Hơn 10 năm phát triển tại xứ sở cờ hoa, bên cạnh những hào nhoáng, tán dương, Got It chúng mình cũng phải trải qua biết bao thăng trầm mà ít ai thấy được. Từ khi chỉ là ý tưởng trên trang giấy trong căn lab nhỏ tại Đại học Iowa, đến những tháng năm 6 thành viên core team vất vả code ngày code đêm tại căn chung cư 2 phòng ngủ trên đường Đê La Thành, rồi văn phòng đầu tiên trong một ngôi nhà xập xệ tại Thung lũng Silicon, tất cả đều trở thành nền móng đưa Got It đến ngày hôm nay, khi team chạm tới cột mốc 100 con dân và giắt túi 3 sản phẩm triệu đô, vang danh tại thánh đường công nghệ của thế giới. 

Suốt thời gian nằm gai nếm mật ấy, Got It-ians chúng mình đã xây dựng các sản phẩm như thế nào? Các sản phẩm ấy đã phát triển thành một phần không thể thiếu trong đời sống của hàng triệu người dùng ra sao? Hãy cùng Got It E-Magazine tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé! 

Với nhiều bạn du học sinh Mỹ có năng khiếu với các bộ môn khoa học tự nhiên, gia sư STEM có lẽ là một trong những công việc bán thời gian phổ biến và “cá kiếm” nhất. Toán, Lý, Hóa, Kỹ thuật từ lâu đã là ông kẹ của nhiều học sinh trung học, thậm chí cả các bạn sinh viên. Bởi, đến tận những năm cuối của quãng đời sinh viên, Giải tích, Toán cao cấp, Xác suất thống kê nhiều lúc vẫn chẳng buông tha những con nợ môn chúng mình. 

Chẳng hề ngoại lệ, ngày làm nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại Đại học Iowa, anh Hùng Trần – Founder của Got It – cũng từng có khoảng thời gian làm gia sư môn Toán cho các bạn sinh viên trong trường. Nhận ra nhu cầu tìm kiếm hướng dẫn xử lý những bài toán, bài STEM khó từ các bạn sinh viên là rất lớn, anh Hùng manh nha nghĩ đến ý tưởng về một sản phẩm độc đáo, có thể cung cấp cho các bạn các hướng dẫn giải bài tập chính xác, nhanh gọn.  

“Hiện nay, với sự phát triển của Internet, để tìm kiếm câu trả lời cho một khúc mắc nào đó, chúng ta thường có hai cách. Một là tra trên Google. Hai là đăng câu hỏi lên các nền tảng hỏi đáp như Quora để nhờ cộng đồng hỗ trợ. Tuy nhiên cả Google và Quora đều có điểm hạn chế riêng. Với Google, dù có trả về cả triệu, cả trăm nghìn kết quả, chưa chắc bạn đã tìm được lời giải chi tiết cho câu hỏi hay bài tập bất kỳ. Còn trên Quora, có thể sẽ phải đợi rất lâu mới có người trả lời, trong khi độ tin cậy của các câu trả lời chưa chắc đã cao.”

Trong hoàn cảnh ấy, Tutor Universe (tiền thân của PhotoStudy) ra đời với sứ mệnh trở thành nền tảng kết nối tri thức theo nhu cầu – On-demand Platform for Knowledge, tập trung vào các môn học STEM. Thay vì phải lên mạng tìm kiếm lời giải cho những bài tập đau não trong vô vọng, với Tutor Universe, trong vòng chưa đầy 30 giây, các bạn học sinh, sinh viên đã có thể tìm được một bạn expert (chuyên gia) có kiến thức, kỹ năng, chuyên môn phù hợp để tận tình hướng dẫn và đưa ra lời giải chính xác. 

Ý tưởng là thế, nhưng để hiện thực hóa thành sản phẩm không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Trước khi đứng trong Top #2 ứng dụng Giáo dục nổi bật nhất trên App Store Mỹ vào năm 2016, đứa con đầu lòng của Got It đã qua bao lần “đập đi xây lại”. 

