Dù xu hướng ngày nay đã có ít nhiều thay đổi, song con gái làm IT vẫn có thể được coi là “những bông hoa hiếm có khó tìm”.
Uyên Trần: Cuộc trò chuyện ngày hôm nay của chúng ta có chị Hoà, người đã làm Developer hơn 10 năm và cả Sam, Ellie, những cô bạn Testers mới tốt nghiệp vài năm. Vậy không biết những lý do đến với ngành IT của chị Hoà và Sam, Ellie có gì khác nhau không?
Chị Hoà: Vào thời của chị, những nghề hot nhất thường là giáo viên, kinh tế,… Thế nhưng, chị chỉ biết mình có hứng thú với mấy môn khoa học kỹ thuật. Biết con gái có sở thích như vậy, bố đã chọn cho chị ngành Toán – Tin ứng dụng. Khi mới lên đại học, chị chỉ đi theo lựa chọn của bố mà cũng không biết rõ học ngành này ra trường sẽ làm nghề gì. Nhưng càng học sâu hơn về tin học, chị mới biết đến nghề lập trình và thấy con đường này hoàn toàn phù hợp với mình.
Sam: Khi mình còn học cấp 2, máy tính như một “hiện tượng mới nổi”. Nhà có máy tính là mình thích lắm, chỉ thích ngồi nghịch chơi, tìm hiểu xem nó hoạt động thế nào. Các bạn nữ khác thì thích đọc truyện, xem hoạt hình, còn mình chỉ trực chờ các tập “Khoa học và đời sống” trên VTV2, rất thích tìm tòi về thế giới công nghệ. Thế rồi từ nhỏ đến lớn chỉ học chuyên tự nhiên và “dốt đặc” mấy môn xã hội, không có gì bất ngờ nếu mình chọn học ngành công nghệ sau này phải không? 🤣🤣🤣
Ellie: Khác với chị Hoà và Sam, mình vốn theo học ngành kiểm toán ở Mỹ từ đầu. Đến năm ba, mình mới quyết định đăng ký thêm ngành Computer Information System trong trường vì nhận thấy IT là ngành phát triển mạnh mẽ. Ngày tốt nghiệp, cầm trên tay một tấm bằng với hai chuyên ngành, mình vẫn liều mạng về nước, apply làm Engineer ở Got It. Cuối cùng, mình được Got It gợi ý trở thành Test Automation Engineer để phù hợp với background học tập hiện tại.
Uyên Trần: Vậy kể từ khi quyết định học IT cho đến lúc đi làm thực tế, mọi người thấy con gái có gặp bất kỳ trở ngại nào không?
Chị Hoà: Vào thời của chị, có rất ít Developer là nữ nên không phải ai cũng quen với hình ảnh các bạn gái ngồi máy tính code. Thế nên, mọi người vẫn giữ suy nghĩ: “Con gái làm IT thì sao làm được việc này, việc kia?”. Vì vậy, nữ coder thường chỉ được giao những phần việc đơn giản thay vì các bài toán khó, phức tạp như nam giới.
Đến khi lập gia đình và chuẩn bị có em bé, chị cũng nghe được những lời nói không được thuận tai như: “Biết thế chỉ tuyển những đứa không đẻ…”, bởi công việc của chị phải chia lại cho nhiều người khác mà không có ai backup. Khi ấy, chị cũng khá buồn và giận, vì không cảm thấy người phụ nữ được cảm thông và thấu hiểu.
Nhưng làm nghề được hơn 10 năm, chị thấy những định kiến về con gái làm IT khi xưa dần biến mất và môi trường làm việc bây giờ cũng trở nên bình đẳng hơn rất nhiều. Các bạn nữ được tôn trọng hơn và được trao những cơ hội sòng phẳng. Quan trọng nhất là một khi đã muốn làm gì, các bạn nữ phải thật tự tin khẳng định mình, nói vui thì là “không được ngán bố con thằng nào” đấy 🤣.
Ở Got It, chị Hoà luôn là một người chị cực ngầu và rất vui tính với đàn em
Sam: Cũng khá giống những gì chị Hoà chia sẻ, mình lại nhớ đến khi phải làm các bài tập lớn thời còn đi học. Trong 1 nhóm thường sẽ có tới 4 bạn con trai và 1 bạn gái. Bằng một cách vô hình nào đó, các bạn nam sẽ chia cho các bạn gái làm những phần việc nhỏ như nghiên cứu giấy tờ, viết báo cáo.
Ban đầu, mình từng nghĩ liệu có phải năng lực mình không đủ tốt, nên các bạn nam mới không chia cho mình những công việc chính. Nhưng mãi sau này, khi dám nói lên điều mình trăn trở, mình mới hiểu rằng hoá ra các bạn nam trong ngành IT thường rất ưu ái các bạn nữ nên không muốn họ phải làm việc khó, chứ không có ý phân biệt gì cả. Vì thế, đúng như chị Hoà nói, các bạn nữ đừng ngần ngại bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của mình, bởi các bạn nam giờ đã trở nên tâm lý và biết cảm thông hơn rất nhiều.
