Năm học cuối, sinh viên công nghệ có lẽ ai cũng tất tả tìm việc. Quý cũng chẳng phải ngoại lệ khi cậu vừa làm đồ án, vừa đi thực tập sinh cho một công ty outsource trong mùa hè cuối tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT). Thế nhưng, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Quý chỉ được làm những module nhỏ, những dự án không chính thức, và chuyện được động tay vào sản phẩm nghe như một giấc mộng viển vông. Đồ án vẫn còn đó, mà công việc lại chẳng cho cậu thêm nhiều kiến thức hay kinh nghiệm.
Quý thầm nghĩ, liệu có ích gì khi cứ “sống mòn” với một công việc như vậy? Liệu có nên cố bám trụ chỉ để có việc làm? Sau bao hồi trăn trở, cuối cùng Quý đã quyết định nghỉ việc để tập trung làm đồ án. Và đó cũng chính là khi cái tên Got It xuất hiện trong cuộc đời của cậu sinh viên…
Sau khi được một người anh giới thiệu, Quý lao vào tìm hiểu Got It. Điều đầu tiên câu tìm kiếm chính là SẢN PHẨM — linh hồn của một công ty product. Quý hiểu rằng Got It là công ty product, nghĩa là team sẽ phải theo sản phẩm từ đầu đến cuối, nếu không thích thì sẽ rất dễ nản. Cậu thậm chí còn tải cả PhotoStudy, sản phẩm chủ chốt của Got It lúc bấy giờ, về dùng thử. Thế rồi, Quý quyết định nộp CV, không quên liệt kê trong đầu một vài ý tưởng để phát triển sản phẩm tốt hơn.
Đáng nhớ nhất phải kể đến vòng Culture Fit Interview. Dù được báo trước là sẽ phỏng vấn với tất cả mọi người trong team, Quý vẫn không khỏi bỡ ngỡ khi ngồi giữa “vòng vây” của tận… 16 người. Mọi người quây quần ở open space, nơi Quý được hỏi về đủ mọi chủ đề để hai bên cùng tìm hiểu đối phương. Tuy lúc đầu khá run nhưng với những câu hỏi mở và bầu không khí thoải mái, Quý cũng dần bình tĩnh lại. Thậm chí, cậu còn thoáng nghĩ, kể cả không đỗ thì đây vẫn sẽ là kiểu công ty mình muốn làm việc cùng. Thế nhưng viễn cảnh ấy đã không xảy ra. Quý đã vượt qua cả 5 vòng tuyển dụng để trở thành Android Engineer ở Got It.
Vào rồi thì lại thấy, Got It “lạ”.
Lần đầu tiên Quý thấy một công ty khác hẳn với những gì mình thường nghĩ: không quẹt vân tay, không bắt làm việc 8 tiếng tại văn phòng, được bao ăn trưa tối, được công ty “bắt” đi học, rồi còn cấp cả Macbook và một loạt device “xịn”. Mọi thứ khác xa với những tưởng tượng về một môi trường IT gò bó, khô khan sau khi ra trường.
Chưa hết, ở Got It, các thành viên còn trực tiếp tham gia vào quá trình làm sản phẩm, và sản phẩm đó sẽ phục vụ hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. Bởi vậy, mọi công việc ở Got It thường được trau chuốt cho thật chỉn chu, bởi ai cũng muốn tạo ra phiên bản tốt nhất cho sản phẩm cộp mác công ty mình. Hiển nhiên, việc ấy rất vất vả, nhưng cũng chính là cơ hội để Quý được thoả sức học tập, nâng cao kỹ năng — điều mà cậu hằng tìm kiếm.
Gắn bó ngót nghét ba năm, Quý đã cùng Got It trải qua nhiều lần chuyển mình, lột xác. Hành trình của cậu gắn với hai vị trí: Android Developer và Test Automation Engineer.
Đầu tiên, Quý gia nhập team khi Got It Vietnam mới chỉ có hơn 10 người, team mobile vỏn vẹn 02 người là Quý và một đồng nghiệp tại Mỹ. Cậu sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường đã được trải nghiệm cuộc sống build sản phẩm chân thực và khắc nghiệt nhất: chịu trách nhiệm chính về bản Android của PhotoStudy. Quý phải tự mình chủ động công việc, và tất nhiên, cũng phải trầy trượt vô số lần. Thậm chí, một vài lần release đầu tiên còn dính những lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng sản phẩm.
Khi đó, team QA và các anh chị senior, dù không làm về Android, đã phải lập tức nhảy vào hỗ trợ cậu reproduce bug, tìm ra issue, chỉ cách viết report issue trên các kênh. Quý vẫn nhớ những ngày cả team ở lại đến tận tối mịt, và rằng nếu mọi người không lăn xả đến thế, có lẽ cậu đã không thể vượt qua chừng ấy khó khăn.
Cột mốc thứ hai là dự án xây dựng bộ công cụ kiểm thử tự động cho ứng dụng mobile, mà cụ thể ở đây là PhotoStudy ở cả 2 phiên bản dành cho iOS và Android, qua đó giảm tải tải thời gian thực hiện regression test cho team QA trong mỗi release sản phẩm. Lúc bấy giờ, chưa có nhiều công ty product ở Việt Nam chú trọng và áp dụng một cách có hiệu quả Test Automation vào quá trình phát triển sản phẩm. Hơn nữa, bản thân Quý cũng chưa có khái niệm gì về Test Automation, đủ hiểu nhiệm vụ này có bao nhiêu khó khăn.