“Mùa thu năm 2013, khi team mình chưa kịp vui mừng vì kết nối được với bác Peter Relan, ‘bố già’ của Silicon Valley, người sở hữu cả một vườn ươm khởi nghiệp đồ sộ tại Mỹ, thì đã nhận về một bài toán cực kỳ hóc búa từ bác: đó là chuyển ứng dụng trên nền tảng web của Got It thành ứng dụng mobile chỉ trong 1 tháng.”

Ngày ấy neo người, team chỉ vỏn vẹn 6 thành viên, vốn đều là những người bạn thân thiết của anh Hùng, làm việc trong một căn chung cư trên đường Đê La Thành. Văn phòng ngày ấy nhỏ và tuềnh toàng đến mức, có ứng viên đến ứng tuyển vừa mở cửa đã… chạy mất dép. Thế nhưng, mọi khó khăn đã hóa thành quả ngọt khi ứng dụng mobile của Got It, nay có tên là PhotoStudy, cuối cùng đã chinh phục được hàng triệu người dùng toàn cầu với cách sử dụng đơn giản, thân quen. 

Thực tế, bản thân hành vi người dùng những năm sau 2010 đã có nhiều khác biệt so với trước đây. Thay vì chụp ảnh bằng máy ảnh chuyên dụng, người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 20 có xu hướng dùng điện thoại chụp hình, chia sẻ trên mạng xã hội như Instagram, Snapchat. Bởi thế, việc PhotoStudy cho phép người dùng sử dụng điện thoại để chụp hình nội dung các bài tập khó và ngay lập tức kết nối với một expert phù hợp để nhận hướng dẫn giải chi tiết đã giúp cuộc sống của các bạn học sinh, sinh viên trở nên dễ thở hơn rất nhiều. 

Đến nay, sau thời gian gần một thập kỷ có mặt trên thị trường, PhotoStudy – chú ngựa ô trong mảng giáo dục của Got It – đang bảo đảm cho mình một chỗ đứng riêng trong lòng hàng triệu các bạn học sinh, sinh viên toàn cầu với hơn 3 triệu lượt câu hỏi được giải đáp. Bản thân sản phẩm cũng nhận được sự tin dùng của hơn 200 trường Đại học tại Mỹ khi nhà trường quyết định mua các gói thuê bao theo năm để sinh viên thoải mái sử dụng sự trợ giúp từ các chuyên gia trong mạng lưới của PhotoStudy. Quan trọng hơn cả, PhotoStudy, bên cạnh việc gỡ rối cho các bạn học sinh, sinh viên, còn đang tạo ra nguồn thu nhập chính cho hơn 10,000 expert trên nền tảng (chiếm 50% tổng số expert đang hoạt động thường xuyên). 

Nhưng, không ngủ quên trên chiến thắng, Got It vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới trên nền tảng On-demand Platform for Knowledge của mình. Và, may mắn là, những ý tưởng nghe nhỏ bé, những lần thử sai chẳng biết trước được tương lai của các Got It-ians đã dần đơm hoa kết thành trái ngọt.

sản phẩm của got it on-demand

Ở Got It, chúng mình có một bức tường ghi tên các sản phẩm mà phần đa không được mọi người biết đến. Đó là những dự án nhỏ từng được chúng mình dồn tâm sức thử nghiệm phát triển trong một thời gian, nhưng vì một vài lý do, đã được cất lại một góc. Có thể là do ý tưởng chưa được trau chuốt để thực sự khác biệt và giải quyết được triệt để nỗi đau của người dùng, cũng có khi do “đứa con” của chúng mình không thực sự được thị trường đón nhận. Nhưng những ý tưởng điên rồ, những lần thử sai đó đều là điểm khởi đầu để cả team nuôi dưỡng và xây dựng lên các sản phẩm đột phá phục vụ nhu cầu chia sẻ kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau, như ExcelChat hay QuerychatAI. 

ExcelChat – Khi bảng tính không còn là mối lo 

Tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn, trong vai trò là thực tập sinh nhân sự, được giao một task yêu cầu phải lọc và tính số lượng thành viên trong công ty có số năm làm việc nhiều hơn 3 năm. Nếu bản thân bạn không thành thạo sử dụng bảng tính, bạn sẽ làm gì? 

