Mỗi ngành nghề đều có những cách thực hiện công việc được xem là chuẩn mực. Với lập trình viên, clean code là một trong số đó. Vậy clean code là gì? Hãy cùng Got It đi sâu vào clean code cũng như lý do cần áp dụng clean code nhé!
1. Clean code là gì?
Trong giới lập trình, dev (developer – lập trình viên) không chỉ viết code (mã) để giao tiếp với máy tính. Thực ra, đó cũng là cách để các dev giao tiếp gián tiếp với nhau bằng ngôn ngữ lập trình. Nhờ vậy mà họ mới có thể hiểu được logic đằng sau những đoạn code của nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách tiếp cận lập trình như vậy. Thực tế, dev mới vào nghề thường chỉ viết code tùy ý với mục tiêu “chạy được là ngon rồi”. Do đó, code của họ luôn rối rắm và khó hiểu.
Cũng vì thế, code của họ thường khó được các dev lâu năm quan tâm và tái sử dụng. Hãy thử nghĩ đến những đoạn code rối rắm, phi logic, liệu bạn có muốn dành hàng giờ liền để đọc nó? Thay vào đó, các senior (những lập trình viên đã dày dặn kinh nghiệm) thường chọn cách viết lại cả đoạn code rối rắm đó. Và cho dù có chọn cách nào đi nữa, chúng đều rất tốn thời gian và công sức bỏ ra.
Sau khi có quá nhiều trường hợp tương tự xảy ra, thuật ngữ clean code (code sạch) được ra đời. Có thể nói, code sạch là cách viết code để người khác dễ đọc hiểu và dễ thay đổi code.
Bạn có thể nghĩ về việc viết code sạch giống như khi xây một ngôi nhà vậy. Nhà phải có nền móng và kiến trúc tốt thì mới vững chắc. Do đó khi viết code sạch, bạn cần phải hiểu rõ vấn đề trước khi bắt đầu viết code. Về lâu dài, điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi bảo trì code.
2. Như thế nào là clean code?
2.1. Dễ đọc hiểu
Code sạch thì phải dễ đọc, dễ hiểu và không gây hiểu lầm về mục đích, ý nghĩa. Nói cách khác, bạn chỉ cần biết lập trình là sẽ đọc hiểu code dù bạn không viết ra nó. Cụ thể hơn, code phải giúp người đọc dễ hiểu ở những khía cạnh sau:
- Cách vận hành của toàn bộ ứng dụng
- Sự tương tác giữa các object (đối tượng)
- Vai trò, chức năng của mọi class (lớp)
- Chức năng của tất cả method (phương thức)
- Mục đích của mỗi expression (biểu thức) và biến (variable)
2.2. Dễ thay đổi
Code sạch là code phải dễ mở rộng, tái cấu trúc hay sửa lỗi trong codebase. Có nghĩa là khi ta thực hiện thay đổi trên code thì chức năng gốc vẫn hoạt động bình thường. Để được như vậy, code phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Class và method phải được khai báo gần, nhỏ và chỉ có một chức năng duy nhất
- Class phải có open API (open application programming interface – giao diện lập trình ứng dụng mở) rõ ràng, ngắn gọn
- Chức năng của class và method phải hoạt động bình thường và có thể dự đoán được
- Dễ kiểm thử code, đã có sẵn hoặc dễ viết test case của component testing (kiểm thử thành phần)
- Người đọc có thể dễ dàng hiểu được và thay đổi test
3. 5 lý do cần phải viết clean code
Mục tiêu của dev là tối đa hóa ROI (return on investment – lợi tức đầu tư) cho chủ dự án. Để đáp ứng mục tiêu đó, họ phải giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng, bảo trì phần mềm. Không chỉ vậy, dev còn phải tối đa hóa lợi ích mà phần mềm mang đến cho user (người dùng). Đây cũng chính là lúc code sạch trở nên cực kỳ hữu ích.