Ellie: Hồi mình học ở Mỹ, một lớp có 40 sinh viên thì chỉ có 2, 3 bạn là nữ. Bởi vậy, mình nghĩ khi con gái học IT sẽ khó tìm được nhiều “đồng môn” hơn các môn xã hội. Nếu như khi học lớp kinh tế, mình có cả một hội để tíu tít hỏi chuyện bài vở, thì sang lớp IT chỉ làm quen được vài bạn thôi. Bởi thế, tinh thần tự học, tự mày mò và không dựa dẫm vào ai cũng vô cùng quan trọng. Thế nhưng, thông tin ngày nay đã được chia sẻ rộng rãi hơn nhiều trên các phương tiện khác nhau nên mình tin việc tự học cũng không còn quá khó khăn nữa.
Nhìn chung, những khó khăn chỉ chủ yếu nằm ở mặt tinh thần, và mình tin các bạn nữ chỉ cần chuẩn bị tâm thế vững chắc một chút là có thể vượt qua. Thậm chí, khi đi làm một thời gian, mình còn thấy con gái có nhiều lợi thế riêng khi làm IT. Tính các bạn nữ vốn cẩn thận, tỉ mỉ, nên các sản phẩm đưa cho bên kiểm thử đôi khi cũng được trau chuốt hơn. Ngoài ra, khả năng giao tiếp hoạt bát, khéo léo hàng ngày cũng là một lợi thế để các bạn làm việc hiệu quả hơn cùng đồng nghiệp của mình.
Uyên Trần: Sau khi làm trong nghề được nhiều năm, chị Hoà và Sam cùng Ellie có muốn dành lời khuyên gì cho các bạn nữ chuẩn bị bước vào nghề, hay chính bản thân mình khi còn trẻ không?
Chị Hòa: Một bài học xương máu đến giờ chị nhận ra có lẽ là việc học Tiếng Anh. Chị cũng từng được thi học sinh giỏi Tiếng Anh hồi cấp 2 đấy, nhưng về sau không chú trọng và tự lấy nhiều lý do để bào chữa cho sự lười biếng nên đến giờ mới thấy tiếc. Chị khuyên các bạn hãy nghiêm túc nâng cao trình độ Tiếng Anh của mình vì nếu muốn đi xa hơn trong nghề, các bạn phải đọc – hiểu nhiều tài liệu, biết thuyết trình, làm việc cùng nhiều đồng nghiệp, đối tác nước ngoài để phát triển những sản phẩm lớn.
Ellie: Thực tế, IT là một ngành rất rộng với nhiều vị trí khác nhau: Từ Backend, Frontend Developer đến Manual Tester, Test Automation Engineer,…Mỗi vị trí lại yêu cầu những kiến thức, kỹ năng khác nhau nên khi định hướng nghề nghiệp, các bạn cũng nên tìm hiểu trước về những tech stacks mình thích. Mình ước rằng bản thân đã tự tìm tòi những kiến thức về kiểm thử tự động sớm hơn bởi khi đã có một nền tảng vững chắc, bạn có thể tiếp tục phát triển nhanh hơn rất nhiều thay vì bắt đầu từ con số 0.
Sam: Để chuẩn bị một tâm thế vững vàng hơn, các bạn sinh viên cũng có thể đi thực tập tại nhiều công ty trong quá trình đi học. Chỉ khoảng 2, 3 năm sau, bạn đã có thể trau dồi được được nhiều kiến thức, kinh nghiệm như người đi làm nên khi ra trường chắc chắn sẽ tự tin, dễ xin được việc làm chính thức hơn.
Nhưng sau tất cả, làm được nghề IT có lẽ quan trọng nhất vẫn nằm ở sở thích. Có thể bạn học giỏi, hoặc thấy ngành này đang hot rồi đi theo số đông nhưng lại không thực sự có có đam mê với công nghệ, bạn sẽ sớm cảm thấy chán nản, mệt mỏi. IT là một môi trường khốc liệt thay đổi đến từng giây, nên nếu không có đủ động lực cho chính mình, bạn sẽ dễ bị đào thải một ngày không xa dù bạn là bất cứ ai.
Có thể thấy rằng, môi trường IT ngày nay đã có rất nhiều thay đổi, mở ra những cơ hội đầy sòng phẳng cho những bạn nữ sẵn sàng dấn thân và khẳng định mình. Nếu xung quanh bạn còn bất kỳ một trở ngại hay giới hạn nào ràng buộc thì hãy nhanh chóng thoát khỏi nó. Bởi, phụ nữ có tiếng nói riêng và mang trong mình sức mạnh để làm nên những điều lớn lao như bất kể ai khác nếu biết cách tìm ra và sử dụng nó.