Java và JavaScript khác nhau thế nào? Đây là câu hỏi rất nhiều người đặt ra khi tìm hiểu về 2 loại ngôn ngữ lập trình này. Ngoài tên gọi gần giống nhau, giữa Java và JavaScript không hề có bất kỳ điểm tương đồng nào. Chính vì thế, việc phân biệt 2 ngôn ngữ này là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Mục lục
Java có phải là từ viết tắt của JavaScript hay không?
Khái niệm Java xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1991 dưới cái tên Oak và được đổi tên vào năm 1995. Mục đích của ngôn ngữ lập trình này là để thế chỗ cho C++ nhưng vẫn giữ nguyên các tính năng tương tự Objective C.
JavaScript là một ngôn ngữ lập trình được phát triển bởi hãng truyền thông Netscape vào tháng 5 năm 1995. Sau 2 lần đổi tên với Mocha và LiveScript, hãng quyết định giữ nguyên cái tên JavaScript cho đến hiện tại. Việc 2 tên gọi có sự gần giống nhau chỉ đơn giản là một chiêu trò marketing của hãng sản xuất, với mong muốn JavaScript sẽ được hưởng lây “tiếng thơm” của Java, vốn đã rất được ưa chuộng trước đó. Nhưng điều kỳ lạ là sau đó, JavaScript lại được biết đến nhiều hơn cả so với “tiền bối” Java.
Chính vì vậy, có thể kết luận Java và JavaScript là 2 ngôn ngữ lập trình hoàn toàn riêng biệt. Giữa chúng không có bất cứ mối liên hệ hay tác động qua lại nào với nhau và có rất nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý.
Java và JavaScript khác nhau thế nào?
Mặc dù đều là 2 ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng bậc cao, sử dụng cú pháp C và có cái tên na ná nhau, nhưng sự thực là Java và JavaSript khác nhau rất nhiều.
Java
- Là ngôn ngữ được biên dịch, tức là khi mã code được viết trong môi trường phát triển tích hợp thì nó sẽ tự động được biên dịch thành mã bytecode và chạy bằng máy ảo Java.
- Chỉ cần viết code một lần và có thể sử dụng code Java trên mọi nền tảng
- Sử dụng hình thức xác minh dữ liệu tĩnh. Trong quá trình biên dịch, dữ liệu sẽ được kiểm tra và lập trình viên có thể tìm thấy lỗi một cách dễ dàng
- Lập trình dựa trên các lớp, dùng lớp làm “khuôn” để tạo nên đối tượng. Lớp không phải là đối tượng.
- Là lựa chọn tối ưu và hiệu quả nhất trong lập trình Android
JavaScript
- Là ngôn ngữ được diễn giải (hay còn gọi là ngôn ngữ kịch bản). Code viết đến đâu thì sẽ được dịch thành mã máy đến đó để máy tính có thể thực thi được.
- Sử dụng hình thức xác minh dữ liệu động. Đây là một đặc trưng của ngôn ngữ kịch bản. Dữ liệu được kiểm tra ngay trong quá trình chương trình chạy.
- Lập trình dựa trên nguyên mẫu, sử dụng nguyên mẫu để tạo, sao chép và nhân bản đối tượng. Bản thân nguyên mẫu cũng là đối tượng.
- Chạy trên trình duyệt web, hiệu suất phụ thuộc vào HTML và CSS.
- Được sử dụng để tạo các trang web động, có thể tương tác với người dùng nên là lựa chọn tối ưu và hiệu quả đối với lập trình front-end.
Nên chọn Java hay JavaScript?
Mỗi ngôn ngữ đều phục vụ những mục đích sử dụng khác nhau và được ứng dụng trong các trường hợp khác nhau. Hãy chọn Java nếu bạn muốn viết một ứng dụng hoặc phần mềm có liên quan đến lĩnh vực thương mại hoặc tài chính trên nền tảng di động. Còn JavaScript sẽ phù hợp hơn cả khi bạn đang tìm cách để tạo các trang web thương mại điện tử có tính tương tác và tùy chỉnh giao diện người dùng.
Do có sự tương đồng về tên gọi nên rất nhiều người đã cho rằng Java và JavaScript là tên gọi chung của một loại ngôn ngữ lập trình. Trên thực tế, giữa 2 ngôn ngữ này tồn tại rất nhiều điểm khác biệt rõ rệt mà chỉ khi ứng dụng vào thực tế mới có thể nhận biết rõ được. Việc xác định Java và JavaScript khác nhau thế nào sẽ giúp bạn tránh những sự cố do nhầm lẫn và thực hiện công việc hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo: https://vn.bitdegree.org/huong-dan/java-va-javascript/