Không gì là không thể, kể cả đặt chân đến Silicon Valley
Bạn thấy sao về bài viết đầu tiên của series “Got It & the Silicon Valley”? Liệu những chia sẻ của Got It có giúp bạn hình dung rõ hơn về Thung lũng công nghệ, cũng như những nhân tố quan trọng nhất làm nên thành công của vùng đất nổi tiếng này?
Xa hơn nữa, liệu những gì bạn đã tìm hiểu về “cái nôi của những giấc mơ lớn” có đủ nhen nhóm trong bạn một niềm ấp ủ: Rồi một ngày nào đó, chính mình cũng sẽ là một phần của Silicon Valley? Liệu trong một khoảnh khắc tư lự, bạn có từng tự dặn lòng rằng, nhất định phải làm nên một cái gì không tầm thường, vì mình hoàn toàn CÓ THỂ?
Đường đến thành công chẳng bao giờ trải hoa hồng, và đường đến Silicon Valley cũng vậy. Nhưng bạn nhớ không, Lỗ Tấn đã từng nói, “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Vậy nên, hãy để Got It chỉ cho bạn những con đường khả dụng nhất để đến với Silicon Valley nhé.
Mục lục
#1 Đi du học và tìm kiếm cơ hội ở các công ty tại Silicon Valley
Đi du học là bước đệm phổ biến nhất để bạn có thể làm việc, thậm chí nhập cư ở một đất nước khác. Hiển nhiên việc này đã quá quen thuộc phải không nào?
Bật mí với bạn rằng nếu thử tìm kiếm trên LinkedIn bằng cụm từ khoá [software engineer] + [Vietnamese] + [tên các trường đại học ở Mỹ], bạn sẽ tìm được rất nhiều bạn trẻ đã đi du học ở đất nước cờ hoa, sau đó đầu quân cho các công ty đình đám bậc nhất từ Thung lũng công nghệ như Microsoft, Google, Apple, Amazon, Facebook, Netflix. Thậm chí, có không ít người làm intern ở Microsoft, rồi lại apply sang làm full-time ở Google. Không gì là không thể với trí tuệ và sự ham học hỏi của người Việt phải không nào?
- Ưu điểm: Đi du học ở một đất nước phát triển trong chính ngành nghề của mình là một điều rất nên thử. Không chỉ kiến thức mà trải nghiệm, kỹ năng của bạn cũng sẽ tăng lên đáng kể đấy! Các công ty, nhất là những công ty lớn thường cũng có rất nhiều nguồn tài liệu để bạn tham khảo trước khi phỏng vấn.
- Nhược điểm: Chi phí cao, khó khăn bước đầu trong việc làm quen môi trường mới ở độ tuổi còn non nớt, dễ bị shock văn hoá, dễ bị sao lãng khỏi mục tiêu ban đầu, cạnh tranh cao khi tìm việc ở những công ty lớn.
#2 Đi du học Mỹ, sáng lập startup và gọi vốn ở Silicon Valley
Tiếp đến là một cách còn “khoai” hơn nữa: Bạn không chỉ học ở Mỹ, mà còn tìm kiếm cơ hội ở Silicon Valley với tư cách một startup founder để gọi vốn cho ý tưởng của mình! Muốn biết thử thách này “điên rồ” đến đâu ư? Vậy thì hãy nằm lòng câu nói: “Ở Silicon Valley, ý tưởng là thứ rẻ mạt và dễ kiếm tìm nhất.” Nơi đây là thiên đường, nhưng cũng là vùng đất chết chóc bởi sự đào thải và cạnh tranh gay gắt mà nó tạo ra.
Có lẽ, việc tìm ra một ý tưởng thôi cũng là chưa đủ. Một sản phẩm có thể độc đáo đấy, nhưng liệu nó có đủ mạnh để đi đường dài, có đủ tiềm năng để lọt vào mắt xanh của những nhà đầu tư đã quá dày dặn ở Thung lũng Silicon? Đây là một câu hỏi lớn, và bạn cũng không nên nghĩ mình kém cỏi nếu chưa tìm ra câu trả lời. Bởi cho đến tận bây giờ, số startup Việt gọi vốn thành công và còn trụ vững ở Silicon Valley cũng chưa đếm đủ một bàn tay!
