Giờ đây, không cần phải đặt chân đến New York, dù ở bất kỳ đâu, bạn đều có thể tham gia các khóa học đào tạo kỹ năng chuyên môn được dẫn dắt và giảng dạy bởi các Googler. Đặc biệt hơn cả, những khoá học này hứa hẹn sẽ giúp bạn mở rộng con đường nghề nghiệp sang các ngành cực hot như IT, Data, Management,…
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem các chương trình này giảng dạy như thế nào và lắng nghe kinh nghiệm học – thi chứng chỉ Google của member nhà Got It nhé!
Từ 2017 đến nay, Grow with Google đã làm việc với rất nhiều đối tác đến từ các thư viện, trường học, tổ chức để thực hiện các workshop đào tạo kỹ năng và hướng dẫn (coaching) cho hàng triệu người trên thế giới.
Các workshop của ông lớn công nghệ này phần lớn tập trung vào các kỹ năng sử dụng trong công việc như: Làm thế nào để ứng tuyển vào các công ty lớn, xây dựng resume, phỏng vấn xin việc thành công,… Đặc biệt, Google còn đầu tư cả một trung tâm dạy & học (learning center) ở giữa lòng thành phố New York để tổ chức các buổi đào tạo và chia sẻ kiến thức – kỹ năng thực tiễn.
Đến tháng 5 năm 2020, khi sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến tất cả các cơ sở tổ chức hoạt động offline phải đóng cửa, Google đã quyết định chuyển hết các workshop thành lớp học online. Giờ đây, bạn có thể tham gia các khóa học được dẫn dắt và giảng dạy bởi chính các Googler từ bất kỳ đâu.
Với dàn “giảng viên” siêu chất lượng, đều đang làm việc & phát triển tại Google, chương trình Professional Certificate Training Program sẽ là một lựa chọn cực chất giúp bạn phát triển tại gia đó!
Khác với một số chương trình training của Google hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các bạn sinh viên, Professional Certificate Training Program, đúng như tên gọi của nó, tập trung vào đào tạo kiến thức và kỹ năng cứng được sử dụng trong những lĩnh vực hot – hit nhất hiện nay.
Bạn quan tâm đến các công việc trong ngành IT, nhưng lại chưa từng động đến kiến thức mảng này? Đừng lo lắng! Kể cả bạn không có bất kỳ kinh nghiệm nào liên quan đến ngành IT, bạn vẫn hoàn toàn có thể chuyển hướng. Chuẩn bị tham gia làm việc trong các ngành hot nhất với chứng chỉ Google từ Professional Certificate Training Program ngay thôi!
2.1. IT Support:
Khóa học cực kỳ phù hợp nếu bạn thích giải những vấn đề khó (problem-solving), giúp đỡ mọi người (helping others), bởi bạn sẽ học cách giải quyết các vấn đề của máy tính, mạng máy tính (network) và làm thế nào để những nhân tố này vận hành thật chính xác.
2.2. Data Analytics
Phân tích dữ liệu là một mảng cực kỳ hot trong thời gian gần đây. Ở một xã hội nơi số liệu đóng vai trò quan trọng đối với việc ra quyết định kinh doanh hay phát triển sản phẩm, thì nhu cầu tuyển dụng các bạn Data Analyst (DA) ngày càng lớn.
Với khóa học, bạn sẽ học cách DA thu thập, phân tích, và trình bày số liệu. Những con số có thể vô tri khi bạn mới lướt qua, nhưng sau khi học và hiểu hơn về DA, bạn sẽ là người khiến những con số đó trở nên ý nghĩa.
2.3. Project Management
Vị trí Project Manager mới ra đời trong khoảng hơn 1 thập kỷ, nhưng lại là người chịu trách nhiệm cao cả, điều phối cả team gồm Engineer, Designer, Business Development hay Marketing để một sản phẩm, một dự án có thể hoàn thành xuất sắc.
Ở khóa học Project Management, kể cả khi bạn không có ý định chuyển đổi công việc, bạn vẫn sẽ cảm thấy rất hữu ích. Vì không chỉ có các project ở công ty, khả năng quản lý dự án sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn lên kế hoạch đám cưới tương lai hay xây căn nhà đầu tiên của mình đó!
