Software tester đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển phần mềm. Nếu bạn đang tò mò không biết Software tester làm gì cũng như cách để trở thành một Software tester thì hãy tham khảo bài viết dưới đây của Got It nhé!
Mục lục
Software tester làm gì?
Software tester là người kiểm thử phần mềm, đảm nhận vai trò kiểm tra các lỗi (bugs), khiếm khuyết (defects) của phần mềm trước khi phát hành.
Thông thường, các tester sẽ tham gia xuyên suốt quá trình phát triển phần mềm. Họ làm việc từ giai đoạn lập kế hoạch, thiết kế, cho đến khi đưa sản phẩm vào sử dụng. Nhiệm vụ chính của họ là thực hiện kiểm thử phần mềm theo hình thức thủ công (Manual Test) hoặc tự động (Automation Test), nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng, không bị lỗi. Về cơ bản, Software tester sẽ làm một số công việc sau:
- Xây dựng các bài test cast phù hợp với đối tượng kiểm thử
- Tham gia vào quá trình kiểm thử phần mềm
- Phân tích và báo cáo các lỗi, khiếm khuyết của phần mềm (nếu có)
- Thực hiện các công việc đảm bảo chất lượng khác
Các tester đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển phần mềm. Họ giúp người dùng cuối không phải làm việc với phần mềm có nhiều lỗi hoặc ứng dụng không hoạt động tốt. Đồng thời, họ cũng làm cho nhóm phát triển phần mềm trông “đẹp” hơn trong mắt khách hàng.
Hiện nay, rất nhiều phần mềm được đẩy qua các nhóm DevOps. Với DevOps, quá trình phát triển, kiểm thử và phân phối phần mềm được thực hiện theo một vòng lặp liên tục bằng cách sử dụng Agile hoặc Scrum frameworks.
Những kỹ năng cần thiết để trở thành một Software tester
Để trở thành một Software tester, bạn cần có một số kỹ năng cứng và kỹ năng mềm sau:
Kỹ năng cứng
Đối với một người kiểm thử phần mềm, kỹ năng cứng chính là hiểu viết về kỹ thuật kiểm thử. Dưới đây là một số kỹ năng cứng mà bất kỳ nhà kiểm thử phần mềm nào cũng phải có:
- Kiến thức nền tảng về Cơ sở dữ liệu (SQL): Các phần mềm đều chứa một lượng dữ liệu rất lớn. Những dữ liệu này được lưu trữ trong nhiều loại cơ sở dữ liệu như MySQL, Oracle… Vì thế, tester phải biết truy vấn SQL, kiểm tra xem dữ liệu đã được lưu trữ đúng hay chưa.
- Hiểu biết cơ bản về Linux: Phần lớn các phần mềm đều được triển khai trên hệ điều hành Linux. Do đó, các tester phải có kiến thức về Linux và các công cụ dòng lệnh tương ứng.
- Kiến thức về một số công cụ kiểm thử: Trong quá trình thực hiện kiểm thử phần mềm, các tester sẽ phải sử dụng rất nhiều công cụ kiểm thử khác nhau. Ví dụ như các công cụ quản lý (Test Management Tools), công cụ theo dõi lỗi phần mềm (Defect Tracking Tools).
- Thông thạo ngôn ngữ lập trình cơ bản: Tester cần có kiến thức về một số ngôn ngữ lập trình như Python, Java, JavaScript, C ++, C#, PHP… Trong đó, ngôn ngữ Python rất phù hợp với người mới làm quen với kiểm thử phần mềm.
Kỹ năng mềm
Bên cạnh những kỹ năng cứng nêu trên, Software tester cũng cần có một số kỹ năng mềm như: tư duy lập trình, giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian.
- Tư duy lập trình: Đây là một kỹ năng mềm cần thiết trong lĩnh vực phần mềm. Tester cần có tư duy lập trình để phân tích một hệ thống phần mềm thành các đơn vị nhỏ. Từ đó, tester có thể xây dựng các test case chính xác nhất.
- Giao tiếp: Các tester phải có khả năng giao tiếp tốt bằng cả văn bản và lời nói. Giao tiếp bằng văn bản tốt giúp tester tạo ra những tài liệu như test case, báo cáo lỗi… dễ đọc và dễ hiểu. Giao tiếp bằng lời giúp tester truyền đạt nội dung đến nhóm phát triển phần mềm hiệu quả hơn.
- Làm việc nhóm: Tester cần phải có kỹ năng làm việc nhóm để phối hợp với các bên liên quan như nhóm phát triển phần mềm, khách hàng.
- Quản lý thời gian: Tester rất cần kỹ năng quản lý thời gian khi kiểm thử phần mềm. Kỹ năng này giúp tester chủ động trong quá trình kiểm thử và tối ưu được hiệu quả công việc.
Qua bài viết này, Got It hy vọng các bạn sẽ có được cái nhìn khái quát về Software tester. Nếu bạn muốn trở thành một Software tester, hãy lên kế hoạch phát triển các kỹ năng Got It đã chia sẻ nhé!