Dịch bệnh khiến Got It team chưa có cơ hội làm việc đông đủ ở office như trước kia, nên tôi chỉ có thể gặp Henry qua chiếc màn hình máy tính. Vẫn là nụ cười tươi đặc trưng, Henry luôn mang lại cảm giác vui vẻ và không khí sôi nổi ở bất cứ đâu cậu ấy xuất hiện.
Hỏi thăm sức khoẻ nhau một vài câu, chia sẻ thêm về cuộc sống nơi công sở “tại nhà”, chúng tôi bắt đầu thực hiện buổi phỏng vấn đầy ngẫu hứng, không hề có sự chuẩn bị từ trước.
Henry có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân mình được không?
Xin chào độc giả của Got It Magazine, mình tên là Hưng, tên thường gọi ở công ty là Henry. Hiện tại mình đang đảm nhiệm vị trí Lead team Frontend Engineer tại Got It. Công việc của mình và team là xây dựng, phát triển và đảm bảo chất lượng cho các hệ thống Frontend của team PRO tại Got It. Nói một cách dễ hiểu, mình và các bạn trong team đảm nhiệm vai trò xây dựng mặt tiền của sản phẩm ngay từ khi mà người dùng truy cập để bắt đầu sử dụng.
Mình cũng có những sở thích như các bạn đồng trang lứa, và cũng có một số sở thích không giống các bạn đồng trang lứa cho lắm. Sở thích giống các bạn đồng trang lứa là mình rất thích đi chơi, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, khám phá thế giới. Còn sở thích không giống các bạn đồng trang lứa lắm, đó là mình thích các môn thể thao sức bền như chạy dài, đạp xe, bơi lội. Lý do là mọi người thường hay nói “Hãy cố gắng để vượt qua giới hạn của bản thân”. Nhưng mình luôn thắc mắc rằng, giới hạn của bản thân mình ở đâu? Nếu không biết được giới hạn thì làm sao mình có thể vượt qua, lúc đó câu nói cũng chỉ là câu nói mà thôi.
Và khi mình chơi các môn thể thao sức bền, mình đã biết được giới hạn của bản thân ở đâu. Đó chính là ở con số 32km đối với chạy dài. Mình đặt ra câu hỏi cho bản thân và mình có một câu trả lời rõ ràng khi tham gia các môn thể thao sức bền. Bên cạnh đó, mình thấy nó cũng rất tốt cho công việc và cho cuộc sống của mình nữa. Vậy nên đó là lý do mình yêu thích những bộ môn thể thao sức bền.
Ngoài ra mình cũng có sở thích viết Blog để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp và bạn bè. Mình hiện tại đang có một chiếc blog nho nhỏ, địa chỉ: https://hung.dev/. Các bạn đọc nếu quan tâm có thể ghé qua xem và để lại những góp ý cho mình.
Gắn bó với Got It đã được 4 năm rồi, điều gì đã níu giữ bạn ở lại lâu như vậy?
Thực ra, có rất nhiều nguyên nhân giữ chân mình gắn bó với Got It. Mình có thể kể ra một vài lý do, nhưng chắc chắn nó là chưa đủ đâu *cười*.
Lý do đầu tiên, đó là ở Got It, công việc luôn luôn thú vị, và luôn luôn có những bài toán khó. Là một kỹ sư phần mềm, họ luôn thích đi tìm các bài toán khó để giải. Điều này cũng tương tự như điều mình đã nói ở bên trên, khi mình chạy bộ, thường sẽ có những mốc chạy như 10km, 21km, hay 42km. Khi mình đạt được những mốc đó rồi, mình sẽ cảm thấy vô cùng “rewarding”. Lúc mình làm việc, mình cũng gặp những bài toán khó, nhiều người nhìn vào thì có thể nghi ngờ, nhưng mình tin rằng, nếu mình quyết tâm nỗ lực đến cùng, thì mình sẽ giải quyết được những bài toán ấy.
Lý do thứ hai níu chân mình gắn bó với Got It, đó là văn hoá “transparent”. Mọi thứ đều minh bạch, không có gì phải giấu giếm cả, các thành viên đều có thể nắm bắt được các thông tin của công ty. Mình thấy đó là một đặc điểm rất hay.