2.4. UX Design
Sản phẩm trong ngành IT có hình hài như thế nào, các chức năng có được thiết kế phù hợp với nhu cầu, thói quen của người dùng hay không, nằm ở tay UX Designer (User Experience Designer – Thiết kế Trải nghiệm người dùng). Bạn sẽ tìm hiểu các kiến thức nền tảng của UX Design, như thấu cảm người dùng, xây dựng wireframe – prototype và thực hiện khảo sát để kiểm chứng độ phù hợp của thiết kế bạn đưa ra với người dùng.
2.5. Android Development
Android Development là khóa học mới nhất được Google cập nhật trên hệ thống Professional Certificate Training Program. Đúng như tên gọi của khóa học, bạn sẽ học để trở thành một Android Developer – lập trình viên Android. Nếu bạn thấy hứng thú với việc xây dựng, phát triển và sửa lỗi các app trên điện thoại Android, thì đây chắc chắn là một lựa chọn không nên bỏ qua!
Tuy là các khóa học được thiết kế đặc biệt dành cho các vị trí trong ngành IT, nhưng Google không phải là đơn vị duy nhất thực hiện đào tạo về các nội dung này. Vậy, tại sao bạn nên lựa chọn các khóa học được cấp chứng chỉ bởi Google?
3.1. Không yêu cầu bất kỳ kinh nghiệm nào
Bạn mong muốn đổi hướng hành trình của mình sang các ngành hot hit. Nhưng lo lắng vì tất cả những gì bạn có là một tờ giấy trắng và một khát khao được phát triển. Hãy bắt đầu với các khóa học của Grow with Google.
Mỗi chứng chỉ của Google đều được thiết kế để phù hợp với tất cả mọi người, kể cả những bạn chỉ vừa mới tìm hiểu về lĩnh vực này. Với mỗi chứng chỉ, bạn sẽ trải qua khoảng 5 đến 7 course với độ khó tăng dần. Bạn sẽ làm quen với các concept, kiến thức, kỹ năng mới từ con số 0 ở các course đầu tiên, liên tục học để nâng cao kỹ năng ở các course tiếp theo, và luyện tập lại toàn bộ các nội dung đã học ở course Capstone cuối cùng.
3.2. Bạn sẽ không học “xổi” rồi quên:
Điểm đặc biệt của các khóa học chứng chỉ Google là các bài luyện tập sát chương trình giảng dạy và cực kỳ thực tiễn. Ví dụ như, nếu lựa chọn học chứng chỉ Google Project Management, bạn sẽ không chỉ ngồi học những kiến thức trừu tượng như Project Management là gì, có các phương pháp quản lý dự án như thế nào mà sẽ tham gia thực hành như một Project Manager cho một dự án giả tưởng.
Từ lúc dự án được khởi tạo, làm proposal, cho đến khi dự án tạo ra được kết quả, bạn sẽ tham gia thực hiện các nhiệm vụ của một Project Manager thực thụ. Đặc biệt, khóa cuối cùng của chứng chỉ – Capstone Project sẽ giúp bạn ôn lại toàn bộ kỹ năng đã học. Từ đó, bạn sẽ không học “xổi” rồi quên, mà sẽ ghi nhớ để vận dụng thật thành thục các nội dung đã học.
3.3. Cánh cửa cơ hội nghề nghiệp rộng mở:
82% học viên nhận chứng chỉ của Google đã chia sẻ rằng chứng chỉ có tác động tích cực đến sự nghiệp của họ trong vòng 6 tháng kể từ khi hoàn thành các khóa học. Bên cạnh đó, Google cũng có các khóa coaching, hướng dẫn viết resume và các lưu ý giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng khác dành riêng cho các bạn đã nhận chứng chỉ. Với những sự hỗ trợ đặc biệt từ Google, bạn có thể bắt đầu thử sức trong các ngành hot như Công nghệ, Tài chính, Năng lượng,…
Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành, nhưng học và chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết sẽ là khởi đầu tốt để bạn đặt một chân vào con đường sự nghiệp mới trong tương lai. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các dự án cá nhân cùng bạn bè hoặc tham gia vào các tổ chức phi lợi nhuận để thực hành các kỹ năng được Google trang bị.
