Một ngày hè tháng 7 nhiệt độ suýt chạm ngưỡng 40, anh Tommy (Engineering Manager, Got It AI) đột ngột gọi một dàn Got It-ians vào phòng họp và thông báo: Một tháng tới, chúng mình sẽ chào đón các bạn sinh viên VinUniversity (VinUni) đến tham gia kỳ thực tập 10-in-5 tại Got It. Nhận tin, tất cả chúng mình bước ra khỏi phòng với tâm lý vừa lo lắng, vừa hào hứng. Lo lắng xem làm thế nào để thiết kế được một chương trình thực tập thú vị, mang lại những trải nghiệm đáng giá, đồng thời giúp các bạn có được cái nhìn khách quan nhất về một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Phần lại hào hứng vì chúng mình rất trông đợi vào kết quả của kỳ intern và phần thể hiện của các bạn sinh viên VinUni lần này. Bởi, cả team Got It đã ấn tượng với sự nhiệt tình, chủ động và ham học hỏi của các bạn trong sự kiện Career Day diễn ra trước đó không lâu.
Thực tế, chương trình ban đầu mà nhà trường trao đổi và dự định triển khai với Got It là chương trình 5-in-5 internship. Với format này, các bạn sinh viên sẽ lên công ty và làm việc với các team khác nhau của Got It vào mỗi thứ Sáu của 5 tuần liên tiếp. Trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để có một chương trình thực tập chỉ trong vỏn vẹn 5 ngày mà có thể đem lại trải nghiệm học hỏi tốt nhất cho các bạn sinh viên?”, các Got It-ians chúng mình đã phải “căng não” bàn bạc, lắng nghe và tranh luận.
Cuối cùng, 10-in-5 internship là giải pháp mà Got It lựa chọn. Thay vì làm việc 5 ngày trong 5 tuần liên tiếp, thì chúng mình bàn với trường để tăng gấp đôi thời gian thành 10 ngày trong 5 tuần liên tiếp (tương ứng với 2 ngày/tuần). Trong thời gian 10 ngày này, các bạn sinh viên sẽ được tham gia xây dựng một sản phẩm nội bộ cho Got It – OOO (Out of Office) Booking App – ứng dụng giúp các thành viên đặt lịch nghỉ phép một cách đơn giản và nhanh chóng. Bảy bạn sinh viên sẽ đảm nhận 4 vị trí công việc quan trọng và cần thiết để hoàn thành dự án, lần lượt là: Product Manager, Frontend Engineer, Backend Engineer, Quality Assurance Engineer.
Hơn cả một sản phẩm, chúng mình mong điều các bạn nhận được sau kì thực tập, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng chuyên môn, còn là những trải nghiệm, những bài học, những sự thay đổi trong tư duy hay nhận thức về câu chuyện làm sản phẩm.
Đề bài này không phải là một đề bài “ngon ăn”, nhất là trong thời gian vỏn vẹn có 10 ngày làm việc. Sẽ thật mông lung nếu như chúng mình chỉ đưa requirements và yêu cầu các bạn tự tìm ra cách giải quyết. Nhưng với sự đồng hành, chỉ bảo, lắng nghe của các mentor – những Got It-ians đã có kinh nghiệm trong nghề, chúng mình tin rằng các bạn hoàn toàn có thể vượt qua thử thách khó nhằn này.
Bảy bạn sinh viên đến từ VinUni, mỗi bạn đảm nhận một vị trí, mỗi bạn mang trong mình một nét cá tính riêng biệt, và mỗi bạn là một mảnh ghép độc đáo tạo nên một chương trình 10-in-5 internship thành công của Got It Vietnam. Các bạn ấy là Diệu Linh và Anh Vũ của team Frontend, Việt Thắng và Gia Khuyến từ team Backend, Khánh An và Cảnh Huy của team Quality Assurance (QA) và Hoàng Tùng từ team Product.
