Công việc của lập trình viên là gì? Lập trình viên là những người phụ trách những nhiệm vụ liên quan đến thiết kế, xây dựng, kiểm soát, sửa lỗi và bảo trì các phần mềm máy tính thông qua việc sử dụng những ngôn ngữ lập trình và kỹ năng chuyên biệt. Tùy theo từng vị trí chức năng mà lập trình viên sẽ đảm nhận những phần việc khác nhau.
Mục lục
1. Các vị trí thường thấy của lập trình viên
Trên thực tế, có rất nhiều loại phần mềm, dự án mà lập trình viên có thể sẽ tham gia. Sau đây là một vài vị trí công việc mà một lập trình viên có thể đảm nhận.
1.1. Lập trình web
Một website hoàn thiện là thành quả của những web developer, mà cụ thể là các lập trình viên về các mảng Front-end, Back-end, Full-stack, DevOps, quản lý hệ thống… Họ cũng cần phối hợp với các bộ phận kỹ thuật khác để lên kế hoạch làm việc hay sửa lỗi.
1.2. Lập trình mobile
Các lập trình viên mobile sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển các chức năng cho ứng dụng di động trên các nền tảng như IOS, Android, cũng như không ngừng cập nhật xu hướng công nghệ mới để tối ưu hóa giao diện, tính năng cho ứng dụng.
1.3. Lập trình game
Công việc của lập trình viên ở vị trí này chủ yếu tập trung vào phát triển phần mềm để tạo ra các trò chơi dạng video. Một game developer có thể phụ trách cả việc thiết lập ý tưởng, tạo cốt truyện và lập trình hiệu ứng.
1.4. Xây dựng kiến trúc giải pháp
Lập trình viên ở vị trí công việc này sẽ đưa ra các giải pháp kiến trúc phù hợp để xây dựng phần mềm thỏa mãn yêu cầu non-functional và functional.
1.5. Quản lý
Sau một thời gian công tác, lập trình viên có thể được thăng chức lên cấp quản lý và phụ trách những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, tính năng sản phẩm hay thậm chí là toàn bộ dự án.
2. Thu nhập và quyền lợi của lập trình viên
Theo báo cáo của TopDev, 1,329$ là mức lương trung bình mà các lập trình viên có kinh nghiệm có thể nhận được trong 1 tháng. Ngoài ra, các vị trí lương cao hơn sẽ đòi hỏi thêm các kỹ năng quan trọng và đặc biệt như Data Analyst, ML/AI Engineer,… Thu nhập đối với những người mới đi làm là 338-520$, 525-1,161$ với trên 2 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, lập trình viên ở cấp quản lý dự án, nhóm, phòng với trên 5 năm làm việc sẽ nhận tối thiểu 1,355$, quản lý kỹ thuật chuyên sâu nhận tối thiểu 1,550$.
Tỷ lệ tăng lương của lập trình viên thường đạt 10-18% sau 01 năm làm việc. ML/AI Engineer là vị trí triển vọng được rất nhiều lập trình viên hướng tới nhờ mức thưởng vô cùng hấp dẫn, lên đến 2000$. Ngoài ra, lập trình viên còn được nhận đãi ngộ tương xứng tùy theo từng tổ chức, chủ yếu liên quan đến việc đào tạo và phát triển chuyên sâu, lộ trình thăng tiến rõ ràng, dự án thú vị, trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt.
3. Phẩm chất cần có của một lập trình viên
Để trở thành một lập trình viên giỏi, dễ dàng xin được vào những tổ chức lớn và luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, bạn cần rèn luyện cho mình những phẩm chất như:
3.1. Suy nghĩ vấn đề một cách logic
Đối với một lập trình viên, mọi vấn đề phải được suy xét một cách tuần tự, mạch lạc, bởi việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến phần mềm cũng tương tự như việc giải một bài toán. Đây cũng là lý do vì sao đa phần những người theo đuổi lĩnh vực này đều là dân chuyên tự nhiên.
3.2. Sự cẩn thận và tỉ mỉ
Một lập trình viên không thể thiếu đi sự tỉ mỉ, chu đáo và kỹ càng khi thực hiện công việc của mình. Bởi một khi có lỗi xảy ra, cho dù là nhỏ nhất, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cả một hệ thống.
3.3. Sự nhạy bén và tinh thần cầu tiến
Nếu không muốn sự nghiệp lập trình của mình cứ mãi “dậm chân tại chỗ”, hãy trở nên nhạy cảm trước mọi sự thay đổi và không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Tìm kiếm cơ hội hợp tác với những người giỏi hơn để học hỏi kinh nghiệm quý giá từ họ, có như vậy trình độ của bạn mới được nâng cấp nhanh chóng và đạt được vị trí công việc mà mình mong muốn.
Hy vọng những thông tin ở bài viết trên đây đã giúp bạn giải quyết thắc mắc về công việc của lập trình viên là gì, cũng như những phẩm chất cần có để trở thành một lập trình viên xuất sắc, nhận mức thù lao hấp dẫn và đãi ngộ hậu hĩnh xứng đáng với khả năng của mình. Chúc bạn sớm tìm được vị trí phù hợp và thành công với nghề lập trình.
Nguồn tham khảo: https://topdev.vn/blog/luong-lap-trinh-vien/