Tư duy lập trình viên và phong cách làm việc của họ có sự thay đổi thế nào trước và sau khi làm việc tại Got It? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ góc nhìn của cả trainer và trainee tại Got It trong bài viết dưới đây để biết được những điểm khác biệt nhé!
Mục lục
“Mình nhận ra, code giỏi không phải tất cả”
Phóng viên: Xin chào tất cả mọi người, câu hỏi đầu tiên mình muốn dành cho các bạn trainee. Có những bạn vẫn là sinh viên thực tập, có bạn thì mới tốt nghiệp vài năm, tất cả đều đang có tuổi nghề rất trẻ. Vậy đâu là những điều các bạn cảm thấy mình thay đổi nhiều nhất sau thời gian làm việc ở Got It?
Sơn: Sau hơn 1 năm ở Got It, thay đổi rõ nhất mà mình nhận thấy ở bản thân chính là phong cách làm việc. Tuy vẫn còn nhiều kiến thức chuyên môn cần trau dồi, song mình đã học được cách làm việc chuyên nghiệp và bài bản hơn. Khi phải sắp xếp các đầu việc một cách hợp lý, mình đã biết cách áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày.
Cụ thể, trước khi làm gì mình cũng phải suy nghĩ kỹ hơn, xem mức độ phức tạp của nó thế nào, nên đặt ưu tiên ra sao. Khi tiếp cận theo hướng đó, mọi vấn đề đều được giải quyết dễ dàng hơn rất nhiều.
Phóng viên: Đó là những suy nghĩ từ Sơn – một lập trình viên đã tốt nghiệp được gần 2 năm. Vậy còn những bạn thực tập sinh mới chỉ học năm 2 ở đây thì thấy thế nào?
Chính: Em mới chỉ vừa vượt qua vòng thử việc ở Got It sau 2 tháng nhưng đã thấy sự thay đổi lớn trong tính cách của mình. Sau khi training, em thấy mình khiêm tốn và bớt “kiêu” hơn. Trước đây, em khá tự tin về kỹ năng của mình, nhưng sau một thời gian học và làm việc với mentor, em mới thấy mình chẳng biết gì cả và cần trau dồi thêm rất nhiều kiến thức mới. Nhưng điều này không có nghĩa là em cảm thấy tự ti hay lo sợ. Nó giúp em nhận thức được khả năng mình đang ở đâu và phải tiếp tục cố gắng.
Trước đây, khi thấy ai cập nhật tình trạng việc làm trên Facebook hay LinkedIn, em có thói quen phải soi bằng được xem công ty họ làm có to không, yêu cầu của họ ra sao, mình có thể đáp ứng thế nào. Đôi lúc, em có thể thấy bực vì mình không đạt được kết quả như người ta. Nhưng giờ thì tâm lý của em đã khác. Em có thể thẳng thắn thừa nhận mình đang yếu ở đâu và tập trung cải thiện nó. Phát huy thật tốt những điểm mạnh của mình, đó mới là điều quan trọng với em lúc này.
Bill: Sau 10 tháng vào Got It, em cũng có sự thay đổi trong nhận thức của mình giống với Chính. Sự chú ý của em đã không dành cho những người khác nữa. Thay vì nhìn vào những gì họ làm, em đã dành sự tập trung vào việc phát triển bản thân mình hơn. Một profile hào nhoáng cũng không quá quan trọng, bởi điều cần thiết nhất vẫn là khả năng giải quyết được những bài toán thực tế trong doanh nghiệp.
Em học được điều này từ các anh chị trong team rất nhiều. Mọi người đã có những thói quen để tập trung phát triển bản thân như thường xuyên đọc sách IT, viết tech blogs,… Em đã được truyền cảm hứng và đang dần luyện cho mình những thói quen này.
“Sau 1-2 năm, các bạn trẻ đã trở nên bình tĩnh trước bugs của chính mình”
Phóng viên: Vừa rồi là những điều các bạn trainee thấy mình thay đổi nhiều nhất. Vậy các trainer thì có suy nghĩ thế nào về các bạn trẻ sau thời gian được đào tạo và làm việc tại Got It?
Hương: Đúng như Sơn có nói, mình cũng thấy sự thay đổi lớn nhất ở các bạn trainee chính là phong cách làm việc chuyên nghiệp. Điển hình nhất là việc các bạn đã có khả năng teamwork tốt hơn, có ý thức trách nhiệm cao và hiểu được những việc mình làm ảnh hưởng đến người khác thế nào. Ví dụ, nếu mình deliver một dòng code “lởm” thì có rất nhiều người khác sẽ phải fix hộ mình, khiến quy trình cả team gián đoạn. Khi đi học, các bạn sẽ ít khi có trải nghiệm như vậy vì nếu làm các bài luận, kết quả tốt hay không cũng chỉ là tự các bạn chịu.