Điều thứ ba chính là văn hoá “nhận sai” ở Got It. Khi bất kì một thành viên nào làm sai một thứ gì đó, chúng mình không bao giờ cố gắng tìm cách để đổ lỗi cho ai khác, và sẽ nhận lỗi sai đó về mình. Bạn biết đấy, dù có là ai, có giỏi đến đâu đi chăng nữa thì họ cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng khi mình mắc sai lầm, mình nên cố gắng suy nghĩ và xem lại bản thân để tìm ra lỗi sai của mình, và cố gắng không lặp lại lỗi sai đó thêm một lần nào nữa.
Một điểm tiếp theo mình thấy ở Got It, đó là mình và nhiều bạn khác được giúp đỡ để có thể nhìn rõ được Career Path của mình. Nếu bạn đã biết rõ bạn thích gì, và muốn phát triển theo hướng nào, công ty sẽ cố gắng đầu tư để bạn có thể phát triển nhiều hơn, đồng thời khai thác được các thế mạnh và tài năng của bạn. Đôi khi lại có những bạn trẻ mới ra trường, hoặc ngay cả những người đã làm lâu rồi, nhưng vẫn chưa nắm rõ được Career Path của mình, nên có ý định thay đổi con đường sự nghiệp. Với những trường hợp này, công ty vẫn rất support, miễn là công ty có những vị trí phù hợp với mong muốn của bạn. Mình có thể lấy một ví dụ cụ thể, đó là Ed ở US office. Khi mới vào Got It, Ed là một thành viên của team back office, tuy nhiên thì sau một thời gian bạn ấy lại có định hướng muốn trở thành PM (Product Manager). Lúc bấy giờ, công ty rất sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ Ed. Cùng với sự nỗ lực và chủ động học hỏi của Ed, cuối cùng, bạn ấy đã thành công trở thành PM. Câu chuyện như vậy thực sự không hiếm ở Got It. Có rất nhiều bạn, lúc vào thì làm ở một vị trí, một thời gian sau lại thấy ở một vị trí khác.
Và một điều cuối cùng, đó là Got It có rất nhiều người đồng nghiệp thú vị và giỏi. Ngoài việc mọi người giỏi về mặt chuyên môn, họ còn có những tài năng rất hay ho mà mình thấy rằng, mình sẽ rất khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào mà các thành viên có background đa dạng và độc đáo như thế.
Mọi người vẫn hay biết đến Henry là một người vui tính và tích cực, liệu đã bao giờ bạn trải qua một giai đoạn khó khăn tại Got It chưa?
Có chứ, ngay sáng nay luôn *cười*. Got It có rất nhiều bài toán khó mà đúng không? Mình nghĩ rằng sẽ không ai đủ giỏi để có thể vỗ ngực nói rằng “Mình biết hết tất cả mọi thứ”. Sau 4 năm làm Software Engineer, mình thấy rằng mình vẫn còn rất nhiều thiếu sót, vẫn còn rất nhiều điều phải học. Hàng ngày, khi đi làm, mình đều có những bài toán khó phải giải, và luôn gặp những thử thách mới trong quá trình hoá giải những bài toán đó.
Ngoài ra, mình nghĩ rằng có một giai đoạn, sau khoảng 1,5 – 2 năm vào công ty, đó là giai đoạn mà mình cảm thấy mình giỏi rồi, cái gì cũng có thể làm được, và mình không thể học được thêm điều gì ở nơi này nữa. Bởi công việc mà mọi người giao thì mình đều làm được hết, không hề gặp trục trặc gì.
Để giải thích cho hiện tượng này, mình có tìm hiểu được một khái niệm gọi là “Dunning-Kruger Effect”.
Lúc đầu mình nghĩ rằng, sau khoảng 1,5 – 2 năm làm việc ở công ty thì cái gì mình cũng giỏi rồi, không thể phát triển hơn được nữa, như thể là mình đang đi ngang vậy đó. Nhưng sau khi biết đến khái niệm trên, thì mình mới hiểu rằng, thời điểm đó, mình mới đang ở vị trí “Valley of Despair”, là giai đoạn mà mình nghĩ rằng mình giỏi nhưng thực ra mình chẳng biết gì cả. Từ khi mà mình ý thức được việc mình còn rất kém, thì đó là lúc mình học được rất nhiều thứ, và bản thân mình phát triển hơn rất nhiều, và tốt lên từng ngày. Những điều mới mình học được cũng chẳng phải ở đâu xa lạ cả, từ chính những người đồng nghiệp của mình hằng ngày, hay ngay cả những bạn Junior, những bạn Fresher, các bạn ấy cũng có những suy nghĩ, góc nhìn rất mới mẻ mà những người lâu năm như mình có thể học hỏi.