- Ưu điểm: Một thử thách thực sự dành cho những ai muốn tạo nên thành quả tầm cỡ thế giới. Dấn thân vào Silicon Valley có thể là một con đường vô cùng chông gai, nhưng cũng sẽ giúp bạn rút ra những kinh nghiệm đáng giá về cách mà hệ sinh thái khởi nghiệp mang tầm world-class đang vận hành. Nếu thành công, bạn hoàn toàn có thể trở thành một Steve Jobs hay một Mark Zuckerberg tiếp theo.
- Nhược điểm: Việc chưa có nhiều startup Việt thành công có thể khiến các nhà đầu tư e ngại. Thêm vào đó, câu chuyện về ý tưởng và nhân lực vẫn luôn là bài toán hóc búa, và cần rất nhiều “nơ-ron”!
#3 Học tại Việt Nam và apply trực tiếp vào các công ty tại Silicon Valley
Bạn biết điều gì còn khó nhằn hơn cả đi du học không? Đúng vậy, đó chính là học hết đại học/cao học ở Việt Nam rồi mới apply trực tiếp vào một công ty ở Silicon Valley.
Phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam chưa tạo nhiều tiếng vang trên trường quốc tế. Bởi vậy, cách này có khá nhiều bất lợi nếu bạn chưa có cho mình những giải thưởng danh giá tầm khu vực, quốc tế, hay các sản phẩm thật sự ấn tượng để chứng tỏ bản thân trước những vòng tuyển dụng khắt khe tại Silicon Valley.
Tuy nhiên, đây cũng là một động lực lớn để chúng mình trau dồi bản thân, đào sâu kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng quan trọng như tiếng Anh, giao tiếp, hoạt động tập thể…
- Ưu điểm: Cơ hội tốt để thử thách bản thân, tự mày mò được những điều thú vị và thiết thực về tuyển dụng ở Silicon Valley, có cơ hội tham gia quá trình tuyển dụng ở đẳng cấp world-class…
- Nhược điểm: Thường rất phức tạp, nhiều vòng thi, tỷ lệ cạnh tranh rất cao, mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ…
#4 Apply vào một công ty có trụ sở ở Silicon Valley và văn phòng ở Việt Nam
Còn nếu bạn không muốn trở thành một CEO mà muốn đi sâu về hướng kỹ thuật? Nếu Việt Nam còn rất nhiều điều quan trọng mà bạn không muốn rời xa? Liệu có con đường nào để vẫn được làm việc với môi trường và tiêu chuẩn của Silicon Valley, nhưng lại không phải rời xa những gì mình đang có?
Câu trả lời là: Hãy đầu quân cho những công ty có trụ sở ở cả Silicon Valley và Việt Nam. Bằng cách đó, bạn vừa có thể ở lại Việt Nam, vừa được làm việc trong một môi trường đẳng cấp thế giới. Có thể kể đến những công ty nổi bật về product như Got It (HN), Elsa Speak (HCM), hay outsourcing như Gear (HN).
- Ưu điểm: Làm việc ngay tại Việt Nam, ít bị shock văn hoá, được trau dồi kinh nghiệm với những người giỏi tại cả Việt Nam và Silicon Valley, được làm việc với tiêu chuẩn và môi trường world-class, có cơ hội đi công tác, trao đổi tại Silicon Valley…
- Nhược điểm: Môi trường làm việc không hoàn toàn theo phong cách Mĩ, vẫn có sự ảnh hưởng nhất định của văn hoá Việt Nam. Không có nhiều cơ hội nhảy việc linh hoạt đến các tập đoàn lớn như Facebook, Google, Apple…
Mỗi con đường đều có những thuận lợi và khó khăn riêng của mình. Nếu bạn vẫn luôn mơ về một Silicon Valley, hãy cân nhắc từng lựa chọn và chuẩn bị kỹ càng cho dự định của mình. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng đừng chỉ mơ mà hãy gắn cho chúng đôi cánh để rồi bay cao, và mỗi lần ngoảnh lại, ta lại nhận ra mình đã đi được xa đến nhường nào.
Got It chính là sản phẩm, là kết quả của một giấc mơ, rằng người Việt hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm có ý nghĩa, và được thế giới lắng nghe. Còn bạn? Bạn đã sẵn sàng để chắp cánh cho ước mơ của riêng mình?
(To be continued)