Không ít người nghĩ rằng QA và QC giống nhau và có thể hoán đổi được cho nhau, nhưng điều này không đúng. Vậy QA khác QC như thế nào? Cả hai đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhưng khác nhau về tính chất công việc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về QA, QC và phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.
1. QA là gì? Nhiệm vụ của QA
QA (viết tắt của Quality Assurance) là người chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra thông qua việc đưa ra quy trình làm việc giữa các bên liên quan. QA thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Đề xuất, đưa ra quy trình phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu của dự án. Các quy trình này sẽ được phát triển dựa trên V-model hay Agile. Hoặc áp dụng những quy trình quản lý đã có sẵn như ISO hay CMMI
- Đưa ra tài liệu và hướng dẫn để chất lượng của sản phẩm được đảm bảo.
- Kiểm tra và duyệt việc thực thi quy trình của các bộ phận trong nhóm sản xuất, kiểm soát việc làm sản phẩm có đúng quy trình mà QA đã đề ra hay không.
- Theo dõi và nhắc nhở đội ngũ phát triển sản phẩm tuân thủ đúng quy trình làm việc.
- Điều chỉnh và thay đổi quy trình làm việc sao cho phù hợp với từng sản phẩm mà nhóm đang thực hiện.
2. QC là gì? Nhiệm vụ của QC
QC (viết tắt là Quality Control) là người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra chất lượng của sản phẩm. QC có 2 vị trí thường gặp là Manual QC (không yêu cầu kỹ năng lập trình) và Automation QC (cần có kỹ năng lập trình). QC thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu hệ thống và phân tích các tài liệu mô tả về hệ thống. Thực hiện việc kiểm thử phần mềm trước khi bàn giao cho khách hàng.
- Lên kế hoạch kiểm thử cho sản phẩm
- Nếu áp dụng kiểm thử tự động, QC có nhiệm vụ viết script cho Automation Test
- Phối hợp với lập trình viên trong việc fix bug và làm báo cáo cho người quản lý dự á hoặc các bên liên quan.
3. QA khác QC như thế nào?
QA khác QC như thế nào sẽ thể hiện rõ khâu kiểm thử phần mềm, đây là một giai đoạn rất quan trọng trong quy trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm. QC và QA sẽ tương tác với nhau như sau:
- QA đưa ra quy trình làm việc cho nhóm phát triển sản phẩm. Tại khâu kiểm thử, sẽ có quy định QC kiểm thử sản phẩm ở giai đoạn nào, dùng công cụ gì và áp dụng tiêu chuẩn nào để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu.
- QC có nhiệm vụ thực thi quy trình mà QA đã đề ra
- QA có nhiệm vụ giám sát, theo dõi QA có thực hiện đúng quy trình hay không. Từ đó điều chỉnh để phù hợp với tiến độ thực tế của dự án.
- QC sẽ báo cáo kết quả test cho trưởng bộ phận QC. QA sẽ báo cáo kết quả thực thi quy trình cho trưởng dự án.
Như vậy, QA và QC là hai lĩnh vực có liên quan với nhau nhưng có nhiệm vụ hoàn toàn tách biệt. QA bao quát tổng thể chất lượng của hệ thống, QC sẽ kiểm tra chất lượng cụ thể của sản phẩm hoàn thiện hoặc các công đoạn.
Tuỳ theo từng công ty và sản phẩm đang phát triển mà QA và QC sẽ làm những nhiệm vụ “giao” nhau hoặc cả 2 đều là 1. Do đó bạn nên phân biệt rõ QA khác QC như thế nào và xác định đúng hướng đi của mình để có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.