Lên tìm sự trợ giúp trên hội nhóm Facebook? Tìm kiếm một số hàm phù hợp trên Google? Hay thử search theo hashtag #LearnOnTiktok? Bằng cách này hay cách khác, bạn có thể sẽ tìm được cách gỡ rối cho bản thân. Tiếc thay, tất cả đều không tối ưu, đặc biệt là khi bạn cần nộp cho quản lý kết quả trong 5-10 phút nữa. 

Nhưng, có ExcelChat, bảng tính sẽ không còn là “cơn ác mộng” của bạn nữa đâu! 

Ra đời năm 2018, đứa con tinh thần thứ hai của chúng mình được phát triển để giúp người dùng làm việc trong văn phòng giải quyết những nỗi đau trường kỳ khi làm việc cùng bảng tính (như Microsoft Excel hay Google Sheets). Nếu không có chuyên môn Kế toán hay phải thường xuyên làm việc với bảng tính mỗi ngày, bạn sẽ mất đến cả tháng, thậm chí cả năm để làm quen và hiểu hết hơn 475 hàm được ghi nhận trong thư viện hàm của Excel. Nhưng chỉ cần chụp màn hình hoặc đăng tải file Excel hay gắn đường link Google Sheets lên hệ thống của ExcelChat, chưa đến 30 giây, bạn sẽ được kết nối với một chuyên gia. Với 20 phút hỏi đáp, toàn bộ khúc mắc sẽ được tháo gỡ nhờ có sự phân tích và hướng dẫn kỹ càng từ expert của hệ thống.

QuerychatAI – Thử nghiệm để đột phá 

Tuy ít được gọi tên trên truyền thông, nhưng QuerychatAI là một trong những cột mốc quan trọng giúp Got It thu hút đội ngũ AI Engineer và bắt đầu mở rộng hệ sinh thái sang các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. 

Năm 2019, thừa thắng xông lên, Got It tiếp tục phát triển một sản phẩm thuộc On-demand Platform for Knowledge mang tên Querychat. Cũng giống như ExcelChat hay PhotoStudy, trong vòng 30 giây, Querychat sẽ kết nối người dùng doanh nghiệp hoặc các nhóm Phân tích dữ liệu Doanh nghiệp nội bộ (BI – Business Intelligence) với các chuyên gia phân tích dữ liệu. Thay vì tắc tị vì không biết phải xử lý dữ liệu như thế nào, truy vấn ra sao, các bộ phận như Marketing, Vận hành,… có thể dễ dàng đưa ra các quyết định quan trọng nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia dữ liệu được Got It sàng lọc kỹ lưỡng. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạng lưới chuyên gia cho Querychat, Got It cũng nắm bắt thời cơ và xu thế thị trường, tận dụng nguồn dữ liệu từ các cuộc giao tiếp của chuyên gia với người dùng để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo học sâu (AI Deep Learning Model) của team và thử nghiệm phát triển sản phẩm QuerychatAI. Sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên với câu đầy đủ (full-sentence NLP) tiên tiến của Google BERT, vốn đã được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu tiếng Anh vô cùng lớn với 3.5 tỷ từ vựng, kết hợp cùng nguồn dữ liệu hội thoại dồi dào, QuerychatAI của chúng mình thành công hỗ trợ người dùng truy vấn dữ liệu trong database một cách đơn giản, thuận tiện bằng những câu yêu cầu viết bằng ngôn ngữ tự nhiên. 

Nhờ thử nghiệm với QuerychatAI, team AI tại Got It dần lớn mạnh hơn với sự đầu quân của nhiều AI Engineer và AI Scientist xuất thân từ Amazon, Uber, Microsoft. Bản thân nền tảng kiến thức về sản phẩm AI của các thành viên trong team cũng được nâng cao vượt bậc. 