Thắng: Bên cạnh phong cách làm việc thì các bạn trainee cũng thay đổi nhiều về mặt chuyên môn. Thông thường, mình thấy các bạn mới vào làm khi gặp bugs sẽ rất cuống và hoảng loạn. Các bạn ấy có xu hướng gọi hết người này đến người khác vào fix bugs giúp mình, loay hoay mãi vào một công việc mơ hồ khiến thời gian lãng phí. Nhìn lại một số trường hợp trainee tại Got It, chỉ sau 1-2 năm, các bạn trẻ đã trở nên bình tĩnh trước bugs của chính mình. Họ từ từ lật lại các bước để tìm ra vấn đề, tham khảo ý kiến của những senior nếu cần và tự sửa lỗi.
Dù là trainer hay trainee, ai cũng đã từng có những lầm tưởng trong tư duy lập trình
Phóng viên: Tiếp tục cuộc trò chuyện hôm nay, mình muốn dành câu hỏi sau đây đến cả các bạn trainer và trainee. Sau quá trình làm ở Got It, mọi người có nhận ra bản thân từng mắc phải một lầm tưởng nào đó trong tư duy lập trình không?
Thắng (trainer): Khi còn là sinh viên, mình tìm hiểu nhiều về các từ khoá nóng trong ngành như Microservices, Docker, Kubernetes,… Lúc ấy, mình cứ nghĩ khi vào một công ty phần mềm chuyên nghiệp sẽ làm được những gì “đao to búa lớn”, được sử dụng những công nghệ khủng để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, khi vào Got It và bắt tay làm sản phẩm, mình mới dần hiểu rằng việc sử dụng công nghệ phức tạp hay đơn giản không hề quan trọng.
Khi quyết định sử dụng công nghệ gì, lập trình viên cần xác định rõ lý do thay vì chạy theo xu hướng. Cụ thể, ở Got It, có một quy tắc là làm gì cũng phải “data-driven”. Khi quyết định sử dụng công nghệ nào thì team phải có những số liệu rất cụ thể xem cách làm đó sẽ mang lại tradeoffs và lợi ích gì, có chi phí bỏ ra như thế nào và mức độ khả thi để cân bằng những yếu tố đó ra sao. Đôi lúc, có những bài toán chỉ cần giải quyết một cách rất đơn giản, không cần cầu kỳ, miễn là đạt được mục tiêu.
Mình nhớ lại một trường hợp cụ thể mà bản thân trước đây từng trải qua. Lúc trước, mình rất quan tâm đến Microservices, một kiểu kiến trúc phần mềm được nhiều người áp dụng. Mình đã nghĩ sẽ được sử dụng Microservices khi vào Got It, nhưng sau một thời gian mới nhận ra một hệ thống với nhiều người dùng thì cũng chỉ yêu cầu những công nghệ đơn giản, không cần quá phức tạp như vậy.
Bill (Trainee): Lúc đi làm, em mới nhận ra tư duy lập trình của mình có nhiều khác biệt. Khi trên trường, em đang quen với việc tiếp nhận các requirements một cách cố định. Các thầy cô giao bài, học sinh làm, và họ chỉ đọc code, thấy code được viết đúng là đã hài lòng. Nhưng ở môi trường làm việc thực tế thì không như vậy. Ban đầu em cũng khá lạ lẫm, nhưng rồi nhận ra cái cố định nhất ở startup lại chính là sự thay đổi. Yêu cầu của ngày hôm nay có thể khác hoàn toàn so với hôm qua, và bản thân mỗi người phải rất cởi mở để có thể đón nhận và vượt qua những thay đổi đó.
Hải (Trainer): Suy nghĩ của mình cũng rất giống Bill. Trước đây, mình nghĩ rằng một công ty làm sản phẩm sẽ có những yêu cầu được định hình sẵn và tương đối rõ ràng. Vì vậy, trước lúc vào Got It, mình chỉ cần bổ sung thêm các tính năng cho sản phẩm và bám theo định hướng sẵn có khi làm việc.
Tuy vậy, sau khoảng thời gian thực chiến, mình mới nhận ra mọi thứ không hề đứng im mà di chuyển liên tục. Vì Got It là một startup làm business, thị trường đôi lúc còn mù mờ và luôn thay đổi. Cái đang được áp dụng của ngày hôm nay, lại có thể trở nên lỗi thời ngay tức khắc trong ngày mai. Các sản phẩm công nghệ thì mọc lên như vũ bão, người ta có một tính năng mới, mình lại phải tạo ra nhiều tính năng mới hơn. Cứ như thế, quá trình làm sản phẩm thay đổi liên tục, khiến các thành viên phải rất nhạy bén và linh hoạt thì mới có thể thích nghi.
Phóng viên: Quả thực, dù đã làm việc trong thời gian ngắn hay dài thì mọi người ở đây đều có những thay đổi rõ rệt phải không? Sự thay đổi luôn là cần thiết để chúng ta có thể hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là chúng ta không được ngại mắc lỗi. Bởi khi đã có những sai lầm, chúng ta mới có thể nhận ra nhiều bài học quý giá và đi trên một con đường đúng đắn hơn. Cảm ơn tất cả các bạn đã vì đã chia sẻ về câu chuyện của mình. Chúc các bạn sẽ thành công với những dự định sắp tới! 😄