Tester đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một chương trình phần mềm. Những người làm nghề Tester phải tìm ra lỗi của các ứng dụng, đảm bảo chất lượng và khả năng sử dụng của sản phẩm cuối cùng.
Nếu quan tâm đến ngành nghề này, bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những kiến thức cần học cũng như con đường phát triển sự nghiệp của chúng.
Mục lục
Nghề Tester mở ra cơ hội mới cho giới trẻ
Phần lớn các bạn trẻ học công nghệ thông tin đều theo ngành lập trình với hy vọng nhận được mức lương “khủng”. Nhưng họ không biết rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang rơi vào tình trạng “khát” Tester. Rất nhiều tập đoàn, công ty lớn liên tục tuyển dụng để bổ sung cho đội ngũ Tester, đồng nghĩa rằng theo nghề này, bạn sẽ có cơ hội làm việc tại những môi trường chuyên nghiệp với nhiều đãi ngộ.
Theo đuổi nghề Tester, bạn sẽ tham gia vào nhiều dự án khác nhau, liên tục bổ sung kiến thức và kỹ năng để cải thiện trình độ bản thân. Đặc biệt, nếu thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ được làm việc với đối tác nước ngoài và nhận được mức lương đáng mơ ước.
Học gì để làm Tester
Tương tự như bất kỳ chuyên ngành nào khác của IT, làm nghề Tester cần am hiểu các kiến thức cơ bản về máy tính. Bạn có thể học đại học, cao đẳng chính quy hoặc chọn khoá học tại các trung tâm uy tín để tiếp thu kiến thức về lập trình, cơ sở dữ liệu, hệ điều hành, phát triển phần mềm, hệ thống mạng…
Với sinh viên học IT, nếu đã nắm vững kiến thức nền tảng và xác định theo nghề, họ chỉ cần học và lấy chứng chỉ Tester trước khi “hành nghề”. Ngược lại, trong trường hợp bạn học chuyên ngành khác nhưng đam mê công việc Tester, việc “nạp” kiến thức sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Bạn nên tập trung học những nội dung về lập trình, chủ yếu về ngôn ngữ phổ biến như Java, HTML, CSS, C++, kiến thức tin học cơ bản, sử dụng hệ thống mạng, cài đặt phần mềm. Trên thực tế, là một Tester, bạn không cần biết code nhưng tối thiểu phải đạt được trình độ đọc hiểu và chỉnh sửa các đoạn mã đơn giản. Và khi học chứng chỉ chuyên môn, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được các định nghĩa, thuật ngữ, quy trình test phần mềm…
Con đường phát triển của nghề Tester
Làm Tester cũng có cơ hội phát triển và đạt được thành công nếu bạn có đủ trình độ và tinh thần cầu tiến. Về cơ bản, nghề Tester sẽ có những cấp độ dưới đây:
- Junior Tester: Có dưới 2 năm kinh nghiệm, bắt đầu nhận việc như một thực tập sinh. Các công việc đảm nhận: thực thi kiểm thử, xác nhận lỗi, hỗ trợ các hoạt động kiểm thử khác.
- Mid-level Tester: Để đạt đến cấp độ này, bạn đã có từ 2 – 4 năm kinh nghiệm và sử dụng được nhiều công cụ kiểm thử khác nhau. Bên cạnh đó, bạn cũng nhận dạng được các lỗi thường gặp của ứng dụng khi chạy demo và hiểu thêm về cách xây dựng, phát triển phần mềm.
- Senior Tester: Có từ 3 – 10 năm kinh nghiệm và có khả năng kiểm thử các chương trình dành cho những lĩnh vực khó hơn như công nghệ, y tế, tài chính…
- Test Leader/Test Manager: Để phát triển đến vai trò nhóm trưởng hay quản lý, thứ bạn cần không chỉ là kinh nghiệm. Vị trí này yêu cầu rất cao về trình độ cũng như các kỹ năng khác như ngoại ngữ, teamwork, giao tiếp… Vai trò của người quản lý là lập kế hoạch và phân chia công việc cho từng Tester, theo dõi và đảm bảo theo đúng tiến độ mục tiêu.
Trên đây là những hiểu biết cơ bản cần tham khảo nếu bạn muốn theo nghề Tester. Để được tư vấn chi tiết hơn, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé, chúng mình sẽ giải đáp nhanh chóng.