Tất cả tạo nên tiền đề phát triển Conversational AI – startup trong lòng startup ở Got It.   

sản phẩm của got it Conversational AI

Cuối năm 2019, nhận thấy tiềm năng của thị trường Customer Relationship Management (CRM), mà đặc biệt là mảng hỗ trợ khách hàng (Customer Support), cùng với tiền đề là QuerychatAI, đội ngũ lãnh đạo của Got It đã quyết định dồn toàn bộ nguồn lực hiện đang phát triển QuerychatAI sang tập trung nghiên cứu và triển khai sản phẩm mới – Conversational AI (CAI). Sản phẩm mới, bài toán mới, thách thức mới làm chúng mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội để tiếp tục nâng cấp khả năng của bản thân khi phải đối mặt với những điều mình chưa từng trải nghiệm qua, nhưng cũng lo vì không biết: Liệu những điều chúng mình mơ với nhau liệu có hóa thành hiện thực? 

“Các tập đoàn, công ty có lượng khách hàng lớn thường có nhu cầu phát triển chatbot với mong muốn giảm thiểu phần nào khối lượng ticket mà các bạn Customer Support cần phải xử lý, tối ưu nguồn nhân lực cũng như vật lực cho công tác chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản. Để phát triển hoàn chỉnh một chú chatbot như vậy, họ cần phải phát triển một đội ngũ nội bộ hoặc thuê bên thứ 3, làm việc cùng nhau trong ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để cho ra thành phẩm dùng thử. Còn với tầm nhìn của team mình, Conversational AI có thể giúp các tập đoàn, doanh nghiệp ấy giảm thiểu tối đa thời gian – công sức cần bỏ ra để phát triển chatbot. Họ mất 6 tháng hay 1 năm để tự phát triển, nhưng với việc sử dụng Conversational AI, họ chỉ mất 3 tuần hoặc nhiều nhất là 3 tháng để có một hệ thống chatbot vận hành mượt mà.”Chandra Khatri, Head of AI của Got It tự hào chia sẻ.

Chandra chia sẻ về sản phẩm triệu đô thứ 3 của got it

Làm được điều khác biệt, đột phá và không tưởng như vậy chắc chắn không phải hành trình dễ dàng. Trong suốt thời gian nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm với các doanh nghiệp khách hàng, chúng mình đã đối diện với vô vàn những lần “đập đi xây lại”. Mỗi release, mỗi version mới của sản phẩm đều là những quyết định thay đổi, cải tiến sản phẩm mạnh mẽ và diễn ra nhanh đến chóng mặt, đòi hỏi các Engineer Got It phải nỗ lực học hỏi và không ngừng cải thiện kỹ năng cứng của bản thân. 

“Nếu sản phẩm ExcelChat không quá thách thức với tớ vì đã có nền tảng sẵn từ PhotoStudy, thì Conversational AI lại là một chân trời hoàn toàn mới, khi tất cả bắt đầu từ con số 0. Thử nghiệm và chỉnh sửa liên tục như thế nên việc danh sách requirement ban đầu cuối cùng lại thay đổi thành requirement khác là chuyện rất bình thường. Nhưng tớ rất hào hứng. Thay vì chỉ ngồi đấy, nhận một requirement và code, bọn tớ được tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra sản phẩm, cảm nhận đúng tinh thần startup.” Eric (Frontend Engineer) chia sẻ. 

Đến nay, sau 2 năm thử sai và liên tục demo, lắng nghe góp ý từ khách hàng tiềm năng, Conversational AI đã chính thức ra mắt với tính năng AutoFlow™ có một không hai trên thị trường, giúp giải quyết vô vàn nỗi đau của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. 

