Đối với mọi lập trình viên, Git là người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi chúng ta khi xây dựng và phát triển sản phẩm. Vậy Git là gì? Những kiến thức nào về Git các kỹ sư cần phải biết? Hãy cùng Got It Vietnam tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Mục lục
Git là gì?
Git là một hệ thống kiểm soát phân tán mã nguồn phân tán (Open Source Distributed Version Control System/ hay DVCS). Các VCS là những hệ thống ghi lại những thay đổi của file xuyên suốt dự án và mỗi sự thay đổi thì sẽ được lưu trữ thành một phiên bản. VCS cũng là hệ thống cho phép các lập trình viên có thể lưu trữ nhiều phiên bản của các mã nguồn được nhân bản (clone) từ kho chứa các mã nguồn (repository).
Nói một cách đơn giản, hệ thống này sẽ quản lý các mã nguồn trong dự án của bạn. Trong một dự án thường sẽ có nhiều dev cùng làm việc với nhau, do đó Git tồn tại để giúp các lệnh của người này không xung đột với lệnh của người khác. Hơn nữa, trong quá trình hình thành và phát triển sản phẩm, các yêu cầu đầu vào có thể thay đổi và chúng ta sẽ phải tìm về các phiên bản cũ của code để tiến hành chỉnh sửa.
Những tác dụng của Git
Như mọi VCS khác, Git hỗ trợ lập trình viên trong nhiều trường hợp như sau:
- Quản lý code và lịch sử thay đổi: Hãy tưởng tượng nếu bạn phát triển một tính năng mới và tạo ra một đống bug. Lúc này bạn hối hận và muốn quay đầu. Nếu không có hệ thống này, bạn sẽ phải quay lại từ đầu để dò bug và chỉnh lại cho đúng. Git sẽ giúp bạn hoàn thành những công đoạn đó chỉ với một vài dòng lệnh.
- Tiết kiệm thời gian: Ngoài tính năng giúp lập trình viên chỉnh sửa thay đổi dễ dàng, hệ thống này còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển tính năng mới. Khi phát triển tính năng mới, bạn có thể copy mã nguồn gốc để làm backup lỡ tính năng không được như mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn phát triển thêm 2-3 tính năng nữa thì việc này chắc chắn sẽ rất mất thời gian. Do đó lúc này bạn sẽ cần đến Git để tối giản hoá quá trình này
- Giúp làm việc nhóm hiệu quả hơn: Một dự án sẽ bao gồm nhiều người đến từ nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, việc dẫm lên chân nhau khi thực hiện dự án là hoàn toàn có thể xảy ra. Hệ thống này sẽ đóng vai trò quản lý hệ thống và giúp giảm thiểu mâu thuẫn giữa các bộ phận
Có những thành phần nào trong Git?
Git bao gồm hai thành phần: Repository và Branch. Vậy những thành phần này hỗ trợ công việc của chúng ta như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thêm nhé.
Repository
Nói một cách dễ hiểu thì repository là một kho chứa các mã của dự án được tạo ra bởi Git, và thường được gọi tắt là Repo. Mỗi một Repo sẽ có hai cấu trúc dữ liệu chính là Object Store và Index, được lưu trữ ẩn trong một file có đuôi .git.
Thông thường, có hai loại Repo phổ biến nhất như sau:
- Local Repo: Đây là loại Repo sẽ được lắp đặt trực tiếp trên máy tính của lập trình viên và sẽ được đồng bộ hoá với Remote thông qua lệnh của Git.
- Remote Repo: Với Remote Repo, các kho sẽ được lưu trữ trực tuyến trên các server chuyên dụng, điển hình như GitHub, BitStacker, v.v..
Branch
Trong một dự án, Leader sẽ là người phụ trách giao việc cho các thành viên trong team. Tuy nhiên, việc tiến hành các công việc này cùng 1 lúc là điều không thể vì chắc chắn sẽ có hiện tượng đụng code. Do đó, tính năng Branch có trong Git cho phép các leader có thể chia riêng mỗi nhiệm vụ một branch riêng. Các branch này hoạt động riêng lẻ và không ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời chúng cũng ghi lại những sửa đổi trong cùng một khoảng thời gian, cực kỳ hữu dụng khi chúng ta triển khai nhiều nhiệm vụ cùng 1 lúc.
Ngoài ra, khi bạn tạo một Repo ở trên Git thì hệ thống này sẽ mặc định tạo cho bạn 1 branch master và lúc này mọi thay đổi của bạn sẽ được ghi trên branch master đó.
Git có gì tối ưu hơn các VCS khác?
Ở phía trên chúng tôi đã liệt kê một vài ưu điểm của Git, tuy nhiên các hệ thống VCS khác cũng có những điểm tương tự, vậy sự khác biệt giữa chúng là gì? Điều gì khiến Git tối ưu hơn những hệ thống VCS khác?
Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào bản chất của hệ thống này. Git tiếp cận theo hướng phân tán (distributed) trong khi các hệ thống khác thì tiếp cận theo hướng tập trung (centralized). Ngoài ra, ưu điểm của hệ thống phân nhánh branch giúp Git trở thành hệ thống hỗ trợ người dùng tốt nhất trong quá trình làm việc nhóm. Branching giúp những đầu việc khó nhằn như: chia công việc, tổng hợp code, chỉnh sửa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, chưa kể đến việc Git hoàn toàn miễn phí và không hề yêu cầu một cơ sở hạ tầng Server nào.
Khi so sánh với một VCS cụ thể như SVN, Git lợi thế hơn hẳn vì cho phép người dùng làm việc online trong một khoảng thời gian tương đối dài, và người dùng chỉ cần online để phục vụ mục đích teamwork, hoặc lưu lịch sử code lên remote Repos. Hơn nữa, mỗi branch của hệ thống này chỉ tốn khoảng 41 bytes, trong khi SVN sẽ copy lại toàn bộ mã nguồn thành một bản mới khi phân nhánh.
Hy vọng qua bài viết vừa rồi, Got It Vietnam đã giúp các bạn trả lời câu hỏi Git là gì và những ứng dụng của nó trong công việc của các bạn.
Tìm hiểu thêm: