Đối với các bạn yêu công nghệ, câu hỏi Silicon Valley là gì đã không còn quá xa lạ. Ai cũng biết Silicon Valley nổi tiếng vì có nhiều công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như: Facebook, Google, v.v. Hãy cùng Got It Vietnam khám phá thêm về mảnh đất được coi là “thánh đại” của dân IT nhé!
Mục lục
Silicon Valley là gì?
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rằng Silicon Valley không chỉ là một thung lũng hay thành phố. Có nhiều quan điểm khác nhau về độ rộng của Silicon Valley, tuy nhiên thông thường nhiều người sẽ coi Silicon Valley bao gồm phía Bắc của thung lũng Santa Clara và một số khu vực quanh bán đảo phía Nam của San Francisco cùng vịnh Đông.
Nguồn gốc của từ “Silicon” đến từ việc sử dụng mạnh mẽ chất silicon trong các thiết bị bán dẫn – một phần quan trọng của bo mạch máy tính. Còn từ “Valley” nhằm ám chỉ Thung lũng Santa Clara, nơi nhiều người cho là trung tâm của Silicon Valley.
Những công ty nào đang đặt trụ sở tại Silicon Valley?
Silicon Valley nổi tiếng với việc là nhà của rất nhiều gã khổng lồ công nghệ. Nhiều đại bản doanh của các công ty này đã chiếm một diện tích rất lớn của Silicon Valley. Có thể kể đến tổng hành dinh Mountain View của Google và trụ sở của các công ty công nghệ khổng lồ như Tesla, Twitter, Facebook, v.v.
Theo thống kê của Investopedia.com, hiện nay có khoảng 39 công ty trong danh sách Fortune 1000 của Mỹ đang có trụ sở tại Silicon Valley. Ngoài những công ty lớn về công nghệ thông tin, nhiều công ty ở những lĩnh vực khác như Visa hay Chevron cũng đặt tổng hành dinh tại Silicon Valley.
Ngoài ra, một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới – Đại học Stanford, cũng đang toạ lạc tại mảnh đất này. Sự xuất hiện của ngôi trường tại Silicon Valley giúp các gã khổng lồ công nghệ này có thể tuyển được những tân kỹ sư xuất sắc nhất cả nước. Đồng thời, các nhân tài trên khắp cả nước cũng bị thu hút bởi mức lương cũng như quyền lợi khổng lồ mà các công ty này sẵn sàng chi trả cho nhân viên của mình.
Sự thịnh vượng và đắt đỏ tại Silicon Valley
Do đó, hoàn toàn không ngoa khi nói rằng Silicon Valley là cái nôi của những thiên tài công nghệ thông tin nước Mỹ. Sự xuất hiện của những Start-up kì lân thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm từ mọi vùng đất. Điều này khiến khu vực này trở thành 1 trong những vùng đất giàu có nhất thế giới. Vào năm 2017, The Guardian đưa tin GDP bình quân đầu người của khu vực đạt 128.308$, lớn hơn gấp đôi so với trung bình của người dân Hoa Kỳ cùng năm.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực đắt đỏ nhất thế giới. Theo trang Business Insider, giá nhà bán tại đây trung bình là 1 triệu đô, và hàng hoá cùng với dịch vụ thường đắt hơn những nơi khác khoảng 30%. Nhiều người cho rằng với các tỷ phú công nghệ thì đây là chuyện nhỏ. Nhưng họ không biết rằng khu vực này còn bao gồm cả những người lao động có thu nhập thấp hơn như nhân viên an ninh, giáo viên, v.v. Chính giá nhà đất cao khủng khiếp đã khiến nhiều người dân ở đây lâm vào tình cảnh vô gia cư.
Những bí mật đen tối tại Silicon Valley
Những tưởng Silicon Valley sẽ là một thiên đường đối với các kỹ sư, tuy nhiên, vùng đất thiên đường này cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn đen tối tới đáng sợ.
Lừa đảo
Những biến cố lừa đảo tại thung lũng Silicon Valley để lại những hậu quả khủng khiếp và làm liên luỵ tới nhiều người. Một trong những scandal đình đám nhất tại đây là câu chuyện của công ty Theranos và CEO Elizabeth Holmes. Cô thành lập công ty của mình năm mới 19 tuổi và được tán dương như một Steve Jobs phiên bản nữ bởi công nghệ “thử máu không kim” do công ty phát minh. Đã có thời điểm công ty Theranos có giá trị vốn hoá lên tới 9 tỷ $.
Tuy nhiên, phát minh của công ty đã nhanh chóng bị các cơ quan y tế của Mỹ công bố là giả mạo và cho kết quả sai lệch. Giá trị công ty liên tục sụt giảm, nhiều nhà đầu tư mất trắng tiền tích cóp cả đời của mình vào tay Elizabeth.
Nhà đầu tư lật lọng
Có một câu nói các founder start-up hay truyền tai nhau: “Ký hợp đồng chưa có nghĩa là bạn sẽ được đầu tư, mà bạn chỉ được đầu tư khi tiền đã vào tài khoản.” Trên thực tế, việc các nhà đầu tư tuyên bố rút vốn giữa chừng, kể cả khi các start-up đạt được những mục tiêu đề ra, không phải là hiếm. Công sức thức trắng đêm của nhiều nhân viên giờ coi như đã vào hư không.
Chưa kể tới khả năng các cổ đông và nhà đầu tư sẽ cố đá bạn ra khỏi công ty. Bạn có thể nắm giữ 51% cổ phiếu và nhầm tưởng rằng mình an toàn, tuy nhiên các nhà đầu tư có thể đá bạn ra khỏi công ty vào đợt gọi vốn tiếp theo.
Bóc lột sức lao động
Những tưởng, những tiện ích mà các công ty công nghệ dành cho nhân viên như bữa ăn và đưa đón miễn phi, phòng tập gym hay thậm chí là phòng ngủ ngay tại nơi làm việc sẽ giúp nhân viên làm việc thoải mái hơn. Tuy nhiên, khối lượng công việc quá lớn cộng với những “tiện ích” do công ty tạo ra nhằm khuyến khích nhân viên dành nhiều thời gian hơn tại công ty đã vắt kiệt sức lao động của nhiều người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của họ.
Qua bài viết này, Got It Vietnam hy vọng có thể giải đáp câu hỏi Silicon Valley là gì cho nhiều bạn kỹ sư công nghệ, cũng như giúp các bạn hiểu rằng Silicon Valley không phải lúc nào cũng hào nhoáng và thịnh vượng như nhiều người tưởng tượng.