Với code sạch, dev có thể tăng giá trị tổng thể và giảm chi phí tổng của phần mềm. Tất cả đều nhờ vào những đoạn code đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ test và dễ bảo trì. Có thể thấy rằng giá trị kinh tế của việc đầu tư vào code sạch là tương đối lớn. Để Got It phân tích cụ thể để bạn thấy nhé!
3.1. Đơn giản hóa phần mềm với clean code
Mỗi đoạn code mà dev viết ra đều tạo thêm ít nhất một lỗi tiềm ẩn cho phần mềm. Bằng cách viết code đơn giản, phần mềm sẽ chỉ gồm có các đoạn code cần thiết mà thôi. Nhờ đó, dev có thể viết code chất lượng hơn và giải quyết lỗi phát sinh nhanh hơn.
3.2. Dev có thể phân tích clean code dễ dàng
Để nâng cấp một đoạn code thì dev cần phải xác định được đoạn code đó dễ dàng, nhanh chóng. Do đó, trên thực tế, dev sẽ dành nhiều thời gian để đọc, phân tích code hơn là viết code. Với đặc tính dễ đọc, code sạch sẽ giúp giảm thiểu tối đa quãng thời gian phân tích code này. Việc này giúp dev có thể dành thời gian để làm việc khác giúp tăng giá trị phần mềm.
3.3. Clean code giúp giảm thiểu rủi ro có lỗi
Nhờ có code sạch, dev sẽ cắt giảm được lượng thời gian cần thiết để hiểu phần mềm sâu hơn. Qua đó, dev sẽ biết phải làm gì để nâng cấp, sửa đổi, hay gỡ lỗi phần mềm nhanh hơn.
Ngoài ra, các dev mới vào nhóm cũng cần phải hiểu code thì mới được tham gia vào dự án. Với bộ nguyên tắc chung để code sạch, họ có thể hiểu ý nghĩa của code dễ hơn rất nhiều. Từ đó, code sạch sẽ giảm thiểu rủi ro xảy ra bất cứ sai sót, lỗi hay hiểu lầm nào.
3.4. Nhờ clean code, debug chỉ là chuyện nhỏ
Để sửa lỗi, điều đầu tiên là dev phải hiểu được lỗi cũng như đoạn code gây ra lỗi đó. Với đặc tính dễ đọc hiểu, code sạch sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Dev có thể đọc code tìm ra nguyên nhân ngay lập tức mà không cần phải chạy debug (gỡ lỗi).
Hơn nữa, nhờ code sạch dễ thay đổi, dev có thể vá lỗi mà không ảnh hưởng đến phần mềm. Thông qua đó, phần mềm sẽ được cải thiện chất lượng code và giảm số lượng lỗi tiềm ẩn. Tất cả các yếu tố này đều giúp tăng ROI của dự án phần mềm.
3.5. Clean code tối ưu hóa việc bảo trì
Ở đây, bảo trì phần mềm không phải và không liên quan đến việc sửa lỗi. Thực ra, nó là quá trình nâng cấp phần mềm với tính năng mới hoặc thay đổi tính năng cũ. Bất kỳ phần mềm nào cũng cần có thêm tính năng hoặc thực hiện những điều chỉnh nhất định.
Tuy nhiên, nếu quá trình này xảy ra vấn đề sẽ khiến dự án bị đội thêm chi phí. Theo thời gian, chi phí bảo trì phần mềm sẽ ngày càng phình to ra. Bằng code sạch dễ bảo trì, phần mềm sẽ được nâng cấp, thay đổi dễ dàng và ít tốn kém. Đây là một trong các giá trị kinh tế tiềm ẩn lớn nhất mà code sạch mang lại. Nó giúp dev hạn chế tối đa một trong những chi phí tốn kém nhất của dự án phần mềm.
Tóm lại, đặc trưng của code sạch là dễ đọc hiểu, dễ thay đổi, dễ debug và dễ bảo trì. Áp dụng code sạch không chỉ tối ưu hóa quá trình phát triển phần mềm mà còn giúp quá trình sửa đổi, bảo trì sau này dễ dàng hơn. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn nắm rõ khái niệm clean code là gì và tại sao cần viết code sạch.
Happy coding!
Theo cvuorinen & matthewrenze