Cùng một điểm xuất phát là các chuyên ngành đào tạo CNTT, nhưng chính sự khác biệt ở phương pháp học CNTT ngay khi còn ngồi trên giảng đường đã giúp rất nhiều người nhanh chóng được nhận vào các tập đoàn lớn, nắm giữ những vị trí quan trọng và nhận mức thù lao hấp dẫn. Vậy làm thế nào để học tốt ngành CNTT?
Học CNTT nhóm (Group-Study)
Còn gì tuyệt vời hơn khi việc chơi chung với một nhóm bạn không chỉ đơn thuần là tận hưởng những thú vui cùng nhau, mà còn hỗ trợ nhau trong quá trình học tập để tất cả cùng tiến bộ. Bạn không phải Google, lượng kiến thức và kỹ năng mà bạn có trong đầu chỉ ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, việc học với những người cùng chuyên ngành với mình hoàn toàn có thể giúp bạn mở rộng và làm giàu thêm vốn kiến thức cho mình.
Bên cạnh đó, thay vì một mình gắng sức ôm đồm học tất cả các môn cùng một lúc để chuẩn bị cho ngày thi, thì học nhóm sẽ chia nhỏ công việc cho nhiều cá nhân. Từng người trong nhóm phụ trách hệ thống kiến thức, nhấn mạnh điểm quan trọng và tổng hợp các câu hỏi thường gặp trong đề thi, giải sẵn và giảng lại đáp án cho những người còn lại trong nhóm. Điều này sẽ khiến mọi người có thể dễ dàng nắm bắt, ghi nhớ và vận dụng tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi, cũng như xây dựng nền tảng vững chắc phục vụ cho công việc sau này.
Ngoài ra, việc chứng kiến một vài cá nhân nỗ lực học tập sẽ vô tình thúc đẩy bản tính ganh đua của các thành viên khác, khiến họ tự động bật “chế độ” chăm chỉ y hệt như vậy. Bạn sẽ nhận ra rằng mình tốn ít thời gian hơn cho việc học so với trước kia mà kết quả đạt được thậm chí còn vượt xa kỳ vọng.
Tự đánh giá bản thân (Self-Assessment)
Một trong những kinh nghiệm học CNTT được rất nhiều cựu sinh viên xuất sắc trong ngành áp dụng khi mới bắt đầu học chính là giả định điểm xuất phát của mình bằng 0. Tuyệt đối không nên ỷ lại vào vốn kiến thức nền để coi nhẹ việc tiếp thu kiến thức và rèn luyện trên lớp.
Trong quá trình học, hãy tự đánh giá năng lực của bản thân, xem mình còn thiếu hụt gì và cần đạt đến mục tiêu như thế nào. CNTT là một lĩnh vực rất rộng, bạn chỉ nên tập trung vào một mảng và cố gắng học thật tốt mảng đó. Bạn sẽ dễ dàng tìm được định hướng nghề nghiệp cụ thể cho bản thân mình sau khi tốt nghiệp và trở thành chuyên gia trong công việc mình chọn.
Tự đánh giá bản thân còn bao gồm cả việc bạn biết lắng nghe và dám đưa ra ý kiến của mình để đóng góp cho một hoạt động, dự án nào đó, sẵn sàng phản biện bằng kinh nghiệm và kiến thức mình đã có. Thêm vào đó, chấp nhận thất bại như một phần tất yếu và nỗ lực để sửa chúng cũng là một biểu hiện của tinh thần học tập CNTT đúng đắn.
Tự học (Self-Study)
Đối với một ngành học mà lượng thông tin không ngừng được cập nhật từng giờ, từng phút như CNTT thì việc tự học là vô cùng cần thiết. Nhà trường chỉ có thể cung cấp những kiến thức ở cấp độ nền tảng, và tần suất cải tiến chương trình học là không thường xuyên. Chính vì thế, để theo kịp với tốc độ thay đổi đến chóng mặt của lĩnh vực này, bạn phải tự mình tìm hiểu, ghi chép lại và vận dụng trực tiếp vào quá trình học CNTT.
Đồng thời, kỹ năng mềm không phải là thứ nằm trong chương trình giảng dạy của các trường đại học, nên không còn cách nào khác là bạn phải tìm kiếm cơ hội trải nghiệm môi trường thực tế để rèn dũa cho mình khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý công việc,….
Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc học CNTT thì hãy thay đổi phương pháp tiếp cận với lĩnh vực này với 3 nguyên tắc trên và theo dõi sự thay đổi của mình nhé. Chúc bạn học tốt!