Giờ đây, thay vì phải mất thời gian tính bằng tháng để thuê bên thứ ba, ngồi xử lý dữ liệu lịch sử hội thoại (conversational historical logs) một cách thủ công, các doanh nghiệp có thể tận dụng sức mạnh của tính năng AutoFlows™ trong Conversational AI để chỉ trong chưa đầy 30 phút và không cần viết bất kỳ dòng code nào, khám phá, sàng lọc và phân loại dữ liệu hội thoại thành các topic lớn (ví dụ hoàn tiền, hủy gói hàng tháng,…). Ngoài ra, đứa con tinh thần của các thành viên team Conversational AI cũng hỗ trợ các doanh nghiệp huấn luyện và tích hợp bot vào các hệ thống chăm sóc, trò chuyện cùng khách hàng. Chatbot của Conversational AI sau khi tích hợp sẽ tự động xử lý và trả lời các thắc mắc, câu hỏi của khách hàng, giảm đi một khối lượng lớn công việc và áp lực Customer Support phải chịu. Tất cả giúp chúng mình đến gần hơn với ước mơ đưa Conversational AI trở thành “The World’s First Fully Autonomous Conversational AI” (Conversational AI tự động hoàn toàn đầu tiên trên thế giới).

sản phẩm của got it ước mơ

Khi bản thân team AI với sản phẩm Conversational AI đang chạy nước rút từng ngày để sớm đạt được ước mơ trở thành địa chỉ tin cậy cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tìm kiếm giải pháp về Customer Relationship Management, team phát triển các sản phẩm On-demand Platform for Knowledge cũng không hề dậm chân tại chỗ. 

Tháng 10 năm nay, sau một thời gian dài nghiên cứu, lắng nghe thị trường, team đã bắt tay phát triển High Dosage Tutoring (HDT), một sản phẩm hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên bổ sung những trường kiến thức bị hổng sau quá trình học tại nhà trong đại dịch. 

Chỉ dựa trên một vài chia sẻ từ các bạn học sinh, sinh viên, HDT sẽ ngay lập tức tính toán và gợi ý một lộ trình học tập chính xác, phù hợp. Từ lộ trình này, trong vai trò người dùng, các bạn có thể bắt đầu thực hiện các cuộc gọi (voice) với gia sư trên hệ thống của HDT để hiểu và ôn tập những nội dung mình chưa nắm chắc. Tận dụng mạng lưới expert (chuyên gia) xuất sắc trên toàn cầu, sử dụng công nghệ để thấu hiểu những “nỗi đau”, xây dựng cho người dùng lộ trình bổ sung kiến thức bài bản, cá nhân hóa, HDT chắc chắn sẽ trở thành một nhân tố quan trọng, giúp bù đắp những lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng do COVID-19 gây ra cho các bạn học sinh, sinh viên tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.“Sau hai năm đại dịch với những buổi học tại nhà, chính phủ Mỹ ghi nhận rất nhiều học sinh, sinh viên đang phải đối mặt với vấn đề hổng kiến thức. Đây cũng chính là cơ hội mở ra cho hệ sinh thái của team mình, nhanh chóng gia tăng số người dùng, nâng cao tiềm năng hợp tác. Sản phẩm mới của team mình có khả năng hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên gỡ rối, hiểu bài và mở rộng vốn kiến thức một cách hiệu quả và nhanh chóng.” – anh Hùng, Founder của Got It tâm huyết chia sẻ với cả team trong buổi họp All-hands toàn công ty.

buổi họp tạo nên sản phẩm triệu đô của got it

Không để vụt mất cơ hội vàng, cả team On-demand Platform for Knowledge chúng mình vừa có ba tuần ăn ngủ ở công ty để hoàn thiện phiên bản đầu tiên của sản phẩm. Dù sản phẩm vẫn đang trong quá trình lắng nghe phản hồi của khách hàng và thử nghiệm để hoàn thiện được MVP (minimum-viable product), nhưng HDT hứa hẹn sẽ tiếp nối PhotoStudy để biến giấc mơ “đồng hành cùng các học sinh, sinh viên trên toàn thế giới trong công cuộc học hỏi và trau dồi kiến thức” của chúng mình thành hiện thực. 

Dù vất vả khó khăn, dù thăng trầm bủa vây nối tiếp, nhưng chúng mình vẫn rất vui và tự hào, khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu đại dịch, Got It vẫn đang có những động lực mạnh mẽ để phát triển và tiến xa trên con đường thực hiện hóa ước mơ. 