Những ngày đầu mới đến, Vũ từng kể với chúng mình rằng bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong ngành Software Engineering nên cậu bạn không biết quá rõ vị trí Frontend Engineer sẽ làm những công việc gì. Vũ chỉ tưởng tượng rằng Frontend sẽ gần với người dùng hơn, là cầu nối giữa phần logic, thuật toán tới những tính năng mà người dùng sẽ được trải nghiệm.
Đã có cơ hội được làm quen và tiếp xúc với Frontend trước đó, trái với Vũ, Linh sở hữu cho mình những sự am hiểu nhất định về công việc này. Linh hiểu rõ, Frontend Engineer sẽ xây dựng giao diện của web và phần mềm với người dùng.
Trải qua 5 tuần làm việc, được chính thức trải nghiệm những công việc của một Frontend Engineer, cả Vũ và Linh đã có cái nhìn khác về tư duy trong công việc cũng như sự nghiệp của mình.
“Em đã biết rằng Frontend không chỉ lấy những thứ từ Design để đưa lên code, mà bên trong đó còn có những logic và nhiều thứ khác nữa, phức tạp hơn nhiều.” – Vũ nói. Bên cạnh sự thay đổi trong suy nghĩ về công việc của một Frontend Engineer, cậu bạn cũng chia sẻ thêm: “Em cảm thấy bản thân bình tĩnh và hoà đồng hơn. Ngày trước, nhiều lúc trong công việc, khi em khó chịu hoặc không hài lòng với một ai đó hoặc vấn đề gì đó, em sẽ để bụng, không nói ra, mà chỉ dần dần cắt đứt mối quan hệ với họ. Nhưng mà bây giờ em không để bụng nữa, những vấn đề ở ngoài công việc thì em sẽ không để nó ảnh hưởng. Em cũng học được cách thẳng thắn hơn, và không ngại bày tỏ quan điểm hoặc suy nghĩ của mình với các bạn. Làm như vậy thì mối quan hệ của mình cũng dễ thở hơn, và lâu dần thì mình cũng thấu hiểu nhau hơn.”
Về phần mình, Linh bộc bạch: “Sau 10 ngày, em thấy tin vào bản thân hơn, tự tin rằng mình có thể làm được điều gì đó trong tương lai, định hình được rõ là bản thân có thích ngành Software Engineering hay không. Và câu trả lời là có! Với cả, trước đây em là người rất dễ mất bình tĩnh, và khi bị stress thì em rất dễ nổi cáu. Em nhận ra làm như vậy thì sẽ gây ảnh hưởng đến người khác, nên em đã cố gắng cải thiện sự kiên nhẫn của bản thân, và cố gắng giữ bình tĩnh hơn.”
Cả Vũ và Linh đều chia sẻ rằng bản thân đã học hỏi và phát triển cả về mặt kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Bằng chứng không thể thuyết phục hơn chính là sản phẩm OOO Booking App với giao diện khá bắt mắt và dễ sử dụng.
Xuất hiện tại office lần đầu tiên, cả hai thành viên của team Backend – Khuyến và Thắng – đều khá ít nói. Mặc dù vậy, chúng mình vẫn luôn nhớ mãi những câu nói “chất như nước cất” của Thắng. Trong màn giới thiệu bản thân, Thắng đã không ngại chỉ thẳng tay vào anh Engineering Manager của chúng mình và nói: “Hình như anh này là sếp đúng không ạ?” khiến cả phòng chơi có một trận cười sảng khoái.
Về Khuyến, là một cậu học sinh học trái ngành, những ngày đầu của cậu bạn khi tiếp xúc với những kiến thức mới có nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Thật tình cờ, Khuyến là bạn cùng phòng tại ký túc xá với Khoa – Software Engineering Intern trẻ tuổi nhất tại Got It Vietnam. Theo chia sẻ từ Khoa, Khuyến rất chăm chỉ bổ sung kiến thức để bắt kịp với tiến độ công việc, chịu khó mày mò và hỏi han anh bạn cùng phòng, nhờ Khoa gợi ý một số tài liệu để học tập. Chính sự nỗ lực từ bản thân cùng với sự giúp đỡ từ các mentor là các Got It-ians có kinh nghiệm đã giúp Khuyến để lại dấu ấn rõ nét trong vị trí Backend Engineer.