Để chuẩn bị thêm các kỹ năng mới phù hợp với yêu cầu công việc và đào sâu, nâng cao hiểu biết về các kiến thức chuyên ngành, Got It đã động viên, cũng như hỗ trợ chi phí để các Got It-ian tham gia học và nhận chứng chỉ từ Google. Sau khoảng 3 tháng học tập, bên cạnh thời gian làm việc full-time, rất nhiều Got It-ian đã hoàn thành các khóa học. Got It E-Magazine đã phỏng vấn các bạn Got It-ian để xin một chút chia sẻ về trải nghiệm và lưu ý trong quá trình học – thi chứng chỉ. Những chia sẻ này có thể sẽ giúp bạn học nhanh, hiệu quả hơn và phần nào tiết kiệm chi phí lấy chứng chỉ đó!
Google Project Management
- Thời gian học gợi ý: 6 tháng
- Thời gian học thực tế (part-time): ~ 3 tháng
- Chi phí học lấy chứng chỉ: 39$/tháng
Chương trình học khá thú vị và thực tế khi mình tìm hiểu kỹ hơn vai trò của Project Manager trong 1 dự án là như thế nào, các giai đoạn của dự án sẽ ra sao và các cách thức để thực hiện từng giai đoạn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, mình cũng tìm hiểu về cách mình document lại các nội dung quan trọng trong từng phase và mô hình quản lý dự án phổ biến hiện nay – Agile.
Khó khăn lớn nhất với mình là việc quản lý thời gian. Bên cạnh công việc full-time, mình còn tham gia khóa học tiếng Anh nội bộ ở team Got It, song song với việc học thi chứng chỉ Google, nên thời gian khá căng. Chương trình học lại có nhiều bài luyện tập và kiến thức mới. Ngoài ra thì cũng không có khó khăn gì khác. Google đã hệ thống hoá kiến thức rất tốt để đảm bảo các bạn học đều có thể nắm chắc kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Có 3 điều học được từ khóa học mà mình rất hứng thú, đó là: Quản lý và phân loại các stakeholder trong dự án, cách đưa thông tin đến stakeholder, và cách giải quyết các vấn đề cùng stakeholder
Ngoài ra, phần kiến thức về Agile và cách áp dụng các framework quản lý trong Agile như Kanban, XP, Lean cũng khá thực tế, giúp mình lựa chọn và kết hợp các framework phù hợp để quản lý team một cách hiệu quả hơn sau này. Lời khuyên duy nhất gửi đến các bạn là ở cách phân bổ thời gian. Chương trình học khá nặng nếu bạn vừa đi làm vừa tự học, thì việc sắp xếp thời gian học hợp lý là rất quan trọng.
Google Data Analytics
- Thời gian học gợi ý: 6 tháng
- Thời gian học thực tế (part-time): ~ 1 tháng
- Chi phí học thi lấy chứng chỉ: 39$/tháng
Thông qua các khóa học từ Google, mình học được cách xử lý data của project một cách hệ thống hơn. Tất cả đều bắt đầu từ việc mình hiểu được tầm quan trọng của data. Data có ảnh hưởng khá lớn đến các quyết định ban quản trị đưa ra cho một business hay cả những lúc phát triển sản phẩm nữa.
Người làm phân tích có thể sẽ có những assumption (giả thiết) nhất định về kết quả phân tích dữ liệu. Ví dụ, mình cứ tin: tính năng A là một tính năng vô cùng cần thiết. Với niềm tin đó, trong quá trình phân tích, mình sẽ thiên vị (bias) và xử lý data để cho ra kết quả là: Tính năng A phù hợp với thị trường. Đây là điều rất không nên. Data analyst cần phải tránh để những assumption và bias ảnh hưởng đến quá trình phân tích và kết luận. Từ đó, đưa ra được những phân tích chính xác và khách quan. Những chia sẻ này từ khóa học làm chị thấy khá thích thú.
Có một phần khó trong khóa học là Data Visualization. Phần này cần sử dụng design và một số logic design để mình hình hoá dữ liệu cho dễ nhìn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chị chưa có background gì về design hay các term trong mảng này, nên lúc đầu nghe không hiểu gì cả (cười). Lời khuyên cho mọi người là mọi người có thể nghe đi nghe lại, dành thêm thời gian tự tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về design và làm đi làm lại các bài luyện tập trong khóa.
Ngoài ra, nếu mọi người có thể rủ người khác học cùng cho vui, thì việc học sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều. Đồng đội cũng giúp mình có thêm động lực học nữa!
