Trong các năm gần đây, Mindmap được xem là một trong những cách tư duy đơn giản và hiệu quả. Tuy vậy, không phải ai cũng biết nó là gì, có lợi ích ra sao cũng như cách để lập Mindmap đúng chuẩn. Do đó, Got It sẽ trả lời giúp bạn các câu hỏi đó trong bài viết hôm nay. Cùng tìm hiểu với tụi mình nhé!
Mục lục
Mindmap là gì?
Mindmap hay còn gọi là sơ đồ tư duy, là một trong những phương pháp đơn giản nhưng giúp phát triển tư duy hiệu quả. Sơ đồ này được biểu thị dưới dạng một sơ đồ hình vẽ, dùng để diễn đạt một lượng lớn thông tin, kiến thức, ý tưởng hoặc vấn đề.
Bạn có thể hiểu đơn giản, Mindmap giống như một bức tranh tổng quát bao gồm tất cả những thông tin chính được tóm tắt ngắn gọn và dễ hiểu. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng hình ảnh để minh họa cho các thông tin trong mindmap. Mindmap của bạn càng trực quan thì bạn càng dễ tiếp thu thông tin và đưa ra ý tưởng nhanh hơn.
Tại sao nên học cách tư duy bằng Mindmap?
Đối với những bạn đang bắt đầu học cách tư duy, phương pháp Mindmap được xem là công cụ giúp phân tích vấn đề, giúp bạn xây dựng lối tư duy riêng. Dưới đây là một số lợi ích khi bạn học tư duy bằng Mindmap.
Dễ dàng tìm ra bản chất của vấn đề
Khi sử dụng Mindmap, vấn đề của bạn sẽ được phân thành các nhánh nhỏ. Hay nói cách khác, những thông tin trọng tâm sẽ được chia ra thành nhiều nhánh nhỏ. Bạn có thể chú thích mối quan hệ liên kết hoặc bổ sung cho các nhánh nhỏ này. Khi đó, bạn có thể dễ dàng tìm ra gốc rễ nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết cho từng phần nhỏ trong vấn đề bạn đang gặp phải.
Hệ thống thông tin tinh gọn
Mindmap là một trong những công cụ giúp lưu trữ và hệ thống thông tin nhanh nhất. Vì các ý tưởng lớn nhỏ, riêng lẻ trong sơ đồ đều được tóm tắt lại rất đơn giản. Chỉ cần trong nháy mắt, bạn có thể dễ dàng hiểu được mối quan hệ giữa những ý tưởng này. Từ đó, bạn có thể dễ dàng nhìn ra bức tranh tổng quát của mọi vấn đề, mọi thông tin. Sau đó, bạn có thể lựa chọn phương pháp giải quyết hoặc có thể tư duy não bộ dễ dàng hơn.
Lên kế hoạch công việc logic, khoa học
Có thể bạn không biết, Mindmap còn được sử dụng trong nhiều dự án lớn nhỏ. Ví dụ, khách hàng yêu cầu nhóm của bạn thiết kế một phần mềm với các yêu cầu và tính năng riêng biệt. Khi đó, điểm trung tâm của sơ đồ sẽ là tên phần mềm, những nhánh nhỏ sẽ là các phần quan trọng khi thiết kế phần mềm. Và trong những nhánh nhỏ này, bạn sẽ thêm vào các yêu cầu và tính năng khách hàng muốn có trong phần mềm đó. Và cuối cùng bạn có thể phân công công việc cho mỗi người dựa trên những nhánh nhỏ đó. Như vậy, nhóm của bạn có thể thực hiện dự án theo một trình tự logic, không bỏ sót bất kỳ mục quan trọng nào.
Phát huy khả năng tư duy sáng tạo
Ngoài việc phát triển tư duy logic và có hệ thống, sử dụng Mindmap còn giúp bạn phát huy khả năng sáng tạo. Vì khi vận dụng nó, bạn sẽ đồng thời sử dụng cả não phải và não trái để phân tích thông tin. Nhờ các hình ảnh trực quan, bạn có thể sẽ tìm ra được những ý tưởng hay, khám phá ra hướng giải quyết mới lạ,…
Hướng dẫn học cách tư duy bằng Mindmap
Mindmap được chia thành 2 phần:
- Điểm trung tâm chính là ý tưởng lớn hay vấn đề bạn muốn giải quyết, đây cũng là điểm nút nơi các nhánh tỏa ra.
- Nhánh là những ý tưởng nhỏ hơn có liên quan mật thiết với nội dung chính. Ở các nhánh này, bạn có thể tiếp tục vẽ ra những nhánh nhỏ hơn để làm rõ nội dung hay đưa ra gợi ý cho nhánh lớn.
Dưới đây là các bước lập Mindmap đúng chuẩn:
Bước 1: Xác định từ khóa chính, ý tưởng lớn hoặc vấn đề mấu chốt cần giải quyết.
Bước 2: Vẽ điểm trung tâm ở giữa tờ giấy trắng hoặc bảng trắng. Bạn nên sử dụng màu sắc, ký tự lớn hoặc hình ảnh để làm nổi bật nội dung chính.
Bước 3: Vẽ những tiêu đề phụ (nhánh cấp 1). Nên viết chữ in hoa và vẽ theo hướng góc chéo để có thể vẽ ra nhiều nhánh khác dễ dàng hơn.
Bước 4: Vẽ nhánh cấp 2, cấp 3,… Các bạn nên vẽ nhánh cấp 2 nối tiếp vào nhánh cấp 1 và nhánh cấp 3 nối vào cấp 2. Ngoài ra, bạn nên chọn 1 màu riêng biệt cho tất cả các nhánh của một ý để dễ dàng kết nối tất cả ý tưởng và nội dung. Lưu ý nên sử dụng những cụm từ khóa, ký hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh để sơ đồ không bị chi chít chữ, làm bạn khó tư duy hơn.
Hy vọng phương pháp Mindmap mà Got It vừa chia sẻ sẽ giúp các bạn cải thiện được cách tư duy của bản thân, giải quyết vấn đề khoa học và logic hơn.