Chắc hẳn các bạn đã từng tò mò không biết thuật ngữ backend developer là gì mỗi khi thấy nó xuất hiện trên các trang báo hay diễn đàn về công nghệ rồi nhỉ? Ở bài viết này, Got It sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về thuật ngữ này mà không cần phải tìm kiếm ở đâu xa!
Mục lục
Backend developer là gì?
Backend developer là người sẽ chịu trách nhiệm với những gì liên quan đến phần backend của website. Những đoạn mã lệnh mà các backend developer viết ra sẽ là cầu nối thông tin giữa database và trình duyệt của người dùng hay còn được gọi máy khách (client). Backend developer không làm việc đơn lẻ mà thường làm việc trong nhóm từ hai người trở lên. Mỗi người trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm một hoặc vài mảng backend mà họ chuyên.
Các bạn có thể hiểu đơn giản là: Nếu frontend developer là người thiết kế phần giao diện bắt mắt, thì backend developer là người xử lý mọi vấn đề nghiệp vụ phức tạp ở ẩn phía sau, giúp cho các chức năng của website có thể hoạt động trơn tru.
Vai trò và trách nhiệm của backend developer là gì?
Trước khi nói về những kỹ năng backend developer cần học gì thì chúng ta cần phải nắm được vai trò và trách nhiệm của backend developer gồm những gì trước. Chỉ khi đó thì ta mới có thể liên kết lại và chỉ ra những gì cần học để phục vụ cho công việc đó. Dưới đây là những vai trò và trách nhiệm chính mà lập trình viên backend thường phải đảm nhiệm:
- Phối hợp với frontend developer để phát triển thuật toán (algorithm) và logic phía máy chủ (server-side) cho các ứng dụng của website
- Phân tích và hiểu rõ các mục tiêu khi xây dựng website, xử lý lỗi và đưa ra giải pháp
- Phát triển và tối ưu mã lệnh của các ứng dụng web cũ và mới. Đẩy mạnh thời gian phản hồi, tối ưu hóa hiệu năng và tài nguyên cũng như giảm thời gian tải (load)
- Phát triển các mô-đun (module) mới hay những đoạn mã lệnh có thể tái sử dụng để thuận tiện hơn khi lập trình
- Quản lý database và đảm bảo quyền truy cập dữ liệu cho những nhóm người dùng khác nhau
- Xây dựng và quản lý giao diện lập trình ứng dụng API (Application Programming Interface)
- Thiết kế, xây dựng kiến trúc website và server
Tóm lại thì backend developer thường chủ yếu làm việc liên quan đến những thứ sau:
- Ngôn ngữ lập trình server-side
- Database và bộ nhớ đệm (cache)
- Server
- API
Backend developer cần học gì?
Dựa vào những vai trò và trách nhiệm của backend developer, chúng ta có thể rút ra được để lập trình backend thì cần phải học:
1. Ngôn ngữ lập trình server-side
Một khi đã quyết định sẽ trở thành backend developer thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn các ngôn ngữ lập trình server-side làm người bạn đồng hành trong suốt hành trình sự nghiệp của mình. Vì có khá nhiều ngôn ngữ server-side nên mỗi công ty, tập đoàn công nghệ sẽ sử dụng những loại ngôn ngữ khác nhau. Do đó, Got It khuyên bạn nên ưu tiên chọn những ngôn ngữ lập trình backend phổ biến nhất để có nhiều cơ hội nghề nghiệp nhất trong ngành này.
2. Database
Database là một phần không thể thiếu khi làm backend, dùng để lưu trữ dữ liệu và lưu tải bộ nhớ máy chủ của website. Do đó, backend developer cần phải nắm rõ cách tổ chức và lưu trữ dữ liệu thành một hệ thống quy củ để các công việc quản trị database được thực hiện nhanh nhất. Ngoài ra, họ cũng cần phải trau dồi thêm kiến thức về cấu trúc dữ liệu và các hệ thống database SQL (như MySQL và Microsoft SQL Server) cũng như hệ thống database NoSQL (như Redis và MongoDB).
3. API
Chúng ta có thể miêu tả API như “người trung gian” giúp hai ứng dụng tương tác, trao đổi dữ liệu với nhau. Mỗi khi bạn sử dụng Facebook, thanh toán Paypal hay chỉ đơn giản như việc kiểm tra thời tiết đều là những ví dụ của việc sử dụng API. Backend developer phải nắm rõ những thành phần quan trọng của API, cách thức API hoạt động cũng như phải biết cách sử dụng API trên nền tảng web (web API), API trên hệ điều hành và các API framework lập trình.
4. Web Server
Backend developer cần nắm được khái niệm của web server ở khía cạnh phần cứng lẫn phần mềm và mối liên kết giữa server – client. Ngoài ra, bạn còn phải biết các web server khác nhau như thế nào, giới hạn của chúng ra sao cũng như cách lập trình ứng dụng để tối ưu những hạn chế đó. Đồng thời bạn cũng cần phải biết sử dụng và có kiến thức chuyên môn của ít nhất một phần mềm quản lý server như Apache hay Nginx.
5. Framework lập trình
Để thuận tiện hơn trong việc lập trình backend, bạn phải hiểu rõ và biết sử dụng ít nhất một framework phổ biến của ngôn ngữ lập trình. Ví dụ như với Java thì bạn sẽ phải biết dùng những framework “lì mặt” như Spring hoặc Hibernate, còn với Python thì sẽ là Flask, Django hoặc CherryPy.
Tóm lại, nếu muốn trở thành một backend developer xuất sắc thì bạn cần phải đầu tư nhiều thời gian để tiếp thu kiến thức và thực hành. Vì vậy, Got It khuyên bạn nên bắt đầu trau dồi kiến thức backend ngay từ hôm nay, tham gia vào những dự án đơn giản và nâng dần độ khó lên. Hy vọng qua bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu hơn về backend developer là gì và cần học những kỹ năng nào!
Got It Vietnam – Tham khảo Squareboat
[…] tác bởi người dùng, phần hậu trường này lại rất quan trọng với website. Backend cung cấp các chức năng mượt mà cho website và là cây cầu bắc ngang giữa client […]
[…] như frontend là những gì bạn có thể thấy ngay trên giao diện thì backend là những thứ vô hình nằm đằng sau giao diện trực quan. Backend bao gồm ba phần […]
[…] dụng bởi hàng triệu người dùng trên toàn cầu? Chúng tôi đang tìm kiếm một Backend Developer xuất sắc nhất để gia nhập vào đội ngũ Software Engineer, Research Engineer, Product […]