Khi được hỏi cảm nhận về Khuyến và Thắng, cả bốn mentor của các bạn đều dành những lời nhận xét tích cực cho sự ham học hỏi và chịu khó trong công việc của hai cậu sinh viên. Một câu hỏi tương tự về cảm nhận đối với các mentor, Khuyến chia sẻ: “Em có đến tận bốn anh mentor. Do chúng em chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên cần trao đổi với mentor khá nhiều. Và cách mà các anh lại tận bàn làm việc của em hỏi han: ‘Chú có chỗ nào không hiểu không?’… rồi chỉ bảo rất tận tình khiến em rất cảm kích. Thậm chí đến cả Team Lead của Got It cũng vẫn dành thời gian để chỉ dẫn cho chúng em. Có hôm các anh dành thời gian ngồi với em cả buổi luôn.” Cậu bạn tiếp tục nói một cách hào hứng: “Mentor của em, anh Kiên, anh Minh, anh Cường với anh Jon rất ‘ngầu’, em cực kì tôn trọng họ, và em cũng đã học hỏi được rất nhiều điều từ các anh.”
Thời gian một tháng đã cho cả Thắng và Khuyến những bài học trong công việc, và cũng dần xác định được rõ hơn định hướng trong tương lai. Thắng đã hiểu hơn về công việc Backend Engineer và phần nào biết được bản thân có phù hợp với ngành này hay không. Bên cạnh khía cạnh công việc, Khuyến lại định hình được cho mình về một môi trường làm việc lý tưởng mà cậu bạn sẽ muốn cống hiến. “Em xem đây như là một tiêu chí tiên quyết để lựa chọn công việc trong tương lai. Và em nghĩ Got It là một môi trường rất tuyệt vời mà bản thân có thể làm việc và phát triển.” – Khuyến chia sẻ.
Thành thật mà nói, đây là team duy nhất trong kì thực tập 10-in-5 đặt chân đến Got It với một chiếc túi kiến thức trống rỗng về công việc của một Quality Assurance Engineer. “Em không biết gì hết” là lời chia sẻ thẳng thắn từ Huy.
Điều này cũng là dễ hiểu, bởi các bạn chưa có cơ hội được tiếp xúc với công việc Quality Assurance, cũng chưa có kinh nghiệm tham gia vào quá trình làm sản phẩm trước đây. Vậy nên, thời gian một tuần đầu tiên tại Got It diễn ra khá khó khăn.
Chị Daisy (Mentor của hai bạn An và Huy) chia sẻ: “Ban đầu, hai bạn không hình dung được vị trí QA làm gì, như một trang giấy trắng, cũng thiếu đi động lực làm việc. Nhưng khi các bạn dần nắm bắt được công việc thì đã tốt hơn rất nhiều. Tiến độ công việc cũng bắt kịp với toàn bộ team.”
Chính những mentor của team QA đã giúp đỡ các bạn rất nhiều trong quá trình mày mò, tìm hiểu về công việc này. “Thời gian đầu mới làm việc, tụi em khá ngại trong việc mở lời với mentor bởi vì mọi người đều là nữ. Thế nhưng các chị đã chủ động nhắn tin trước cho bọn em ‘Sao không thấy hỏi han gì thế mấy đứa?’, điều đó giúp bọn em mở lòng và dễ dàng giao tiếp với mentor hơn.” – Huy bộc bạch.
Đối với An, thứ mà cậu bạn học được sau thời gian 5 tuần làm việc là “product mindset” (tư duy làm sản phẩm). “Luôn phải ‘be critical’ (có tư duy phản biện) với những requirements (yêu cầu), design (thiết kế)… của sản phẩm” là những gì mà An tâm đắc nhất sau thời gian làm việc tại Got It Team.
