Front-end được biết đến là một trong những yếu tố quan trọng đối với mỗi trang web. Vậy, Front-end là gì? Chúng có vai trò như thế nào trong lập trình web? Trong bài viết này, Got It sẽ giải đáp các thắc mắc này cho các bạn.
Mục lục
Front-end là gì?
Front-end là những gì mà người dùng nhìn thấy khi truy cập vào các trang web hay ứng dụng web. Hiểu một cách đơn giản, Front-end chính là giao diện của một website. Nó mang lại cho người sử dụng các trải nghiệm tương tác (nghe, nhìn) trên trang web đó. Vì thế, Front-end còn được gọi là “Client-side”.
Trong thiết kế web, Front-end được tạo ra bởi 3 loại ngôn ngữ cơ bản là HTML, CSS và JavaScript. Các lập trình viên Front-end sẽ cần đảm bảo nội dung hiển thị tốt trên mọi nền tảng khác nhau.
Thông thường, Front-end của một trang web sẽ được người dùng tương tác trực tiếp theo các khía cạnh như:
- Nhận biết màu sắc chủ đạo, logo
- Khai thác thông tin trên web (văn bản, hình ảnh, âm thanh…)
- Sử dụng các button, toolbars…
Các ngôn ngữ Front-end cơ bản
HTML
HyperText Markup Language (HTML) là một trong 3 ngôn ngữ chính giúp phát triển Front-end cho trang web. Nó được dùng để mô tả cấu trúc của một trang web trên trình duyệt.
Ngôn ngữ HTML có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Là ngôn ngữ đơn giản, dễ sử dụng với nhiều thẻ định dạng
- Sử dụng linh hoạt để thiết kế web với văn bản
- Dễ dàng thêm hình ảnh, âm thanh vào các trang web
- Có thể liên kết đến nhiều trang web khác
CSS
Cascading Style Sheets (CSS) cũng là một yếu tố “xương sống” trong xây dựng Front-end. Ngôn ngữ này được dùng để mô tả giao diện và định dạng hiển thị của một trang web. Nhờ có CSS, trang web sẽ trở nên trực quan và hấp dẫn hơn.
Trong lập trình web, CSS sẽ mô tả định dạng theo tài liệu được viết bằng ngôn ngữ HTML. Nó cung cấp tính năng bổ sung cho HTML. Ngoài HTML, CSS còn có thể áp dụng cho nhiều loại tài liệu khác như XML, XUL và SVG.
Về cơ bản, ngôn ngữ CSS có các đặc điểm chính như:
- CSS bổ sung các thuộc tính chi tiết hơn HTML
- Là ngôn ngữ “làm đẹp” cho trang web
- Có thể áp dụng cho nhiều dạng tài liệu khác nhau, bao gồm cả HTML, XUL, SVG…
JavaScript
Đây là một ngôn ngữ lập trình cao cấp mà các lập trình viên Front-end luôn phải nắm rõ. Cùng với HTML và CSS, JavaScript là một trong 3 ngôn ngữ thiết yếu trong xây dựng giao diện trang web.
Đối với lập trình viên Front-end, JavaScript có một số ưu điểm như:
- JavaScript hỗ trợ tất cả các trình duyệt mà không cần plug-in
- Hỗ trợ thiết kế trang web động và các hiệu ứng hình ảnh qua DOM
- Có thể thực hiện được một số tác vụ như tự động thay đổi hình ảnh, kiểm tra thông tin nhập vào…
Vai trò của Front-end trong lập trình web
Xây dựng giao diện trực quan
Một trong những mục tiêu chính của việc phát triển Front-end là nâng cao trải nghiệm người dùng. Nhờ có Front-end, giao diện của các trang web trở nên trực quan và dễ sử dụng hơn. Nếu ví trang web là một bài báo, thì Front-end đóng vai trò như một cái “Tít” hấp dẫn thu hút độc giả truy cập vào.
Đối với các website của doanh nghiệp, Front-end giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu trang web có giao diện trực quan, “bắt mắt” sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Thông qua trang web, công ty sẽ đưa được các thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng và trực tiếp tạo ra lợi nhuận.
Giúp nội dung hiển thị tốt trên mọi nền tảng
Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của các framework, lập trình viên Front-end có thể đảm bảo nội dung hiển thị tốt trên các nền tảng khác nhau.
Các công ty công nghệ đã cho ra đời rất nhiều framework hỗ trợ phát triển Front-end như:
- Google: Material, AngularJS…
- Facebook: React native, React,…
- Twitter: Bootstrap, hogan.js…
Như vậy, đến đây các bạn đã hiểu khái niệm Front-end là gì cũng như vai trò của nó trong lập trình web. Quả thực, Front-end là yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ trang web hay ứng dụng web nào. Nhờ có Front-end, người dùng có những trải nghiệm trực quan hơn trên các thiết bị khác nhau. Vì vậy, hãy trang bị những kiến thức cơ bản về Front-end ngay từ bây giờ nhé.