Bạn là dân IT đang tìm kiếm nơi làm việc và chuẩn bị bước vào vòng phỏng vấn? Tham khảo 35 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời thông minh trong bài viết dưới đây để tự tin hơn trong vòng phỏng vấn, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng trong mơ của mình nhé!
Mục lục
1. Cần chuẩn bị những gì khi đi phỏng vấn?
Trước khi tham khảo bộ câu hỏi, bạn cần chuẩn bị trước một vài thứ cho buổi tuyển dụng. Đó có thể là chìa khóa giúp bạn tạo ấn tượng với các nhà tuyển dụng.
1.1. Các vật dụng cần chuẩn bị
- CV, portfolio (nếu có)
- Sổ tay và bút viết
- Trang phục lịch sự, chuyên nghiệp
1.2. Các thông tin cần nắm rõ
- Thông tin về công ty (lĩnh vực hoạt động, các sản phẩm nổi bật, công nghệ được sử dụng, văn hoá làm việc, quy trình phỏng vấn,…)
- Thông tin về vị trí ứng tuyển (mô tả công việc, yêu cầu, phúc lợi)
- Thông tin về người liên hệ, ở đây có thể là HR hoặc người phỏng vấn bạn (tên, email, số điện thoại trong trường hợp cần liên lạc khẩn cấp)
2. 35 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời
Bộ câu hỏi và mẹo trả lời thông minh dưới đây sẽ giúp bạn ghi điểm với các nhà tuyển dụng:
- Câu 1: Bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?
Câu đầu tiên trong 35 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời. Bạn chỉ cần nói ngắn gọn một số thông tin cơ bản về bản thân. Đồng thời chia sẻ thêm một vài kỹ năng liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.
Tránh sa đà vào những thông tin không cần thiết như nơi ở, quá trình thực tập không đúng chuyên ngành. Thay vào đó, hãy tóm gọn những kinh nghiệm của bạn trong 1-2 câu. Từ đó, nhà tuyển dụng có hình dung sơ bộ về bạn.
- Câu 2: Bạn yêu thích công việc gì trong lĩnh vực IT?
Công việc trong mơ của bạn nên tương đồng với vị trí đang ứng tuyển. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ thêm mong muốn của bản thân với môi trường làm việc. Ví dụ như: năng động, sáng tạo, kết nối với các chuyên gia, có cơ hội thăng tiến công bằng.
- Câu 3: Lý do tại sao bạn kết thúc công việc ở công ty cũ?
Bạn nên đưa ra những lý do mang tính tích cực. Ví dụ như bạn muốn một công việc có tính thách thức hơn. Muốn thay đổi môi trường làm việc hoặc muốn tạo cơ hội mới cho con đường sự nghiệp sau này. Tuyệt đối không nói xấu hay có thái độ hằn học với công ty cũ bạn nhé.
- Câu 4: Bạn có thể chia sẻ về điểm yếu của bản thân?
Bạn có thể trình bày các khuyết điểm của mình, nhưng tốt nhất là hãy đưa những cách bạn đang làm để khắc phục chúng. Hãy trung thực và cho thấy thái độ cầu tiến, luôn hành động để sửa sai. Bởi chúng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
- Câu 5: Vậy bạn có những điểm mạnh gì?
Bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm gì để làm tốt ở vị trí đang ứng tuyển? Bạn hãy chia sẻ với các nhà tuyển dụng về những điều này.
- Câu 6: Bạn có thể chia sẻ những hiểu biết về vị trí đang ứng tuyển?
Công nghệ thông tin có rất nhiều mảng khác nhau. Trước khi ứng tuyển vào vị trí nào, bạn nên tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu và công việc đảm nhận để trả lời câu hỏi này. Cách dễ dàng nhất là đọc kỹ mô tả công việc. Đồng thời hãy tìm hiểu trang web công ty thật kỹ càng trước khi phỏng vấn.
- Câu 7: Bạn biết gì về công ty?
Hãy trả lời thành thật về những thông tin bạn đã tìm được về công ty trên website, fanpage hoặc các kênh truyền thông khác của họ.