Và kết quả của quá trình tìm tòi học hỏi, cùng với sự trợ giúp nhiệt tình của các chị em team QA tại Got It, là sự thay đổi trong cách nhìn nhận vấn đề của Huy: “Làm QA, em đã trở nên đa nghi hơn, luôn đặt câu hỏi cho mọi thứ xung quanh. Châm ngôn của em là: ‘Không được tin ai hết!’ Em cũng kỹ tính hơn trước rất nhiều nữa.”
Dù rất mơ hồ lúc ban đầu, nhưng đến cuối cùng cả An và Huy đều đã làm tốt và cùng dắt túi những bài học quý giá. Mong các bạn sẽ tiếp tục nỗ lực như vậy trong tương lai và gặt hái nhiều thành công nhé!
Và thành viên duy nhất ấy là Hoàng Tùng, người đảm nhận vị trí Technical Product Manager cho sản phẩm OOO Booking App. Tuy đã có kinh nghiệm lead team và quản lý đội nhóm trước đó nhưng trải nghiệm tại Got It hoàn toàn khác với tưởng tượng của cậu bạn.
So với các team khác trong project, Tùng là người có cái nhìn rõ nét và đầy đủ nhất về life cycle (vòng đời) của một sản phẩm. Bởi, bên cạnh việc giúp cả team hoạt động một cách trơn tru nhất, cậu bạn sẽ còn phải lên kế hoạch cho các release tiếp theo.
Những điều đó vừa là ưu điểm, cũng vừa là nhược điểm về mặt công việc của một Technical Product Manager. Trong lúc các thành viên đang nhiệt tình phát triển cho sản phẩm hiện tại, thì Tùng sẽ phải chuẩn bị requirements (yêu cầu) cho version (phiên bản) tiếp theo của sản phẩm. Ngoài ra, công việc của Tùng cũng không giúp cậu bạn cải thiện nhiều về khả năng lập trình. Thay vào đó, những kỹ năng mềm như: giao tiếp, thuyết trình, hay leadership sẽ được rèn luyện và trau dồi hơn.
Tùng chia sẻ: “Ban đầu, em chọn vị trí TPM thì cảm thấy bản thân không mạnh về khoản giao tiếp và thuyết trình, nên muốn cải thiện thêm.” Bên cạnh đó, cậu bạn cũng cảm thấy thích thú vì có những trải nghiệm thực tế tại Got It, được làm công việc của vị trí TPM như: host meeting, viết ticket, vẽ mock,…
Tuy hành trình gặp nhiều khó khăn, nhưng may mắn là, qua đó, Tùng cũng đã tìm ra được cho mình định hướng trong tương lai, đồng thời phát huy và nâng cấp được một số kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và công việc.
“TPM là vị trí có phần đặc biệt khi không tham gia vào sản phẩm hiện tại nhiều như các team khác, mà tập trung hơn vào các release trong tương lai. Điều đó khiến Tùng có thể khó thấy được impact (tầm ảnh hưởng) của bản thân đối với sản phẩm hiện tại, nhưng cậu này không vì thế mà thấy nản. Tùng rất chịu khó tìm hiểu, thông minh và học hỏi nhanh, và rất cố gắng để hoàn thành các công việc được giao.” – Chị Hương – mentor trực tiếp của cậu bạn chia sẻ.
Dành cho bảy cựu thành viên đến từ VinUni cực đáng yêu và tài năng của Got It: Cảm ơn các bạn vì đã lựa chọn Got It làm điểm đến trong chương trình 10-in-5 summer internship của trường. Cảm ơn các bạn vì đã không ngừng cố gắng hết mình trong công việc, nhưng cũng không kém “nhiệt” trong những cuộc ăn chơi.
Một lần nữa, Got It chào tạm biệt và chúc các bạn luôn thành công trên hành trình sự nghiệp sắp tới. Mong rằng lời tạm biệt này sẽ mở ra một cơ hội làm việc lâu dài hơn giữa các bạn và Got It trong tương lai!