Ngoài năng lực và kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp cũng là điều không thể thiếu khi làm việc. Tất nhiên, đã là kỹ năng thì không phải ai cũng nghiễm nhiên là có mà phải được rèn luyện trong cả quá trình. Để Got It “mách” cho bạn 5 nguyên tắc giao tiếp ứng xử nhé!
- Đọc thêm: Kỹ năng chuyên môn là gì?
Mục lục
1. Tôn trọng – nguyên tắc vàng trong kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp
Tôn trọng là một trong những kỹ năng giao tiếp ứng xử cơ bản và quan trọng nhất. Khi bạn thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với đồng nghiệp, họ sẽ thể hiện sự tôn trọng của mình lại với bạn. Chỉ khi tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ giữa bạn và các đồng nghiệp mới có thể dài lâu và bền vững được. Có như vậy thì bạn và các đồng nghiệp mới có thể hợp tác và chia sẻ công việc với nhau, giúp dự án hoàn thành đúng thời hạn và hiệu quả.
Sự tôn trọng thật ra không quá khó để thể hiện, có rất nhiều cách để bạn có thể thể hiện sự tôn trọng với đồng nghiệp. Dưới đây là một số ví dụ:
- Ứng xử lịch sự, cởi mở và chân thành với mọi người
- Lắng nghe những chia sẻ và ý kiến của mọi người
- Không ngắt lời khi đồng nghiệp đang chia sẻ quan điểm.
2. Tin tưởng và hỗ trợ đồng nghiệp
Hãy tưởng tượng, nếu bạn đang thực hiện một dự án phần mềm phức tạp, nhưng bạn lại cảm thấy đồng nghiệp của mình không đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm này. Khi đó, bạn sẽ luôn phải kiểm tra tiến độ công việc của họ để đảm bảo mọi thứ đúng như kế hoạch. Như vậy vừa làm mất thời gian vừa khiến mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp trở nên tệ đi.
Thay vì nghi ngờ năng lực của đồng nghiệp, tại sao bạn không thử tin tưởng và hỗ trợ họ? Việc tin tưởng, hỗ trợ nhau không chỉ giúp gắn kết mối quan hệ mà còn giúp hiệu quả làm việc nhóm tăng cao nữa đấy.
3. Tạo dựng mối quan hệ
Thông thường, bạn sẽ phải dành hơn 40 tiếng mỗi tuần để tiếp xúc, gặp mặt đồng nghiệp. Chính vì vậy mà việc tạo dựng mối quan hệ tốt sẽ giúp cho công việc hàng ngày thuận lợi hơn.
Khi giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp, bạn cần thể hiện sự chân thành, không tâng bốc, xu nịnh hoặc thể hiện tài năng thái quá. Bởi chẳng ai muốn làm bạn với một người chỉ biết tâng bốc, xu nịnh hoặc nghĩ bản thân là giỏi nhất cả. Ngoài ra, bạn cũng nên tôn trọng ý kiến cá nhân của mỗi người, lắng nghe và phản hồi một cách cởi mở.
4. Nguyên tắc tranh luận
Chắc hẳn bất kỳ ai khi đi làm đều có ít nhất một lần bị bất đồng quan điểm và phải tranh luận với đồng nghiệp đúng không? Tuy nhiên, bạn cần phải phân biệt rõ hai quan điểm: tranh luận để tìm ra hướng giải quyết hay tranh luận vì muốn bản thân thắng cuộc.
Nếu mục đích của bạn là chỉ muốn bản thân thắng cuộc tranh luận này, thì kết quả chắc chắn sẽ là gây thù hằn, thậm chí khiến công việc đổ vỡ. Vì vậy, khi bắt đầu cuộc tranh luận, bạn cần xác định mục đích của buổi tranh luận này là cùng nhau tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề và thống nhất mục tiêu.
Dưới đây là một số nguyên tắc giúp cho cuộc tranh luận của bạn không đi sai hướng:
- Đừng cố ép đối phương phải thay đổi suy nghĩ
- Lắng nghe suy nghĩ của đối phương, đồng thời làm sáng tỏ ý kiến của họ
- Không đem cảm xúc vào cuộc tranh luận, nên giữ thái độ bình tĩnh và tỉnh táo
- Không ngắt lời hoặc làm cách nào đó để đối phương im lặng
- Chỉ ra sự tương đồng trong quan điểm hai bên, để dễ dàng thuyết phục đối phương hơn
- Hãy nhân nhượng, nhường bước nếu như bạn và đối phương không thể thống nhất hoặc tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề
5. Nguyên tắc giao lưu trong kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp
Ngoài việc tạo dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, dân IT cũng cần lưu ý đến việc giao lưu với mọi người nữa đấy! Giao lưu ở đây có nghĩa là bạn không nên quá thụ động, chỉ biết đến làm việc và về.
Bạn cần phải giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ với mọi người. Đồng thời bạn cũng nên tham gia các bữa tiệc của công ty hoặc company trip (chuyến du lịch cùng đồng nghiệp trong công ty) để hòa nhập hơn với mọi người.
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý không nên “tán gẫu” quá nhiều trong giờ làm việc, làm sao nhãng hiệu suất công việc. Chỉ nên giao lưu trong khoảng thời gian nghỉ giải lao hoặc sau giờ làm việc.
Trên đây là những kỹ năng giao tiếp ứng xử rất cần thiết đối với dân IT nói riêng và người đi làm nói chung. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nắm vững các kỹ năng giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp và có được những mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường công sở.