- Câu 8: Vì sao bạn nghĩ rằng bạn sẽ phù hợp với công việc này?
Với câu hỏi này, đừng so sánh bản thân với bất cứ ai. Bạn chỉ cần chia sẻ bản thân phù hợp như thế nào với môi trường làm việc của họ.
- Câu 9: Đồng nghiệp ở công ty cũ nhận xét thế nào về bạn?
Không nên quá phóng đại câu trả lời. Bạn chỉ cần trình bày một vài nhận xét tích cực của đồng nghiệp cũ.
- Câu 10: Bạn có thể gắn bó lâu dài với công ty hay không?
Không nên đưa ra thời gian chính xác. Hãy khôn khéo trả lời rằng bạn sẽ làm hết sức và gắn bó với công ty lâu dài nhất có thể.
- Câu 11: Làm việc theo nhóm có khó khăn đối với bạn?
Tất nhiên, câu trả lời là “Không”! Vì các công việc liên quan đến công nghệ thông tin đều cần làm việc theo team. Kể cả khi bạn không quen với việc này, hoặc chưa có kinh nghiệm. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy mình là người cầu tiến và sẵn sàng thay đổi để làm việc tốt hơn.
- Câu 12: Bạn có thể đảm nhận công việc độc lập?
Ngoài kỹ năng teamworks, bạn cũng cần có khả năng làm việc độc lập nên câu trả lời sẽ là “Có”.
- Câu 13: Bạn đang theo đuổi triết lý nào trong công việc?
Hãy chia sẻ về những mục tiêu bạn đang hướng tới. Nhưng đồng thời, mục tiêu này cần phù hợp với vị trí đang ứng tuyển và công ty.
- Câu 14: Công việc nào là mơ ước của bạn nếu được tuyển dụng?
Tuỳ vào vị trí và công ty, bạn có thể thể hiện sự linh hoạt của bản thân. Rằng sẽ đảm nhận tốt bất cứ công việc nào khi được phân công. Hoặc cũng có thể cho thấy niềm đam mê của mình với một vị trí cụ thể.
- Câu 15: Bạn nghĩ rằng thành tích của cá nhân hay tập thể quan trọng hơn?
Với câu hỏi này, bạn cần khẳng định thành tích cá nhân rất quan trọng. Nhưng bạn có thể từ bỏ lợi ích bản thân để mang đến hiệu quả tốt hơn cho tập thể.
- Câu 16: Tính cách nào của đồng nghiệp khiến bạn khó chịu?
Dù bạn không hài lòng với tính cách nào của đồng nghiệp, đừng công kích cá nhân đồng nghiệp đó trước các nhà tuyển dụng. Thay vào đó, bạn nên nêu ra những đặc điểm, cách làm việc mà bạn cho rằng thiếu chuyên nghiệp. Đồng thời thể hiện bản thân là người có thể bỏ qua các bất hòa để làm tốt công việc chung.
- Câu 17: Quản lý hay sếp công ty cũ nhận xét về bạn thế nào?
Bạn có thể mang theo thư giới thiệu của sếp cũ (nếu có) đến buổi phỏng vấn. Nếu không, bạn hãy chia sẻ về những đánh giá tích cực đã nhận được từ người quản lý cũ.
- Câu 18: Bạn có thể làm việc với áp lực không?
Hãy khôn khéo thể hiện rằng, áp lực ở mức độ phù hợp giúp bạn làm việc với năng suất và hiệu quả tốt hơn.
- Câu 19: Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm?
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm ở vị trí đang ứng tuyển. Hãy trình bày những kỹ năng liên quan để chứng minh sự phù hợp của bản thân. Đó có thể là thành tích môn chuyên ngành ở trường, một dự án bạn đã làm, hoặc những cuộc thi lập trình bạn đã từng tham gia.
- Câu 20: Lý do nào khiến bạn ứng tuyển vào vị trí này?
Bạn có thể chia sẻ về đam mê của bản thân với công việc đang ứng tuyển. Và nhắc đến môi trường làm việc chuyên nghiệp của công ty.
- Câu 21: Bạn định nghĩa như thế nào về thành công trong công việc?