Như mình được biết thì Henry đã có thời gian làm việc tại Got It, sau đó nghỉ, rồi lại quay trở lại công ty? Lý do gì khiến bạn rời Got It thời điểm đó?
Hồi bắt đầu làm ở Got It, mình làm vị trí Software Engineer Intern, thực tập được khoảng 4 tháng thì mình muốn tập trung hơn cho việc học, nên mình quyết định xin nghỉ tại công ty để lo cho khoá luận và việc tốt nghiệp của mình.
Và rồi điều gì đã mang bạn trở lại công ty?
Anh Hùng mang mình trở lại Got It. Bằng một cách nào đó mà anh Hùng biết được rằng mình đã tốt nghiệp rồi, và anh ấy đã thuyết phục mình quay lại Got It để làm sản phẩm. Có một điều mà mình rất tâm đắc ở anh Hùng, đó là anh ấy không phải người giỏi nhất về chuyên môn, về code, nhưng anh ấy lại rất giỏi việc thuyết phục người khác làm việc cùng mình.
Không ai có thể một mình build được lên một sản phẩm lớn và hoàn chỉnh như sản phẩm của Got It, nhưng nếu đồng hành cùng nhiều người thì có thể, và nhiều người giỏi nữa thì lại càng có thể. Vậy nên mình rất khâm phục anh Hùng, vì anh ấy có thể thuyết phục được những người giỏi hơn anh ấy về làm việc cùng. Bằng chứng là đã có rất nhiều những người giỏi ở những công ty nổi tiếng trên thế giới như Oracle, Amazon, Apple… đã về làm việc tại Got It.
Hiện tại Henry đang công tác tại team PRO của Got It, nghe nói team PRO nổi tiếng có nhiều idea chơi game vô cùng hay ho, và thường xuyên tổ chức những buổi bonding thú vị nữa, thực hư tin đồn này như thế nào? Henry có thể giúp mình làm rõ hơn được không?
Đúng *cười*. Mình nghĩ khi đi làm, ngoài việc chúng ta tiếp xúc với nhau dưới tư cách là đồng nghiệp, mình cần kết nối với nhau với tư cách là những người bạn nữa. Vậy nên một team cần cố gắng có những hoạt động bonding với nhau, để hiểu nhau hơn, khi đó mình sẽ làm việc với nhau hiệu quả hơn. Nếu mình có thể làm bạn được với những người đồng nghiệp của mình, thì mình sẽ thoải mái hơn khi làm việc với họ, thoải mái đóng góp ý kiến cho nhau, và năng suất công việc cũng theo đó mà tốt hơn.
Một ngày typical của Frontend Engineer diễn ra như thế nào nhỉ?
Buổi sáng:
- Một ngày của mình sẽ bắt đầu với 45 phút trao đổi, training mentee.
- Daily Stand Up: Nắm bắt được tình hình chung của team, có vấn đề gì không, mình cần trao đổi với ai khi cần hỏi về những vấn đề liên quan.
- Họp team Frontend: Bàn sâu hơn những vấn đề mà mọi người đang gặp phải, và cùng brainstorm để tìm cách giải quyết.
- Quay về vị trí làm việc của mình và hoàn thành những task mà mình đã đặt ra.
Buổi chiều:
Tùy từng giai đoạn, đối với những giai đoạn mà team đang tập trung phát triển sản phẩm, hầu như là mọi người sẽ tập trung, tìm hiểu tính năng, và làm cho đến hết ngày. Còn những hôm mà mình cần phải integrate sản phẩm, team sẽ có những buổi họp. Đôi khi mình cũng có những buổi phải đi phỏng vấn các bạn ứng viên, cũng mất đâu đó một buổi chiều rồi.
1 tuần có 2 buổi: bắt đầu 5h15, team Frontend bọn mình sẽ sắp xếp ngồi học với nhau những thứ mới, những thứ mà bọn mình cảm thấy là cần để phục vụ cho công việc.
Được biết Henry có sở thích về việc phát triển phần mềm mã nguồn mở. Bạn có thể chia sẻ thêm được không?
Khi mình tham gia phát triển phần mềm mã nguồn mở, mình thấy bản thân học hỏi được rất nhiều thứ. Làm việc ở doanh nghiệp thì mình được trả lương cho những gì mình làm, còn đối với phần mềm mã nguồn mở thì không. Nó giống như kiểu mình đóng góp cho cộng đồng vậy. Tuy là không được trả lương nhưng mình thấy mình học được rất nhiều điều hay. Bởi, có rất nhiều người giỏi tham gia phát triển phần mềm mã nguồn mở, vì thế mình sẽ học được từ những người trên khắp toàn cầu, và cùng thở với nhịp nhở công nghệ của thế giới.
