Test plan là gì? Bài viết sẽ giải thích khái niệm quen thuộc mà bất cứ tester (kiểm thử viên) nào cũng phải biết. Đồng thời, Got It sẽ gợi ý cho các bạn 08 bước cơ bản để tạo nên một test plan đúng chuẩn.
Test plan là gì?
Test plan (kế hoạch kiểm thử) là tài liệu cần phải có đối với bất kỳ quá trình kiểm thử nào. Có thể hình dung Test plan như là chiếc “la bàn” mà tester dùng để định hướng đường đi của mình trong suốt quá trình kiểm thử.
Thông qua test plan, tester có thể biết được tất cả những thông tin cần thiết liên quan đến quá trình test sản phẩm. Đó có thể là những thông tin về nhân lực, mục tiêu, tài nguyên. Đó cũng có thể là lịch trình cho việc test một phần mềm hoặc phần cứng nào đó.
08 bước để có một test plan hoàn hảo
Bước 1. Phân tích sản phẩm
Đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ một quá trình kiểm thử nào. Bạn cần đặt ra những câu hỏi cơ bản nhất xoay quanh sản phẩm và đi tìm câu trả lời. Chẳng hạn như:
- Đối tượng sử dụng là ai?
- Mục đích sử dụng là gì?
- Cần có những phần mềm hay phần cứng nào?
Nghiên cứu và phân tích sản phẩm sẽ hạn chế được tối thiểu những sai lầm không đáng có sau này.
Bước 2. Xây dựng chiến lược kiểm thử
Chiến lược kiểm thử sẽ chi tiết hóa những nội dung như:
- Phạm vi test ra sao?
- Phần nào sẽ được test và phần nào không được test?
- Những hình thức test nào cần sử dụng?
- Những rủi ro và vấn đề nào có thể phát sinh trong quá trình test?
Bước 3. Xác định mục tiêu kiểm thử
Mỗi quá trình test sẽ có một mục tiêu khác nhau. Đó có có thể là tìm ra lỗi của phần mềm để tiếp tục phát triển, hay xác nhận phần mềm đã đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường chưa. Do đó, xác định đúng mục tiêu sẽ giúp cho việc test sản phẩm diễn ra được nhanh chóng và suôn sẻ hơn.
Bước 4. Xác định tiêu chí kiểm thử
Tiêu chí kiểm thử (Test Criteria) bao gồm hai loại chính là:
- Tiêu chí tạm dừng (Suspension Criteria): nếu không thỏa mãn các tiêu chí này thì quá trình test phải dừng lại. Ví dụ, nếu báo cáo cho thấy 40% trường hợp test thất bại, thì sẽ không tiếp tục quá trình test nữa. Nhóm test phải chuyển kết quả sang cho nhóm phát triển để khắc phục tất cả các lỗi hiện có.
- Tiêu chí thoát (Exit Criteria): là những điều kiện cần phải đạt được để có thể kết thúc quá trình test. Ví dụ, phần mềm được xem là phù hợp để đưa ra sử dụng nếu có 80% các trường hợp test thành công.
Bước 5: Lập kế hoạch về nguồn lực
Nguồn lực hay là các tài nguyên cho dự án test cũng là một vấn đề quan trọng. Nguồn lực có thể bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Đó có thể là con người, các thiết bị và vật liệu cần thiết để hoàn thành dự án. Điều này giúp người quản lý quá trình test có thể đưa ra một lịch trình phù hợp và ước lượng thời gian chính xác nhất để chạy dự án.
Bước 6: Xác định môi trường kiểm thử
Môi trường kiểm thử là tổng hợp tất cả những phần cứng và phần mềm mà cả team sẽ sử dụng. Kết quả của test plan sẽ phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố thuộc về môi trường kiểm thử. Môi trường test lý tưởng nhất khi cho phép tester giám sát mọi biến động của phần mềm trong điều kiện sử dụng thực tế.
Bước 7: Sắp xếp lịch hoạt động
Ở bước tiếp theo, bạn cần phải lên kế hoạch thực sự cho dự án. Bạn có thể chia cả quá trình thành những task (nhiệm vụ) nhỏ. Từ đó có thể dễ dàng phân bổ thời gian và nhiệm vụ chi tiết cho mỗi task.
Bước 8: Kiểm soát sản phẩm thử nghiệm
Trong suốt quá trình test, bạn cần phải lập dữ liệu test, ghi lại nhật ký test. Sau khi test xong, bạn cần đưa ra được kết quả quá trình test. Bên cạnh đó là những báo cáo lỗi, cũng như là ghi chú về việc phát hành (release notes).
Trên đây là những gì bạn cần làm để có một Test plan đúng chuẩn. Test plan càng chi tiết sẽ giúp cho Tester hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ Test Plan là gì, và thực hiện tốt công việc của mình hơn.
Got It Vietnam – Tham khảo: https://blog.bit.ai
[…] Test plan là gì? […]
[…] Test plan là gì?Dựa vào tài liệu nhận được trong giai đoạn đầu, Test Lead hoặc Test Manager sẽ lên kế hoạch kiểm thử phần mềm cho QA team để xác định một số yếu tố: […]