Nhiều người nghĩ là website chỉ có những giao diện hiện hữu. Thực ra, đằng sau chúng là những hoạt động chạy ngầm gọi là backend. Vậy backend là gì? Hãy cùng Got It tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!
Backend là gì?
Trước khi nói về định nghĩa, hãy thử lấy ví dụ đơn giản về backend nhé. Khi truy cập Google, website hay máy khách (client) gửi yêu cầu (request) đến máy chủ (server) Google. Server chạy ứng dụng (application) để truy vấn (query) dữ liệu giao diện Google trong cơ sở dữ liệu (database). Sau đó, các dữ liệu (data) này sẽ được server gửi đi trong một phản hồi (response) đến client. Cuối cùng, website của bạn sẽ fetch (nạp) data và hiển thị ra giao diện huyền thoại của Google.
Qua ví dụ trên, chắc bạn đã mường tượng ra backend là gì rồi nhỉ. Có thể nói backend là những tương tác ngầm giữa ba phần chính gồm server, application và database. Dù không được thấy hay tương tác bởi người dùng, phần hậu trường này lại rất quan trọng với website. Backend cung cấp các chức năng mượt mà cho website và là cây cầu bắc ngang giữa client và database. Phải có backend thì website mới hoạt động trơn tru, hiệu quả để trải nghiệm người dùng được như ý.
Đọc đến đây, chắc bạn đã thấy những hoạt động ngầm này quan trọng đến nhường nào rồi nhỉ. Để Got It giải thích cụ thể hơn một tí tại sao cần backend nhé!
Tại sao cần backend?
Nếu website là một cơ thể sống, hít ra thở vào bằng data thì backend là trái tim của nó.
Backend là cầu nối thông tin giữa website và client
Mỗi tương tác trên giao diện Google sẽ tạo ra những luồng data giữa trình duyệt và database của Google. Nhờ đó, bạn mới có thể tìm vị trí khách sạn, sản phẩm hay đăng ký tài khoản trên Google. Backend là nơi xử lý những luồng data này, giúp bạn tương tác với database của website.
Backend giúp website chạy trên nhiều nền tảng lưu trữ
Ngày nay, bạn có thể triển khai website trên những nền tảng lưu trữ (hosting) khác nhau. Ví dụ như máy chủ web (web server), máy chủ đám mây (cloud server) hoặc dùng cả hai. Vì mỗi hosting có những yêu cầu thiết lập riêng nên bạn phải tùy chỉnh backend tương ứng với chúng. Chưa kể bạn còn phải điều chỉnh khối lượng công việc backend khi dùng nhiều server khác nhau.
Backend cung cấp các chức năng mượt mà cho website
Trong kiến trúc website, những đoạn code về backend cung cấp các chức năng trên website cho người dùng. Kể cả thứ đơn giản như chức năng đăng nhập cũng cần có backend để hoạt động bình thường.
Khi bạn điền thông tin và nhấn nút đăng nhập, backend sẽ lấy thông tin và kiểm tra với database. Chỉ cần backend lấy sai thông tin mà bạn điền thì coi như chức năng đăng nhập đã bị lỗi. Tương tự như vậy với các chức năng khác như giỏ hàng (shopping cart) hay tìm sản phẩm trên Shopee. Do đó, không có website nào có thể hoạt động trơn tru mà không có backend.
Tổng quan về kiến trúc backend
Như đã nói ở trên thì kiến trúc backend có ba phần chính là server, application và database. Không chỉ vậy, backend còn có một thứ không thể thiếu là giao diện lập trình API (Application Programming Interface).
Server: cỗ máy xử lý của backend
Trong ba phần chính, có thể coi server chính là trung tâm điều hành của backend. Khi bạn truy cập website, server sẽ gửi lại bạn với data về giao diện của website đó. Khi bạn tương tác trên website, server sẽ nhận request, thực hiện request và gửi lại response cho bạn. Server đơn giản là một hoặc nhiều máy tính được nối mạng, nhận request và gửi lại response tương ứng.
Những máy tính này không cần chuột, bàn phím mà đã được chế tạo, tối ưu chỉ để làm server. Dù vậy, bất kỳ máy tính nào có kết nối mạng cũng đều có thể trở thành server. Trên thực tế, vì server khá đắt đỏ nên bạn thường phải dùng chính máy tính của mình làm server.
Database: đầu não lưu trữ của backend
Trong kiến trúc website, database là thứ tạo nên sự khác biệt giữa website động (dynamic) và tĩnh (static). Database lưu trữ tất cả data của website động để server có thể truy vấn lúc cần thiết. Việc này vừa giảm tải bộ nhớ server, vừa giảm thiểu rủi ro mất data khi server gặp sự cố.
Nói đơn giản thì database là nơi tập hợp và tổ chức data theo một mô hình nhất định. Để quản trị database, bạn cần phải dùng phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu DBMS (Database Management System). Có nhiều database khác nhau và DBMS tương ứng nên hãy chọn lựa dựa theo nhu cầu của bạn nhé.
Application: trợ lý công việc của backend
Hãy tưởng tượng application như một hệ thống ống nước truyền dẫn request, data và response giữa website và database. Khi truy cập Google thì server sẽ chạy application có chứa logic về cách phản ứng với request của client. Đó là truy vấn và gửi đi data giao diện Google đến website để hiển thị website Google. Ngoài ra, application còn có thể chỉnh sửa database hoặc xử lý những request đặc biệt khác của client.
Thực ra, server có nhiều application và mỗi application có một tác vụ khác nhau. Trong quá trình xử lý request, các application sẽ chuyển quyền chạy cho nhau mỗi khi hoàn thành tác vụ. Cuối cùng, server sẽ chạy một application để kết thúc chu trình request-response bằng một response gửi lại client.
API: mảnh ghép không thể thiếu của backend
Đã lập trình backend thì phải làm việc với các giao diện lập trình API. Chúng là các phương thức, giao thức giúp kết nối nhiều ứng dụng website với nhau.
Với API, bạn có thể dễ dàng kết nối phần mềm, CSDL và dịch vụ của mình hoặc của người khác lại với nhau mà không cần đến những đoạn code phức tạp. Ngoài ra, data và ứng dụng website của bạn cũng có giá trị hơn khi được người khác tận dụng khi phát triển sản phẩm.
Qua bài viết này, chắc bạn đã hiểu hơn về backend là gì và tại sao cần backend rồi nhỉ? Đừng quên tham khảo thêm những thông tin khác về backend và lập trình web trong blog của chúng mình nhé!
[…] Backend hiện nay đang là một lĩnh vực khá hot trong ngành lập trình web. Vậy bạn có biết ngôn ngữ lập trình backend nào đang mạnh và phổ biến nhất hiện nay không? Hãy cùng Got It khám phá top 7 ngôn ngữ backend thông dụng nhất qua bài viết bên dưới nhé! […]
[…] Backend developer là người sẽ chịu trách nhiệm với những gì liên quan đến phần backend của website. Những đoạn mã lệnh mà các backend developer viết ra sẽ là cầu nối thông tin giữa database và trình duyệt của người dùng hay còn được gọi máy khách (client). Backend developer không làm việc đơn lẻ mà thường làm việc trong nhóm từ hai người trở lên. Mỗi người trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm một hoặc vài mảng backend mà họ chuyên. […]
[…] Backend developer là người sẽ chịu trách nhiệm với những gì liên quan đến phần backend của website. Những đoạn mã lệnh mà các backend developer viết ra sẽ là cầu nối thông tin giữa database và trình duyệt của người dùng hay còn được gọi máy khách (client) […]