Thay vì chỉ chăm chăm triển khai và tích hợp các feature của ứng dụng, Quý còn phải tìm cách tiếp cận các khái niệm mới mẻ về Test Automation, từ đó dần dần áp dụng để xây dựng và triển khai viết end-to-end test cho chính các feature của ứng dụng. Nói cách khác, công việc của cậu chuyển từ “viết code để người khác test thủ công” đơn thuần sang “viết code để kiểm tra code của chính mình và các đồng nghiệp”.
Cột mốc thứ ba và đáng nhớ nhất mà Quý gặp ở Got It là khi công ty chuyển hướng, team PhotoStudy gặp biến động. Từ một cậu lập trình viên Android đá chéo sân Test Automation, Quý chợt hẫng lại trước những thay đổi đột ngột.
Nhưng thay vì vội vã cất bước, chàng trai ấy đã chọn cách nói chuyện với mọi người — những người cậu vẫn luôn kề vai sát cánh. Quý tâm sự về những lo âu, về việc sợ mình trở nên thừa thãi, về giá trị của bản thân trong công việc. Để rồi, Got It lại đưa đến cho Quý một thử thách mới — trở thành một full-time Test Automation Engineer.
Người ta vẫn cho rằng chỉ ai kém cỏi, không code được mới phải làm QA. Nhưng ở Got It, bạn sẽ thấy điều ngược lại. Test ở Got It vất vả chẳng kém dev, cũng phải code, phải không ngừng học hỏi, bởi sẽ chẳng có một sản phẩm nào dám gắn mác “world-class” nếu không được test hẳn hoi. Quý được anh Vũ, mentor đầu tiên của mình, giảng giải rõ ràng về cả những cái được và mất với vai trò Test Automation Engineer, rằng giá trị của cậu sẽ là gì, điều gì sẽ chờ đợi cậu ở phía trước, và để Quý lựa chọn. Cậu có thể đi nếu không cảm thấy phù hợp, hoặc ở lại cùng Got It và chấp nhận thử thách này.
Nói chuyện với Quý, tôi nhận ra suy nghĩ của chàng trai ấy chưa bao giờ thay đổi. Cậu đến với Got It chỉ vì thích làm sản phẩm, vì ý nghĩ được tự tay tạo ra một điều gì đó thật ý nghĩa. Điều duy nhất từng khiến cậu nghĩ đến việc rời đi chỉ là câu hỏi: Liệu mình có còn tạo ra được giá trị gì nữa không?
Startup luôn đầy rẫy những biến động mà chỉ những ai dám thích nghi mới có thể bước tiếp. Thời điểm PhotoStudy chững lại cũng là khi Got It lấn sân sang làm các sản phẩm về web, mở đầu với Excelchat — chuyên gia giải đáp các vấn đề về bảng tính theo nhu cầu. Quý được anh founder Hùng Trần chia sẻ về hướng đi này, cùng với nhu cầu về việc mở rộng bộ công cụ kiểm thử tự động (Test Framework), khiến nó trở nên linh hoạt và có tính áp dụng cao hơn để phục vụ cho các sản phẩm khác nhau của hệ sinh thái mà Got It đang xây dựng (cụ thể ở thời điểm đó là Excelchat). Khó khăn trước mắt bao gồm việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện framework hiện có với những component sơ khai mà các kỹ sư Got It đã xây dựng. Bên cạnh đó, việc tìm cách áp dụng có hiệu quả với quy trình kiểm thử thủ công cũng là mục tiêu chính lúc bấy giờ.
Dù Test Automation sẽ là một con đường hoàn toàn mới với đầy thử thách, nhưng Quý đã quả quyết nhận lấy thử thách này và trở thành người chịu trách nhiệm chính cho team Test Automation. Từ chàng lập trình viên Android chỉ quen làm một mình năm ấy, Quý bắt đầu làm việc nhiều hơn với mọi người, nhất là các Engineer để cùng giải quyết bài toán được đề ra. Từ một chàng trai chỉ làm kỹ thuật đơn thuần, Quý dần học thêm kỹ năng làm việc nhóm, chịu trách nhiệm vận hành các dự án của mình, khiến cho mọi công đoạn diễn ra trôi chảy, duy trì sự phối hợp ăn khớp giữa các team.
Dù trải qua nhiều phen thăng trầm, Quý vẫn khiêm tốn thừa nhận mình còn nhiều điều chưa biết. Chàng trai ấy vẫn đang cố gắng từng ngày để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, không ngại hỏi han mọi người để ngày một tiến bộ hơn. Có lẽ sự cầu tiến chính là đòn bẩy, là tấm bản lề chắc chắn nhất cho sự trưởng thành của chàng trai ấy. Quý luôn biết mình đang ở đâu, luôn trăn trở câu hỏi về giá trị của bản thân — một điều mà không phải ai cũng giữ được giữa những áp lực cơm áo gạo tiền.
Tâm sự với tôi, Quý bảo mình sẵn sàng dành thời gian làm việc vào cuối tuần, bởi sau tất thảy, cậu thấy xứng đáng. Quý thích được nhìn thấy sản phẩm trở nên “xịn xò”, hay ít nhất là đạt chất lượng tốt nhất có thể, hơn với sự đóng góp của mình, tận hưởng cảm giác được đóng góp cho Got It — một nơi cậu chưa từng muốn rời đi. Ngoài kia chắc hẳn còn có công ty trả lương cao hơn, business lớn hơn, nhưng Quý đã chọn Got It là nơi được thoả sức cống hiến giá trị của bản thân trong những năm bản lề để xây dựng sự nghiệp, để không hối hận vì đã không làm đến nơi đến chốn.
[…] 📍 Hành trình trở thành Test Automation Engineer của cậu kỹ sư Học viện Bưu chí… […]