Thực tế, trong khóa học có một số cái mình đã biết rồi, gặp qua, hay vô tình áp dụng rồi. Tuy nhiên, do không biết nó là mảng nhỏ của một bức tranh lớn, nên mình chưa thể làm và phân tích dữ liệu thật thành thục và chuyên nghiệp được. Với khóa học Data Analytics của Google, mình có cái nhìn tổng quan hơn. Kiến thức cũng được hệ thống hoá rất bài bản. Giảng viên chia sẻ rất dễ hiểu và thân thiện, nên việc học không có khó khăn gì nhiều.
Nếu có khó, thì khó nhất là “việc phải vượt qua sự lười của bản thân” thôi. Để bớt lười, mình nghĩ mọi người nên rủ thêm 1 bạn học cùng, sau đó hẹn nhau một khung giờ nào đó học chung. Nhỡ hôm nào set lịch học mà mải ngủ hay xem phim, thì có người gọi mình, thúc mình học. Với cả, có người học cùng thì mình cũng có trách nhiệm với bạn mình và trách nhiệm với việc học hơn.
Thời điểm này đang dịch, ngoài làm việc full-time, chúng mình cũng không đi đâu chơi được. Vì thế, dành thời gian để học chứng chỉ Google rất hợp lý, mà lại không hề nhạt nhẽo và vô nghĩa. Mọi người có thể sắp xếp lịch học trước giờ vào làm nếu công ty làm muộn như Got It, hoặc là tranh thủ giờ nghỉ trưa rồi cuối tuần để học thêm.
Hoàn thành xong khóa học thì mình làm việc với data bài bản và hiệu quả hơn. Tuy còn nhiều phần kiến thức đã học cần thêm thời gian mới áp dụng được, nhưng mình đánh giá khóa học rất bổ ích và ý nghĩa.
UX Design
- Thời gian học gợi ý: 6 tháng
- Thời gian học thực tế (part-time): ~ 3 tháng
- Chi phí học thi lấy chứng chỉ: 39$/tháng
UX Design là chương trình học khá nặng, kéo dài 7 course với rất nhiều bài tập thực hành. Dù đã có kinh nghiệm design, nhưng mình cũng học thêm nhiều kiến thức mới và xác nhận lại những kiến thức hiện tại xem mình đã nắm chắc chưa. Ví dụ như: Học về 1 quy trình thiết kế sản phẩm với các bước cụ thể, các kiểu “thiên vị, định kiến”, về “thiết kế công bằng”, hay giá trị của Accessibility.
Bên cạnh đấy, mình đánh giá đây là một khóa hay vì nó đi từ các kiến thức nền tảng đến thực hành rất chỉn chu và bài bản. Các khóa đầu tiên, mọi người sẽ học được kiến thức nền tảng, process design UX như thế nào, cách build wireframes và prototypes ra làm sao. Sau đó, càng học lên cao thì mình sẽ luyện tập và thực hành các kỹ năng đã học nhiều hơn. Kể cả những bạn chưa có kinh nghiệm gì về UX design cũng hoàn toàn có thể học được khi quyết tâm và chăm chỉ.
Tuy nhiên, mọi người có thể bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với công cụ design mới. Nếu mọi người muốn chuẩn bị trước khi học thì nên làm quen với Figma. Đây là công cụ giúp tạo wireframes, mockups, prototypes khá tiện lợi và dễ dùng.
Bên cạnh đó, các bài tập thực hành của Google đều là những bài chấm chéo (peer-reviewed assignment). Tức là bài của mọi người sẽ được người khác cùng học khóa đó đánh giá. Và ngược lại, mọi người cũng sẽ đánh giá và chấm điểm người khác dựa trên thang chấm điểm rất chi tiết từ Google. Nên mình nghĩ mọi người có thể tận dụng cơ hội này để tham khảo bài của người khác và học hỏi thêm từ họ.
Mong rằng với những chia sẻ từ Got It-ian, cũng như khi đã hiểu rõ hơn về các chứng chỉ Google, bạn sẽ có thêm một hoạt động bổ ích trong đợt ở nhà 24/7 chống dịch này!
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các nội dung bổ ích thú vị như các chứng chỉ Google, hãy subscribe Blog của Got It hoặc follow Fanpage của chúng mình để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!