Đừng đặt ra những mục tiêu quá lớn nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Thay vào đó hãy nói về những điều đơn giản hơn. Ví dụ như hoàn thành công việc được giao, được đồng nghiệp và sếp khen ngợi, mang đến sản phẩm công nghệ chất lượng.
- Câu 22: Bạn có sẵn sàng đặt lợi ích công ty lên hàng đầu?
Hãy giải thích quyền lợi công ty sẽ mang đến hiệu quả lâu dài. Nên bạn sẵn sàng đặt chúng lên hàng đầu.
- Câu 23: Bạn mong muốn điều gì ở sếp?
Bạn chỉ cần chia sẻ một vài phẩm chất quan trọng như tài giỏi, công bằng, luôn khuyến khích nhân viên, thưởng phạt rõ ràng.
- Câu 24: Trong 1 năm qua bạn đã thay đổi như thế nào?
Bạn đã rèn luyện kỹ năng và bổ sung kiến thức cho bản thân như thế nào? Hãy chia sẻ với các nhà tuyển dụng điều này.
- Câu 25: Sai lầm trong công việc có giúp bạn học hỏi được điều gì?
Không nên nhắc đến quá nhiều sai lầm. Bạn nên tập trung nói về bài học kinh nghiệm và cách bạn giải quyết vấn đề.
- Câu 26: Bạn kỳ vọng điều gì với công ty?
Để thuyết phục các nhà tuyển dụng, bạn có thể đề cập đến kỳ vọng được đào tạo nâng cao, làm việc với các đối tác nước ngoài, mở rộng con đường thăng tiến.
- Câu 27: Bạn có câu hỏi nào với công ty không?
Với câu hỏi này, bạn chỉ cần trung thực đặt ra những vấn đề liên quan đến vị trí đang ứng tuyển và môi trường làm việc của công ty.
- Câu 28: Công việc này có mang đến cho bạn sự thành đạt?
Bạn cần thể hiện được bản thân là người phù hợp. Và với những kỹ năng, kinh nghiệm vốn có, bạn có cơ hội đạt được thành công với vị trí này.
- Câu 29: Bạn nhận xét như thế nào về công ty cũ?
Đừng đưa ra những bình luận quá tiêu cực! Thay vào đó, hãy chia sẻ về những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bạn đã học được từ công ty cũ.
- Câu 30: Cách bạn giải quyết các vấn đề trong công việc là gì?
Hãy lấy ví dụ về một vài cách bạn đã sử dụng để giải quyết vấn đề rắc rối trong công việc trước đó.
- Câu 31: Bạn có sở thích nào ngoài thời gian làm việc?
Các nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng hơn nếu bạn chia sẻ một vài sở thích liên quan đến công nghệ. Như tìm hiểu các chương trình phần mềm mới, dành hàng giờ để lướt web, đọc sách.
- Câu 32: Nếu được yêu cầu, bạn có sẵn sàng làm việc tăng ca?
Câu trả lời chắc chắn là “Có”, nếu thực sự cần thiết. Hãy thể hiện bản thân là người luôn cố gắng hết mình vì công việc. Nhưng cũng đừng quên đề cập đến work-life balance để bảo vệ quyền lợi cho mình nhé.
- Câu 33: Mục tiêu sự nghiệp của bạn là gì?
Hãy đưa ra mục tiêu của bản trong tương lai. Tuy nhiên, mục tiêu này cần phù hợp với công việc đang ứng tuyển.
- Câu 34: Nếu sếp làm sai, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Đây là câu hỏi rất nhạy cảm. Bạn có thể chia sẻ về một số cách xử lý như phân tích rõ vấn đề để sếp hiểu, đưa ra giải pháp thuyết phục sếp.
- Câu 35: Bạn có thực sự hứng thú với công việc nào?
Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn yêu thích và hứng thú với công việc này ra sao.
Mong rằng bộ câu hỏi phỏng vấn trong bài viết trên sẽ giúp bạn có được hành trang cho buổi phỏng vấn sắp tới. Ngoài 35 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời, hãy tham khảo thêm các bài viết khác của Got It để cập nhật thông tin mới nhất nhé.