Bạn có một dự án nào mà bạn rất tự hào và muốn chia sẻ không?
Thực ra mình có một thư viện cũng khá nhỏ thôi, là một package cho nền tảng React, giúp đỡ người dùng phát triển tính năng đăng nhập một cách đơn giản hơn. Mình cũng thấy khá tự hào khi phần mềm đó của mình có 3500 downloads trên một tuần.
Và cuối cùng, lời khuyên của bạn cho các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường là gì?
Thời điểm các bạn còn đang đi học là thời điểm hoàn hảo nhất để các bạn có thể học tập, trau dồi và nâng cao kiến thức. Bởi, các bạn có thời gian và thế giới công nghệ thì vô cùng rộng lớn, có rất nhiều điều để tìm tòi và khám phá. Như chúng ta cũng biết, công nghệ thay đổi vô cùng nhanh chóng, vậy nên nếu bạn chỉ học những kiến thức trên nhà trường thì bạn sẽ rất nhanh bị lạc hậu.
Hơn nữa, các bạn cũng cần lũy kinh nghiệm làm việc thực tế bằng việc đi làm intern ở các công ty. Những kiến thức ở trên trường rất tốt, nhưng đôi khi bạn sẽ chưa hiểu được lý do vì sao mình cần phải học những thứ này. Ở Got It có rất nhiều bạn intern từ năm 2 năm 3, thậm chí năm nhất cũng có. Khi bạn hoàn thành chương trình thực tập ở Got It và bạn quay lại trường đại học, bạn sẽ thấy rằng, những kiến thức mình học không có gì là thừa cả, có thể bạn chưa cần dùng ngay, nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ sử dụng đến chúng. Mình nhận được câu hỏi từ một số bạn sinh viên, rằng: “Em muốn theo đuổi Frontend hay Backend, tại sao em lại cần học những kiến thức chuyên sâu về hệ điều hành hay là về mạng máy tính?”. Đúng là để phát triển phần mềm một cách cơ bản trong một thời gian ngắn hạn, thì bạn sẽ không cần những kiến thức đó, nhưng để đi xa hơn, chuyên sâu hơn thì bạn sẽ cần nắm chắc CS Foundation.
Cuối cùng, một lời khuyên xưa như trái đất: đó là học tiếng Anh. Có lẽ các bạn cũng đã nghe rất nhiều lần lời khuyên là phải học tiếng Anh cho tốt để có cơ hội. Nghe nhiều đôi khi cảm thấy hơi sáo rỗng, tuy nhiên càng làm việc lâu ở môi trường quốc tế, mình thấy thực sự lời khuyên này càng… đúng. Với một môi trường đặc thù như Got It khi mình phải làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp ở Head Quarter tại Silicon Valley, ngôn ngữ tiếng Anh còn quan trọng hơn ngôn ngữ… lập trình. Việc trao đổi, tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình với các đồng nghiệp nói tiếng Anh cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, có một ví dụ trực quan đó là số lượng bài viết trên Wikipedia tiếng Việt là 1.2 triệu bài, trong khi số lượng bài viết trên Wikipedia tiếng Anh là 6.4 triệu bài. Chỉ việc biết thêm tiếng Anh, bạn đã có cơ hội tiếp cận với số lượng tri thức của nhân loại nhiều gấp hơn 5 lần, so với việc chỉ biết tiếng Việt. Không kể trong ngành lập trình, các tài liệu hầu hết cũng được viết bằng tiếng Anh.
Henry có muốn gửi gắm điều gì đến những bạn đọc vẫn còn đang chần chừ chưa apply vào Got It không?
if (bạn còn chần chừ) {
đọc-blog('https://vn.got-it.ai');
} else {
apply('https://jobs.lever.co/gotit');
}
Nếu bạn đọc đã có cơ hội tiếp xúc với Henry, chắc hẳn sẽ luôn thường trực nụ cười trên môi bởi những câu nói hài hước của cậu bạn này.
Vui vẻ, hài hước là thế, nhưng cứ hễ vào công việc, Henry lại vô cùng chuyên nghiệp và nghiêm túc.
Bạn mong muốn được làm việc dưới sự dẫn dắt của một leader tài năng và vui tính như Henry, thì hãy nhanh chóng apply tại: https://jobs.lever.co/gotit nhé!