Một lập trình viên cần học những gì? Để thành công ở vị trí này, bạn cần phải biết những kiến thức và kỹ năng cơ bản của nghề lập trình viên, cũng như những nhiệm vụ mà lập trình viên đảm nhận trong tổ chức.
Mục lục
1. Công việc của lập trình viên
Lập trình viên, hay còn gọi là một kỹ sư phần mềm, chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng, kiểm tra, sửa lỗi và bảo trì các chương trình máy tính dựa trên việc ứng dụng tư duy, ngôn ngữ và công cụ lập trình.
Thông thường, một ngày của lập trình viên sẽ bao gồm những đầu việc chủ yếu như sau:
- Tham gia các cuộc họp để báo cáo kết quả công việc, đưa ra những mẫu thiết kế, bản mô tả chương trình
- Viết và kiểm tra code dựa trên bản thiết kế và mô tả chương trình
- Theo dõi và nâng cấp hệ thống định kỳ để đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả hoạt động
- Tham gia xây dựng các tài liệu hỗ trợ người dùng
- Nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới
2. Những chuyên ngành đào tạo lập trình viên
Để trở thành lập trình viên, bạn có thể chọn những trường đại học hoặc cao đẳng đào tạo các chuyên ngành như:
- Khoa học máy tính
- Kỹ thuật phần mềm/ Công nghệ phần mềm
- Kỹ thuật máy tính
- Hệ thống thông tin
- Mạng máy tính & Viễn thông
3. Lập trình viên cần học những gì
Tùy theo vị trí cụ thể như Frontend, Backend hoặc Full-stack mà bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên, đối với những ai mới bắt đầu học lập trình và chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn sẽ cần trang bị cho mình những kiến thức dưới đây.
3.1. Những khái niệm liên quan đến lập trình
Hiểu rõ về bản chất của công việc sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận và định hướng bản thân ngay từ đầu. Việc nắm vững kiến thức tổng quan về lĩnh vực này sẽ đặt nền móng vững chắc cho con đường học tập của bạn sau này. Một số khái niệm về lập trình mà bạn cần biết như: HTTP, full-stack, front-end, back-end,….
3.2. Các ngôn ngữ lập trình
JavaScript, Python, PHP, C++, C#,… chính là cách là máy tính “giao tiếp” với con người. Và để trở thành một lập trình viên giỏi, bạn cần biết làm thế nào để sử dụng chúng để lập trình web, ứng dụng, game,…
3.3. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
Một trong những điều kiện để bạn có thể làm tốt công việc của một lập trình viên chuyên nghiệp chính là hiểu rõ bản chất của cấu trúc dữ liệu và các thuật toán. Như Niklaus Wirth, nhà khoa học về máy tính, đã đề cập đến trong cuốn sách “Algorithms + Data Structures = Programs” kinh điển, cấu trúc dữ liệu và giải thuật chính là 2 yếu tố vô cùng quan trọng và cơ bản nhất đối với người học lập trình. Đây cũng là cơ sở để bạn có thể sử dụng được các công cụ lập trình hiện nay.
3.4. Tiếng Anh
Không phải tất cả nguồn tài liệu cần thiết cho việc học đều được viết hoặc dịch sang tiếng Việt. Sẽ ra sao nếu bạn tìm thấy một thông tin hữu ích nhưng lại bằng tiếng Anh? Điều này có thể gây cản trở và khiến bạn thiếu hụt kiến thức nếu không thể hiểu được nội dung của thông tin, cũng như không thể tiếp cận được với các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Vì vậy, việc học tiếng Anh là rất quan trọng và bạn không nên bỏ qua. Nó cũng có thể mang đến cho bạn những cơ hội việc làm hấp dẫn với mức thù lao cao hơn so với những đồng nghiệp yếu kém ở khoản này đó.
3.5. Kỹ năng mềm
Bên cạnh những kiến thức “phần cứng” những kỹ năng “phần mềm” cũng là yếu tố có tính chất quyết định bạn sẽ thành công hay thất bại trên con đường biến mình trở thành một lập trình viên giỏi. Chắc chắn một ngày của bạn không thể chỉ có duy nhất công việc là ngồi trước máy tính và gõ code. Bạn sẽ cần đến kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quan sát sắp xếp, quản lý các công việc, tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tập trung, giải quyết vấn đề.
Trên đây là những kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cần thiết để bạn có thể theo đuổi nghề lập trình viên. Hãy bắt đầu với câu hỏi: Lập trình viên cần học những gì và tham khảo những thông tin trong bài viết để có một khởi đầu thuận lợi nhé. Chúc bạn thành công!