Không hề quá khi gọi nghệ thuật giao tiếp ứng xử là môn nghệ thuật đời sống. Nó liên quan trực tiếp đến đời sống và ảnh hưởng đến thành tựu trong đời sống.
Mục lục
Nghệ thuật giao tiếp ứng xử là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, “nghệ thuật” là phương pháp giàu tính sáng tạo. Còn “giao tiếp” là quá trình tiếp xúc, trao đổi với nhau; “ứng xử” là hành vi, lời nói thích hợp khi tiếp xúc với người xung quanh. Tổng hợp lại, ta có thể định nghĩa nghệ thuật giao tiếp ứng xử là những phương pháp sáng tạo, hiệu quả khi tiếp xúc với người khác, thể hiện qua những hành vi, lời nói phù hợp.
- Tìm hiểu thêm: Cách cải thiện khả năng giao tiếp dành cho người làm IT
Các hình thức của nghệ thuật giao tiếp ứng xử
Dựa vào định nghĩa ở trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy giao tiếp ứng xử bao gồm hai hình thức chính.
Giao tiếp qua từ ngữ
Giao tiếp qua từ ngữ là gì?
Đúng như tên gọi, với giao tiếp qua từ ngữ, chúng ta thể hiện bản thân thông qua ngôn từ.
Cách dễ dàng và đơn giản nhất của hình thức này là những cuộc nói chuyện. Ngôn ngữ nói là yếu tố phổ biến nhất, ta có thể bắt gặp nó ở khắp mọi nơi: cuộc nói chuyện phiếm với bạn bè hay buổi họp mặt thường niên của một công ty.
Khi những cuộc nói chuyện không đáp ứng được nhu cầu của người nói, họ có thể chuyển sang sử dụng ngôn ngữ viết, một dạng khác của giao tiếp qua từ ngữ. Bằng cách này, thông tin được ghi nhận một cách đầy đủ và chính xác hơn. Thực chất, ngôn ngữ viết được nhiều người ưa thích hơn vì nó yêu cầu tính cẩn thận cao hơn, và cũng cho phép người viết bày tỏ những ý tưởng, cảm xúc khó nói một cách thoải mái hơn.
Các yếu tố quan trọng của giao tiếp qua từ ngữ
- Ngôn ngữ: Không ai có thể chối bỏ sức mạnh của ngôn từ. Khi sử dụng chính xác, ngôn từ có thể xây dựng hoặc phá hủy, gắn kết người với người. Hơn nữa, khi chọn được một hệ thống ngôn từ thích hợp, tức là chọn được phạm vi từ vựng thích hợp, chúng ta có thể truyền đạt thông tin cho người nghe, người đọc một cách dễ hiểu. Từ đó, hai bên có thể giao tiếp hiệu quả.
- Cảm xúc: Thể hiện cảm xúc khi giao tiếp đặc biệt quan trọng, nó thể hiện sự gắn bó của người nói, người viết với một vấn đề và qua đó, thu hút sự chú ý của người đọc, người nghe. Hai phương tiện để biểu hiện cảm xúc là tông giọng và tốc độ nói.
- Phát âm: Có thể bạn thường bỏ qua điều này, nhưng phát âm đúng và rõ ràng để người nghe có thể hiểu bạn đang nói gì là một điều cần thiết.
Giao tiếp phi ngôn ngữ
Trái với hình thức giao tiếp qua từ ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ không sử dụng ngôn ngữ, cả nói và viết, để truyền đạt thông tin. Thay vào đó, công cụ chính của hình thức này là ngôn ngữ cơ thể, bao gồm:
- Giao tiếp bằng mắt: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Cách chúng ta nhìn một người có thể biểu hiện những trạng thái cảm xúc khác nhau: hạnh phúc, giận dữ, thương xót… Điều quan trọng là cần duy trì ánh nhìn trong mọi trường hợp giao tiếp, đây là cách người đối diện biết bạn có đang tập trung hay không.
- Cử chỉ: Cử chỉ là một công cụ hiệu quả bổ trợ cho ngôn ngữ nói. Các cử chỉ phổ biến là chỉ tay, vẫy tay, sử dụng ngón tay để nói về số đếm, số thứ tự… Tuy nhiên, khuyết điểm của công cụ này là mỗi quốc gia lại có quan niệm khác nhau về những cử chỉ nhất định. Cử chỉ ở đất nước này có thể là bình thường. Nhưng ở một đất nước khác lại bị coi là xúc phạm người đối diện.
- Biểu cảm khuôn mặt: Biểu cảm khuôn mặt thường là thứ đầu tiên chúng ta nhận thấy ở một người, trước khi chúng ta xác định nên nói gì với họ. Đặc biệt, mọi nền văn hóa đều chia sẻ khái niệm thế nào là một khuôn mặt hạnh phúc, buồn bã… Vậy nên, biểu cảm khuôn mặt chính là công cụ mà bất cứ ai cũng có thể hiểu và sử dụng được.
Tầm quan trọng của nghệ thuật giao tiếp ứng xử
Giao tiếp ứng xử hiệu quả sẽ giúp chúng ta thuyết phục được người đối diện, từ đó đạt được mục tiêu. Ngoài ra, nó còn giúp thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững trong cuộc sống, một điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người.
Giao tiếp hiệu quả giúp bạn nắm bắt những cơ hội đáng giá, vậy nên, hãy luôn luyện tập kỹ năng giao tiếp ứng xử của mình nhé.
Got It Vietnam – Tham khảo: Profiletree