háo hức: “Cơ bản thì chị cũng tự thấy khá hứng thú với các thể loại ngôn ngữ mới, bao gồm cả ngoại ngữ và ngôn ngữ lập trình. Nên khi vào Got It, chị được giao tiếp cận với SQL trước, thì Python đã luôn ở trong to-do-list rồi. Tuy nhiên phải nói động lực trực tiếp nhất là thấy các bạn khác trong team Ops (Operations) có thể tự động hoá rất nhiều công việc hàng ngày với Python, nên chị cũng rất kỳ vọng học xong là “code thành thần”, automate (tự động hoá) sạch sành sanh mọi thứ luôn!”.
Với team Customer Support (CS), việc học lập trình không phải là để nhảy sang làm… “cốt đơ”, mà là để học cách tư duy, làm sao chia nhỏ vấn đề và giải quyết nó một cách khoa học nhất. Ngoài ra, team CS ở Got It cũng thường xuyên trao đổi với Engineer, PM về những feedback của users và gợi ý hướng đi cho sản phẩm, nên việc học Python rất có thể sẽ giúp trao đổi hiệu quả hơn, dễ tìm được tiếng nói chung hơn giữa các team.
Nhưng đã là nontech-ers thì đều không tránh khỏi những giây phút “kinh hoàng” khi học Python. Với team CS, đó là khi làm assignment mãi không qua, cứ sửa đi sửa lại đến độ nằm mơ cũng thấy Python, việc đầu tiên sáng ngủ dậy là bật máy lên xem bài tập, rồi thử đổi code! Chưa kể, có rất nhiều kiến thức mới về công nghệ, mạng, những thứ cơ bản nhưng trước đây mình chưa từng học đến, chẳng hiểu đó là gì. Hay với nhiều người, đó còn là những tuần “đánh vật” với thời gian biểu, làm sao để vừa học, vừa ôn bài, vừa làm bài, lại vừa… chăm con. Rất may là sau bao lần “vật vã” chẳng kém gì ôn thi đại học, thành quả mà team nhận lại cũng rất xứng đáng.
Chị leader của team CS về khoảnh khắc chị nhớ nhất sau khoá học này, “Nhiều chứ, tất cả các assignment mà vật vã mãi không qua, đến khi làm được thì đều cảm thấy “eureka” cả! Tất nhiên là lúc ý thì vẫn mặc quần áo và cũng không có chạy ra ngoài đường (hehe). Thêm một khoảnh khắc chân lý chói qua tim nữa là sau khi học xong khoá này phát hiện ra cái tương lai automate được hết các process nó vẫn còn xa xôi lắm :(“.
Khiêm tốn vậy thôi, chứ thực ra team CS cũng đã chạy được khối điều hay ho từ những điều mình học được. Đầu tiên là phi vụ được bàn giao từ team Ops với một số quy trình đã chạy sẵn bằng Python. Với (chút ít) kiến thức còn sót lại từ khoá Python, kết hợp với những thứ mày mò được từ khắp các sách báo và chịu khó nhờ vả team Engineer, team CS đã tự mình điều chỉnh được một số code, thậm chí tự fix bug, điều chỉnh được setting của process như mong muốn.
Phi vụ điển hình nhất trong số đó là khi một đoạn code để gửi SMS (per campaign) cho users mà team CS được giao vận hành bị lỗi. Sau khi nhờ team Engineer tìm xem cái error mesage là gì, thì một ý tưởng loé lên trong đầu chị CS Lead: “Tính năng gửi SMS cũng có trong một bộ code của một process khác và đang vận hành bình thường. Nếu mình copy code sang thì có được không nhỉ?”. Thế là mấy chị em vào đọc ngay code kia để do thám, rồi copy setting từ đoạn code “ngon” sang đoạn code lỗi, và TADAAAA, it works! Không cần tả mới hiểu sự sung sướng, hạnh phúc khi đó, bởi suýt nữa thì cả team CS dùng nguyên đoạn code ấy để chat với nhau nguyên cả buổi chiều!
Bạn thấy đấy, “phổ cập Python ở Got It” là một trải nghiệm mang rất nhiều cảm xúc, tâm trạng khác nhau. Với người này, đó là hành trình củng cố niềm tin của bản thân, hiểu được mình là ai và điều mình làm mang ý nghĩa gì. Với người khác, đó lại là quá trình khám phá, tìm tòi và thử những điều mà mình chưa từng nghĩ tới. Lại có người coi đây như một chuyến tàu kì diệu, vừa đưa ta về miền ký ức với những ngày học hành sớm khuya, vừa giúp ta tiến xa hơn về tương lai khi mở ra những tư duy mới, ý tưởng mới.
Các thành viên của Got It đã tham gia khoá Python for Everybody của Đại học Michigan. Bạn có thể tham gia khoá này hoặc bất cứ khoá học nào phù hợp với bản thân nhé.
[…] Đây là một khoá học dành cho bất kỳ ai bởi nó sẽ giới thiệu những kiến thức căn bản nhất về lập trình như cấu trúc dữ liệu, cơ sở dữ liệu, Application Programming Interface (API) – giao diện lập trình ứng dụng. Ở Got It, ngay cả những thành viên ở team non-tech như Design, Ops, Admin, HR, v.v cũng đã từng … […]
[…] ngôn ngữ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay. Fun fact nhỏ là các vị trí non-tech ở Got It cũng yêu cầu học và thi lấy chứng chỉ về Python. Từ đó, tất cả các Got It-ians đều có kiến thức cơ bản về lập trình, […]