Test Control là thuật ngữ không hề xa lạ với các tester. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ Test Control là gì. Bài viết này sẽ giải thích về khái niệm này một cách thật dễ hiểu, súc tích.
Mục lục
1. Test Control là gì?
Test Control (Kiểm soát Kiểm thử) là một dạng hoạt động quản lý khi ta so sánh kế hoạch với tiến độ của quá trình testing. Nó được thực hiện liên tục trong suốt từng giai đoạn của quá trình kiểm thử.
Như tên gọi, những người thực hiện Test Control sẽ tiến hành các hoạt động kiểm soát kiểm thử. Nếu tình huống xấu xảy ra, họ sẽ đưa ra các phương hướng chỉ đạo, nhằm khắc phục vấn đề. Từ đó, dự án sẽ trở lại đúng với tiến độ ban đầu, đảm bảo hoàn thành theo thời hạn quy định trong kế hoạch.
Nhìn chung, có thể hiểu Test Control là những hoạt động liên quan đến việc định hướng và tìm cách khắc phục những rủi ro dựa trên kết quả của Test Monitoring (Giám sát kiểm thử).
1.1. Phân biệt Test Control và Test Monitoring
Test Control và Test Monitoring là hai quá trình không thể tách rời. Về cơ bản, các hoạt động của Test Control phải dựa trên kết quả của Test Monitoring. Vì vậy, để hiểu rõ về Test Control thì chúng ta cần nắm được Test Monitoring là gì.
Test Monitoring là một hoạt động quản lý thời gian kiểm thử. Nó được dùng để đánh giá và quan sát trạng thái của một tiến trình test đang diễn ra. Những gì quan sát được từ Test Monitoring sẽ là cơ sở để Test Control thực hiện các biện pháp khắc phục và sửa chữa (nếu có).
1.2. Tại sao cần phải Test Control?
Trong suốt quá trình phát triển phần mềm, những gì chúng ta lên kế hoạch ban đầu và thực tế xảy ra có thể sẽ không giống nhau 100%, trừ khi mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp từ đầu đến cuối. Chẳng hạn, dự án được lên kế hoạch sẽ hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng khi bắt tay làm việc, tiến độ của dự án lại chậm hơn so với thời hạn yêu cầu.
Tình huống này đã trở thành kịch bản phổ biến trong hầu hết các dự án phát triển phần mềm. Do đó, Test Control được sinh ra nhằm để giảm thiểu tối đa những rủi ro đó. Mục đích chính của hoạt động này là giúp dự án đảm bảo được tiến độ đã xác định ban đầu.
2. Những tình huống Test Control cụ thể
Test Control sẽ hữu ích trong những tình huống sau:
- Vì lý do nào đó, một phần cần kiểm thử của phần mềm sẽ được giao trễ. Tuy nhiên, điều kiện thị trường lại không cho phép thay đổi ngày phát hành của phần mềm đó. Trong trường hợp này, Test Control có thể là việc sắp xếp để ưu tiên hoạt động kiểm thử, giúp cho các kiểm thử viên bắt đầu tiến hành test dựa trên những gì đã được giao.
- Vì lý do chi phí nên việc kiểm thử hiệu năng (performance testing) chỉ được thực hiện vào các buổi tối trong tuần, ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, do nhu cầu sản phẩm tăng cao bất ngờ, nên công ty đã tạm áp dụng thêm các ca làm việc buổi tối trong tuần. Trong trường hợp này, Test Control có thể là việc sắp xếp lại lịch kiểm thử hiệu năng sang một thời điểm khác. Chẳng hạn, người ta sẽ dời nó vào cuối tuần.
Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc dự án có thể bị trễ kế hoạch. Chẳng hạn như:
- Sự sai lệch trong chức năng của phần mềm, dẫn đến cần thêm thời gian để giải quyết vấn đề.
- Khách hàng hoặc các bên liên quan. Họ có thể yêu cầu thêm hoặt bớt một số nội dung, thông số kỹ thuật của phần mềm.
- Cần điều chỉnh lại hoặc giảm giờ làm việc trong một số trường hợp không thể tránh khỏi.
3. Các bước Test Control là gì?
Về cơ bản, Test Control bao gồm các bước được xếp theo thứ tự như sau:
- Xem xét và phân tích tình trạng hiện tại của việc kiểm thử. Công việc này bao gồm: số bài test đang thực hiện, mức độ nghiêm trọng của rủi ro, lỗi và các vấn đề được phát hiện, tỷ lệ phần trăm các bài test thành công và thất bại,…
- Quan sát và ghi lại tiến trình của giai đoạn kiểm thử. Nó bao gồm các tiêu chí bao phủ (coverage criteria) và tiêu chí thoát (exit criteria). Từ đó, tình trạng kiểm thử sẽ được thông báo để nhóm phát triển phần mềm biết.
- Báo cáo thường xuyên về tình trạng kiểm thử. Điều này giúp người quản lý Dự án hoặc quản lý Test cập nhật để đưa ra các chiến lược tiếp theo.
- Xác định rủi ro, từ đó thiết kế và phát triển ma trận liên quan đến rủi ro.
- Thực hiện các hoạt động khắc phục và đưa ra các quyết định hiệu quả để đạt được mục tiêu mong muốn.
Tóm lại, Test Control là hoạt động giúp cho tiến trình kiểm thử diễn ra đúng hướng, đúng mục tiêu ban đầu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ Test Control là gì, cũng như ý nghĩa của nó đối với các tester.
Tham khảo: Tryqa.com