Mong rằng với những nỗ lực chẳng biết mệt mỏi của toàn bộ Got It-ians, các “đứa con tinh thần” của chúng mình giữ vững được niềm tin yêu của hàng triệu người dùng toàn cầu và sớm lớn mạnh hơn nữa để hỗ trợ được ngày càng nhiều bạn học sinh, sinh viên, người đi làm, hay các bạn Customer Support nâng cao được hiệu suất học tập, làm việc.

Mong rằng mọi nỗ lực và nhiệt huyết sẽ kết thành quả ngọt, để khi nhìn lại, chúng mình đều sẽ vui vì đã dám điên, dám ước mơ, dám làm điều khác biệt. 

—– 

Nếu bạn muốn nhảy vào biển lửa, cùng chúng mình chinh phục ước mơ lớn của hiện tại, hãy tìm hiểu thêm các cơ hội nghề nghiệp tại Got It và ứng tuyển ngay, vì biết đâu chúng mình có thể là một “match” của nhau đấy!

Nếu bạn quan tâm, hãy xem các vị trí đang tuyển dụng của Got It tại: bit.ly/gotit-hanoi và đọc thêm về quy trình tuyển dụng tại đây.

https://d1iv5z3ivlqga1.cloudfront.net/wp-content/uploads/2021/04/29235048/1_QAG9RXQyyMAY7i9OYo84FA.png
Got It Vietnam
July 04, 2020
Share this post to:
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback
Tester ở Got It có gì khác? - Got It Vietnam Blog
3 years ago

[…] Got It và những sản phẩm global làm nên thương hiệu […]

Các bài viết liên quan
PhotoStudy Stack Transition – Hành trình “đập đi xây lại” cho một hệ thống 10 năm tuổi

PhotoStudy Stack Transition – Hành trình “đập đi xây lại” cho một hệ thống 10 năm tuổi

Theo số liệu mới nhất từ Esomar và Appinventiv, cứ mỗi 24 giờ trôi qua, Apple App Store và Google Play Store sẽ chào đón sự ra đời của hơn 5,000 mobile app mới. Nhưng, tiếc là, cùng thời điểm đó, người ta cũng chứng kiến hơn 4,000 “đứa con tinh thần” của các nhà […]
Khi con gái làm IT (2): Tỏa sáng theo cách của riêng mình

Khi con gái làm IT (2): Tỏa sáng theo cách của riêng mình

Hãy cùng tìm hiểu những “sắc màu cá tính” của Got It Girls qua những câu chuyện của chúng mình trong Got It E-Magazine số hôm nay và đạp đổ những định kiến về con gái làm IT nhé! Tốt nghiệp chuyên Tin, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hương nối dài hành trình […]
Conversational AI

Conversational AI

Trong số những sản phẩm mà Got It đang xây dựng, Conversational AI (CAI) là sản phẩm có tuổi đời trẻ nhất, chưa có nhiều khách hàng nhất. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm phức tạp nhất và được kỳ vọng lớn nhất trong chiến lược phát triển của công ty. Tại sao lại […]
Con đường IT nào dành cho dân kinh tế?

Con đường IT nào dành cho dân kinh tế?

Cơ hội mới dành cho ai không biết lập trình, ghét việc “bàn giấy"!
Làm đồng thời Manual và Automation Tester là trải nghiệm thế nào?

Làm đồng thời Manual và Automation Tester là trải nghiệm thế nào?

Manual và Automation Testing vốn có nhiều điểm khác biệt, nhưng nếu làm song song cả hai công việc này một lúc, một người Tester sẽ có trải nghiệm thế nào? Câu chuyện dười đây kể về Samsam – một người trẻ gắn bó với cả hai mảng kiểm thử từ những ngày đầu tiên, […]
Khi con gái làm IT: Thách thức và bài học?

Khi con gái làm IT: Thách thức và bài học?

Dù xu hướng ngày nay đã có ít nhiều thay đổi, song con gái làm IT vẫn có thể được coi là “những bông hoa hiếm có khó tìm”. Uyên Trần: Cuộc trò chuyện ngày hôm nay của chúng ta có chị Hoà, người đã làm Developer hơn 10 năm và cả Sam, Ellie, những […]